21/08/2020 12:54 GMT+7

Tranh cãi gay gắt quanh việc thuê mặt bằng chuỗi siêu thị AuChan

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Vì kinh doanh thua lỗ, hệ thống siêu thị Auchan đã phải thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng trước thời hạn và vướng sự phản đối từ đơn vị cho thuê.

Tranh cãi gay gắt quanh việc thuê mặt bằng  chuỗi siêu thị AuChan - Ảnh 1.

Các đương sự tại tòa ngày 21-8- Ảnh: T.L

Ngày 21-8, TAND quận 10 TP.HCM tiếp tục mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp An Lạc và bị đơn là Công ty TNHH MTV Marone (đối tác của tập đoàn bán lẻ AuChan, Pháp).

Trước đó, tòa án đã mở phiên xét xử và phải hoãn xử để các bên thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên sau thời gian hoãn xử, hai bên không đạt được thỏa thuận.

Yêu cầu bồi thường 119 tỉ đồng

Vụ việc bắt nguồn từ ngày 20-2-2017, công ty An Lạc và Marone ký hợp đồng thuê mặt bằng. Theo đó, An lạc cho Marone mặt bằng với tổng diện tích hơn 2000m2 gồm 3 tầng của tòa nhà ở số 332 đường Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú. Thời hạn thuê là 30 năm, mục đích là thuê mặt bằng để làm siêu thị. Tiền thuê 5 năm đầu tiên là 29 tỉ đồng, tăng 15% sau mỗi 5 năm.

Thực hiện hợp đồng nêu trên, Marona đặt cọc cho An Lạc hơn 5 tỉ đồng và thanh toán tiền thuê 5 năm đầu tiên (bao gồm thuế) là 32 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ngày 22-1-2019, Marone có văn bản gửi An Lạc thông báo công ty có quyết định đóng cửa siêu thị và đề xuất chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng. Tuy nhiên phía An Lạc không đồng ý mà đề xuất tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Ngày 14-5-2019, chủ sở hữu của Marone là tập đoàn Auchan đăng tải trên các báo về việc sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh bán lẻ tại thị trường Việt Nam và rút vốn về nước. An Lạc cho rằng Marone đã có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng, việc đơn phương này trái với thỏa thuận của các bên và quy định của pháp luật.

Theo nguyên đơn, các bên ký hợp đồng thuê mặt bằng phát triển và kinh doanh siêu thị với thương hiệu “AuChan”. Nay Marone thông báo về việc đóng cửa siêu thị AuChan, rút khỏi thị trường Việt Nam và tìm kiếm đối tác khác để chuyển nhượng mặt bằng cho thuê. Đây là hành vi vi phạm thỏa thuận về mục đích thuê mặt bằng

Nguyên đơn cho rằng Marone đã không thông báo trước cho An Lạc về các dự định chấm dứt hợp đồng. Vì vậy, phía An Lạc yêu cầu tòa án buộc bị đơn phải thanh toán cho An Lạc với tổng số tiền là 119 tỉ đồng. Trong đó tiền bồi thường thiệt hại cho việc làm giảm sút giá trị thương mại của mặt bằng cho thuê là hơn 3 tỉ đồng và bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê là hơn 116 tỉ đồng.

Chuyển nhượng cho bên thứ 3?

Tranh cãi gay gắt quanh việc thuê mặt bằng  chuỗi siêu thị AuChan - Ảnh 2.

Mặt bằng cho thuê hàng tỉ đồng mỗi năm hiện đang bị bỏ trống khi có tranh chấp- Ảnh: C.N

Tại tòa sáng 21-8, nguyên đơn vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng bị đơn đã có sự trốn tránh, không thẳng thắn khi muốn chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng. Bị đơn thanh lý hàng hóa, không kinh doanh khiến mặt bằng bị xuống cấp, gây thiệt hại cho An Lạc nhưng bị đơn không thiện chí giải quyết.

“Bị chấm dứt hợp đồng, kế hoạch kinh doanh mấy chục năm phía trước dang dở, chúng tôi có quyền lo lắng, hoảng sợ...”- đại diện công ty An Lạc cho biết.

Tỏ ra khá bức xúc, đại diện bị đơn cho rằng do việc kinh doanh khó khăn nên họ mới không thực hiện được hợp đồng. Bị đơn cũng đã nỗ lực chuyển nhượng cho đơn vị khác thuê nhưng không thành công.

“Cho đến hôm nay, công ty chúng tôi chưa từng đơn phương đưa ra thông báo chấm dứt hợp đồng. Tiền thuê nhà 5 năm chúng tôi đã thanh toán xong, cộng với 5 tỉ tiền đặt cọc nữa. Chúng tôi mới kinh doanh 3 năm, bây giờ đề xuất phương án giải quyết nhưng An Lạc không đồng ý, lại còn nói hoảng sợ rồi đi kiện. Nỗi sợ này có logic không? Đây là lời giải thích không chấp nhận được…”- đại diện bị đơn đặt vấn đề trước tòa.

Theo bị đơn, ngày 24-5-2019, Marone đã gửi công văn cho An Lạc thông báo về việc hệ thống siêu thị AuChan sẽ đóng cửa và công ty sẽ nỗ lực tìm kiếm đơn vị khác để chuyển nhượng việc cho thuê mặt bằng.

Tuy nhiên sau đó, An Lạc không đồng ý với việc chuyển nhượng mặt bằng cho đơn vị thứ 3.

Đại diện nguyên đơn vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng bị đơn chấm dứt hợp đồng gây ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, gây thiệt hại cho nguyên đơn nên phải có trách nhiệm bồi thường.

Phiên tòa vẫn đang tiếp tục với phần tranh luận.

Marone có thuộc Tập đoàn Auchan không?

Trong suốt quá trình tố tụng, phía nguyên đơn cho rằng Marone là công ty con của Tập đoàn Auchau - tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới - nhưng lại hành động một cách không chuyên nghiệp, thiếu sự tôn trọng đối với An Lạc khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, rút vốn về nước mà không có bất kỳ sự thông báo hay làm việc trước.

Tuy nhiên tại tòa, đại diện công ty Marone bất ngờ cho rằng Marone không phải công ty con của Tập đoàn Auchan. Do hai bên có thỏa thuận với nhau nên công ty này được sử dụng thương hiệu Auchan làm tên siêu thị.

Tòa chất vấn tại sao Marone không phải công ty con Auchau nhưng trong các văn bản làm việc với An Lạc, công ty vẫn sử dụng logo và thương hiệu Auchan? Đáp lại, đại diện Marone cho biết đây chỉ là sự thỏa thuận của hai bên về việc sử dụng tên thương hiệu.

Những vấn đề này đang được tòa án làm rõ.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên