Đó là một trong các ví dụ cực đoan cho thấy những tranh cãi gay gắt trong chính trường Mỹ về phán quyết của Tòa án tối cao vừa tuyên với ông Trump, chấm dứt khả năng ông phải hầu tòa trước ngày bầu cử tháng 11 tới.
Chuyện công - tư của tổng thống Mỹ
Phán quyết của Tòa án tối cao liên quan vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6-1-2021. Ông Trump bị cáo buộc muốn lật ngược kết quả bầu cử và kích động đám đông bạo loạn. Để tự vệ, ông Trump khẳng định mình được quyền miễn truy tố với những hành động khi còn là tổng thống.
Và ngày 1-7, Tòa án tối cao Mỹ đã ra phán quyết liên quan bản cáo trạng của công tố viên Jack Smith chống lại ông Trump trong vụ bạo loạn đó.
Tòa án tối cao phân tích bốn loại hành vi của ông Trump trong bản cáo trạng này: (1) những thảo luận của ông với quan chức Bộ Tư pháp Mỹ sau bầu cử; (2) cáo buộc về việc ông gây áp lực lên phó tổng thống Mỹ khi đó là ông Mike Pence để ngăn chặn việc quốc hội chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden; (3) vai trò (bị cáo buộc) của ông trong việc tập hợp và sử dụng các đại biểu cử tri giả mạo ủng hộ mình trong quá trình chứng nhận; và (4) hành vi của ông liên quan vụ 6-1.
Trong phán quyết ngày 1-7, Tòa án tối cao kết luận một tổng thống Mỹ được miễn truy tố đối với những hành động thuộc phạm vi Hiến pháp cho phép. Do đó tòa nhận thấy ông Trump được miễn trừ tuyệt đối trong các thảo luận với quan chức Bộ Tư pháp (1), và cũng được "miễn trừ giả định" cho các tương tác của ông với ông Pence (2).
Chánh án Tòa án tối cao Mỹ John Roberts nhấn mạnh các tổng thống có quyền miễn trừ tuyệt đối liên quan "quyền lực hiến pháp cốt lõi" của họ. Do đó một cựu tổng thống sẽ ít nhất có quyền miễn truy tố giả định đối với các hành động thuộc phạm vi trách nhiệm chính thức của ông ta.
Theo nghĩa này, ông Trump được miễn truy tố trong các thảo luận với quan chức tư pháp Mỹ (1) và ông Pence, vốn là phó tổng thống của mình (2), vì đây là những hành động thông thường của một tổng thống, nằm trong phạm vi "chính thức" chứ không phải việc riêng.
Hành động "chính thức", còn được một số chuyên gia pháp lý gọi là "quyền lực cốt lõi", ở đây được hiểu là những quyết định tổng thống đưa ra vì việc công và được Hiến pháp cho phép. Như vậy ông Trump sẽ được miễn truy tố với các loại hành vi này, nhưng không được miễn truy tố đối với việc cá nhân (việc tư).
Nhưng làm sao để phân định việc công, việc tư? Việc làm sáng tỏ đâu là hành động nằm trong "phạm vi của nghĩa vụ chính thức" thường bao gồm các đánh giá xung quanh vấn đề liệu các hành động ấy có gắn chặt với chức năng mà Hiến pháp Mỹ cho phép một tổng thống làm hay không.
Hai loại hành vi gồm (cáo buộc về) tập hợp đại biểu giả mạo (3) và lời nói, hành động liên quan vụ Đồi Capitol 6-1 đã được Tòa án tối cao trả lại cho các tòa cấp dưới. Nếu họ chứng minh đây là việc tư, vụ án của ông Trump liên quan các cáo buộc này sẽ tiếp tục được xử.
Vì sao ông Trump khó bị truy tố?
Khi công nhận việc miễn trừ rộng rãi cho ông Trump, Chánh án Roberts khẳng định một tổng thống Mỹ cần "được thực thi nhiệm vụ của mình khi đương chức một cách can đảm và công bằng", và không phải đối diện với nỗi sợ bị truy tố. Điều này được hiểu là cách người Mỹ đảm bảo chính phủ hoạt động hiệu quả.
Nhưng luồng ý kiến phản bác cho rằng quyền miễn trừ này trao cho tổng thống Mỹ quá nhiều quyền lực. Sẽ ra sao nếu ông ta chỉ đạo cấp dưới sát hại một công dân Mỹ hay đối thủ chính trị? Tranh cãi về việc này đã kéo dài suốt nhiều năm, và phần nào lý giải vì sao phán quyết của Tòa án tối cao được xem như một bước ngoặt "lịch sử".
Trong tranh cãi này, một số đánh giá bước đầu của các chuyên gia cho thấy mọi thứ có vẻ thuận lợi cho ông Trump. Thứ nhất, vì khái niệm khá rộng trong Hiến pháp Mỹ, quả thật nếu ông Trump hành động trong khuôn khổ cho phép, ông sẽ được miễn trừ.
Thứ hai, điểm rắc rối nhất và quan trọng nhất nằm ở quy định về điều tra. Theo ông Roberts, "khi phân biệt hành vi chính thức hay không chính thức, các tòa án không được điều tra động cơ của tổng thống".
Điều này có nghĩa giả sử ông Trump nhận tiền hối lộ để ân xá cho một phạm nhân, công tố viên không được điều tra động cơ cho hành động ân xá ấy bởi đó là việc một tổng thống thực thi theo Hiến pháp.
Nói cách khác, trong khi ông Trump vẫn có thể bị truy tố vì "việc tư", các công tố viên có lẽ không thể chứng minh ông phạm tội với các bằng chứng tìm thấy trong "hành động chính thức" của ông.
Theo AP, hôm 1-7, ngay sau khi Tòa án tối cao ra phán quyết, các luật sư của ông Trump đã nhanh chóng yêu cầu thẩm phán New York Juan Merchan hủy bỏ bản án và hoãn tuyên án vụ "chi tiền bịt miệng" ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels. Phe ông Trump muốn ông Merchan cân nhắc liệu phán quyết của Tòa án tối cao nói trên ảnh hưởng tới vụ này như thế nào.
Các lãnh đạo của chúng ta phải đưa ra nhiều quyết định rất khó khăn, và bạn sẽ không muốn ngăn cản hiệu quả quản lý bằng nỗi sợ rằng ai đó sẽ nói "Ồ, ông vi phạm luật hình sự". Đó là nguồn gốc của việc miễn trừ, nhằm bảo vệ hiệu quả quản lý trong những thời điểm khó khăn. Do đó, tôi đồng cảm với việc có một số quyền miễn trừ, nhưng tôi cho rằng rào cản mà Tòa án tối cao công nhận trong quyết định vừa qua là quá cao.
Ông HAROLD KRENT, chuyên gia luật hiến pháp, giáo sư tại Viện Công nghệ Illinois (ĐH Luật Chicago-Kent, Mỹ)
Mời bạn đọc theo dõi chuyên trang bầu cử tổng thống Mỹ 2024 của Tuổi Trẻ Online tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận