Một công nhân rời khỏi Nhà máy Boeing Everett bằng xe đạp tại Washington, Mỹ, ngày 23-3 - Ảnh: Reuters
Ngay lập tức, tuyên bố về ngày "mở cửa nền kinh tế" khiến ông Trump trở thành tâm điểm của một cuộc tranh luận về tính khoa học trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự đoán dịch bệnh sẽ tăng cao.
Có lạc quan?
Tính tới thời điểm ông Trump phát biểu, đã có ít nhất 46.000 ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ, với 590 người chết. Còn tính đến 20h20 ngày 25-3 (giờ VN), số ca nhiễm đã lên đến 54.999 ca với 785 người chết.
Khi được hỏi về lý do chọn ngày 12-4 để "mở cửa kinh tế", ông Trump trả lời Fox News - kênh truyền thông thân với tổng thống Mỹ: "Chúng ta sẽ mở cửa đất nước phi thường này, bởi vì chúng ta phải làm thế. Tôi thích mở cửa vào ngày lễ Phục sinh. Tôi muốn thấy điều đó xảy ra. Đó là một ngày quan trọng vì nhiều lý do, nhưng tôi muốn biến nó trở thành một ngày quan trọng cho điều này".
Truyền thông Mỹ dĩ nhiên khó chấp nhận rằng quyết định mở cửa quan trọng gắn với sinh mạng người dân và sức khỏe nền kinh tế của một quốc gia lại chỉ vì một ngày nào đó "đẹp". Và một cuộc tổng tấn công vào lựa chọn của ông Trump được khởi động. Hầu hết các bản tin về phát biểu của ông Trump đều kèm theo một hoặc hai ý kiến chuyên gia hồ nghi.
Các báo phản bác ông Trump đã dẫn lời bác sĩ Anthony Fauci - giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia, đồng thời là chuyên gia dịch tễ được dư luận Mỹ nể trọng - cho rằng việc nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội tới đây "thực sự rất linh hoạt" và phải dựa trên diễn biến cụ thể.
Tuy nhiên, theo tường thuật của Fox News, ông Fauci trong ngày 24-3 cũng nhấn mạnh Tổng thống Trump luôn lưu tâm lời khuyên của ông. "Tổng thống lắng nghe những gì tôi nói và những gì nhóm công tác chống dịch nói; khi tôi đưa ra khuyến nghị, ông ấy đã nhận. Ông ấy chưa bao giờ phản đối hay áp đặt tôi...", ông Fauci nói.
Dữ liệu: Nhật Đăng - Worldometers.info - Đồ họa: Tuấn Anh
Gói cứu trợ 2.000 tỉ đô
Trước cả khi nói về ngày "mở cửa kinh tế" Mỹ, ông Trump đã bị nhận xét quá lạc quan khi Đài CNN lưu ý tổng thống Mỹ đã dùng "thì quá khứ đơn" để nói về dịch bệnh, một ngụ ý cho rằng nước Mỹ đã khỏi dịch. Nhưng sự tự tin của ông Trump có thể xuất phát từ việc các kế hoạch cứu trợ kinh tế song song với thời hạn nới lỏng biện pháp cách ly xã hội đã được bật đèn xanh.
Khoảng 1h sáng 25-3 (giờ Mỹ), lãnh đạo thượng viện và chính quyền ông Trump tuyên bố đã đạt thỏa thuận lưỡng đảng xung quanh kế hoạch cứu trợ COVID-19 trị giá 2.000 tỉ USD, kết thúc 5 ngày tranh luận căng thẳng.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo đa số ở thượng viện, cho hay thượng viện sẽ thông qua gói cứu trợ này trong cùng ngày. Và nếu đúng vậy, nó sẽ cần thêm chữ ký của tổng thống để bắt đầu giải cứu nền kinh tế Mỹ.
Chứng khoán khởi sắc
Gói cứu trợ 2.000 tỉ USD đã khiến tình hình có vẻ sáng sủa hơn. Thị trường chứng khoán lập tức phản ứng tốt, ví dụ chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 2.113 điểm (hơn 11%), số điểm tăng nhiều nhất trong một ngày tính tới nay.
Ngoài ra, các công ty lớn của Mỹ bắt đầu rục rịch tái sản xuất. Hãng tin Bloomberg cho biết các cửa hàng của Công ty Apple sẽ mở cửa từ giữa tháng 4, trong khi Reuters dẫn nguồn tin độc quyền khẳng định Hãng Boeing lên kế hoạch tái sản xuất máy bay 737 MAX kể từ tháng 5.
Các thành viên Đảng Cộng hòa của ông Trump nóng lòng kích hoạt gói ngân sách này để giúp nền kinh tế đang "rơi tự do" của Mỹ. Trong khi Đảng Dân chủ muốn có thêm các điều kiện nhằm đảm bảo sự giúp đỡ dành cho các công ty phải song song với việc người lao động được trả đủ, chứ không phải tiền tới tay các cấp điều hành hoặc mua lại cổ phiếu.
Một thành viên trong hội đồng thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự đoán cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ khiến tỉ lệ thất nghiệp lên tới 30%.
Theo diễn biến tới nay, các thượng nghị sĩ Dân chủ đang thúc đẩy việc phải giám sát chặt chẽ khoản vay 500 tỉ USD cho các tập đoàn lớn bị virus corona ảnh hưởng nặng.
Phe Dân chủ ngoài ra cho biết đã "thắng" trong điều khoản 150 tỉ USD rót vào các bang và địa phương, 130 tỉ USD cho bệnh viện, đồng thời tăng bảo hiểm thất nghiệp cho phép người Mỹ hưởng 4 tháng thu nhập nếu họ bị cho nghỉ không lương hoặc thất nghiệp vì khủng hoảng COVID-19.
Sẽ còn nhiều tranh cãi xung quanh tính khoa học trong lựa chọn ngày 12-4 của chính quyền ông Trump. Nhưng việc thông báo bất kỳ biện pháp nới lỏng và mở cửa nào của Mỹ cho đến nay đều ít nhiều cho thấy đó là kết quả của một kế hoạch tổng thể, kỳ vọng tìm thấy sự song hành hợp lý giữa y học và kinh tế.
Như để nhấn mạnh kỳ vọng này, ông Trump khi trả lời Fox News cũng bày tỏ nỗi lo rằng Mỹ sẽ nhìn thấy "hàng ngàn người tự tử" nếu virus corona tàn phá nền kinh tế nước này.
Trung Quốc thận trọng "mở cửa"
Nhịp sống tại Trung Quốc tiếp tục dần khôi phục như bình thường khi một số nhà máy bắt đầu sản xuất, hàng trăm rạp chiếu phim mở cửa và tỉnh Hồ Bắc hết phong tỏa (ngoại trừ thành phố Vũ Hán).
Người đàn ông chờ khách trên xe ở Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc ngày 25-3 - Ảnh: Reuters
Đây là kết quả sau nhiều ngày liên tục Trung Quốc nói chung, và Hồ Bắc nói riêng, từ một tâm dịch đã chứng kiến tỉ lệ nhiễm COVID-19 ngày càng giảm.
Chính quyền Trung Quốc, dẫu vậy, vẫn được cho là khá thận trọng với việc chỉ cho khôi phục sản xuất và gỡ lệnh phong tỏa dần dần. Trong một cuộc họp ngày 25-3, Thủ tướng Lý Khắc Cường thậm chí cảnh báo chính quyền Hồ Bắc phải minh bạch về các ca nhiễm mới, không được giấu dịch. Theo ông Lý, trong khi dịch bệnh tại Hồ Bắc và đặc biệt Vũ Hán đã cơ bản được ngăn chặn, vẫn còn nguy cơ bùng phát tiếp tục.
Sự thận trọng của ông Lý phản ánh thực tế rằng hiện nay Trung Quốc vẫn sợ làn sóng "nhập khẩu" COVID-19, tức giai đoạn những người từ nước ngoài có thể mang virus khi trở về.
Trong suốt thời gian phong tỏa và kiểm soát nghiêm ngặt, Trung Quốc bị cho chấp nhận đánh đổi thiệt hại kinh tế. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo GDP Trung Quốc có thể giảm 9% trong ba tháng đầu năm 2020, một con số lớn nếu biết rằng chỉ số này chỉ có tăng trưởng trong nhiều thập kỷ qua.
Để nhanh chóng khôi phục kinh tế nhằm bảo đảm mục tiêu vừa phát triển vừa không mạo hiểm sinh mạng người dân, Trung Quốc đã bơm tiền vào các dự án hạ tầng để tạo ra việc làm, theo CNN.
Ngoài ra, chính phủ cũng giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ, yêu cầu ngân hàng hoãn các khoản vay cho công ty và hộ gia đình nhằm hỗ trợ trong thời điểm khó khăn vừa qua. Thêm nữa, trong khi khuyến khích người dân mua sắm trở lại, Trung Quốc cũng cổ vũ người lao động quay lại làm việc thật nhanh.
Lấy ví dụ, Bắc Kinh chỉ đạo các công ty đường sắt và hàng không tổ chức các tuyến đặc biệt nhằm đưa người lao động nhập cư "đi từ cửa nhà tới tận cổng công ty", theo Bộ Nhân lực và an sinh xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận