Khung cảnh hội trường ở Liên Hiệp Quốc - Ảnh: AFP
Trong tuần sau, hơn 100 lãnh đạo thế giới sẽ tham dự phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 76 tại New York, Mỹ.
Đây là sự kiện lớn nhất, cũng là dịp hiếm hoi có đông đảo lãnh đạo cấp cao họp mặt trực tiếp trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Đã xuất hiện lo ngại về việc đây có thể lại là một sự kiện "siêu lây nhiễm".
Theo Hãng tin AP ngày 18-9, phía Liên Hiệp Quốc vẫn muốn đảm bảo việc các lãnh đạo thế giới đều đã tiêm phòng vắc xin COVID-19 trước khi phát biểu tại Liên Hiệp Quốc.
Nhưng theo lời chủ tịch khóa 76 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc - ông Abdulla Shahid, Liên Hiệp Quốc tới đây sẽ chỉ đảm bảo điều đó bằng… niềm tin.
Cụ thể, trong lá thư đề ngày 14-9 gửi các thành viên, ông Shahid khẳng định các lãnh đạo sẽ không phải trình thẻ vắc xin.
Họ chỉ cần chứng thực điều này bằng việc quét thẻ ID tại hội trường. Thực tế Đại hội đồng cũng đã áp dụng cách này với các nhà ngoại giao trong phiên họp vào tháng 6 năm nay.
Ông Shahid không nêu rõ cách kiểm tra việc chứng thực tiêm vắc xin lần này, nhưng nói ông rất ủng hộ yêu cầu xuất trình chứng nhận chích ngừa theo quy định của chính quyền thành phố New York.
Ông Stephane Dujarric, phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc, ngày 17-9 cho biết: "Chúng tôi rất hy vọng giải pháp này sẽ được chấp nhận, trong giới hạn về trách nhiệm và địa vị của từng người".
Một loạt vấn đề gây tranh cãi đã dấy lên xung quanh yêu cầu này. Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia cho rằng New York không có thẩm quyền yêu cầu chứng thực vắc xin.
Ông khẳng định việc ngăn cản các đại biểu vào hội trường là sự vi phạm rõ ràng đối với Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Thêm vào đó, một vấn đề khác nữa là loại vắc xin được sử dụng. Hiện nay Sputnik V của Nga chưa được Tổ chức Y tế thế giới phê chuẩn, và điều này đồng nghĩa với việc vắc xin đó chưa được New York công nhận, theo AP.
Phía Nga cũng cho rằng yêu cầu từ New York vô lý ở chỗ họ chỉ chấp thuận các loại vắc xin do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) phê chuẩn.
Vấn đề thứ hai là quyền tự do thân thể. Tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro, được biết vẫn chưa tiêm vắc xin. Cho tới giữa tuần này ông vẫn khẳng định trước mắt ông không có kế hoạch tiêm phòng.
"Tại sao phải tiêm vắc xin? Là để có kháng thể, đúng không? Mức đề kháng của cơ thể tôi đang tăng cao đây", ông Bolsonaro phát biểu trong một sự kiện trực tuyến tối 17-9.
Theo AP, đến nay vẫn còn một số lãnh đạo quốc tế chưa tiết lộ về việc họ đã tiêm phòng hay chưa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận