Ông Mai Đức Chính, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, trả lời báo chí sau cuộc họp - Ảnh: THANH HÀ |
Sau bốn giờ tranh luận khá gay gắt, căng thẳng, phiên họp ngày 25-8 của Hội đồng Tiền lương quốc gia để thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 đã kết thúc mà không đạt được kết quả. Đại diện cho người lao động - Tổng liên đoàn Lao động VN đã yêu cầu dừng phiên họp.
Ông Phạm Minh Huân, chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết theo quy chế hoạt động của hội đồng, mỗi bên được quyền yêu cầu dừng phiên họp, tạm dừng đàm phán một lần.
Ở phiên họp lần trước ngày 4-8, phía VCCI đã yêu cầu kết thúc họp để bày tỏ thái độ không thỏa hiệp của mình. Lần này đến lượt phía Tổng liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) VN sử dụng quyền này.
Công nhân Khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM) mua sắm hàng hóa từ tiền lương ít ỏi của mình ở những khu chợ vỉa hè Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN |
Gay cấn đàm phán
Rời khỏi phòng họp với vẻ mặt vẫn còn căng thẳng sau cuộc tranh luận khá gay gắt suốt buổi sáng 25-8, ông Mai Đức Chính - phó chủ tịch TLĐLĐVN - có phần bức xúc khi đề cập tỉ lệ tăng lương 10% mà VCCI đề xuất tại phiên họp.
Chưa kể Hiệp hội Dệt may VN còn đề xuất mức tăng thấp hơn: chỉ 6 - 7%.
Theo ông Chính: “Chúng tôi (TLĐLĐVN) không thể đồng tình với mức đề xuất của giới chủ sử dụng lao động vì bây giờ lương tối thiểu chỉ đủ đáp ứng 74% mức sống tối thiểu của người lao động. Đời sống công nhân quá khổ rồi.
Tôi đang đề nghị các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia phải xuống các khu nhà trọ của công nhân mà không cần đi đâu xa, ngay xung quanh Hà Nội đây thôi, để thấy tình hình thực tế cuộc sống người lao động như thế nào. Chúng ta làm chính sách mà ngồi phòng máy lạnh thì sẽ không bao giờ thấy được cái khổ, quyền lợi chính đáng của công nhân”.
Ông Mai Đức Chính khẳng định quan điểm của TLĐLĐVN là không thay đổi mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 thêm 16,8% so với năm 2015.
Mức điều chỉnh kể trên được xác định dựa trên nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, đồng thời phải đủ bù trượt giá... đã được TLĐLĐVN tính toán, cân nhắc kỹ từ lý luận đến luật pháp.
Ông Chính nhấn mạnh: phương án điều chỉnh của TLĐLĐVN đề xuất là mức tăng thêm hợp lý để thực hiện lộ trình đến năm 2017 mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình.
Trong khi đó, đại diện người sử dụng lao động và nhóm Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, VCCI đề xuất mức lương tối thiểu điều chỉnh tăng thêm chỉ 150.000 - 250.000 đồng tương ứng theo từng vùng. Con số này tương ứng tỉ lệ tăng lương tối thiểu 10 - 11% - khoảng cách chênh lệch quá xa so với phương án đề xuất của TLĐLĐVN.
Lý lẽ để VCCI bảo vệ phương án này là ngoài những yêu cầu đảm bảo quyền lợi cho người lao động, phương án tăng lương tối thiểu cũng phải tính đến khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Theo thống kê của VCCI, hiện nay doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa 2%, còn lại là 96% doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, trong khi gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Hiện nay chi phí chủ sử dụng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn phí ở các doanh nghiệp VN cao nhất so với các nước trong khu vực.
Theo ông Hoàng Quang Phòng - phó chủ tịch VCCI, khi tăng lương tối thiểu, các chi phí nguồn nhân lực cũng tăng theo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp sẽ không đủ khả năng thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động.
Với mức tăng lương tối thiểu của năm 2015, tại nhiều doanh nghiệp tiền đóng các loại bảo hiểm và phí công đoàn cho người lao động đã tăng 35% so với năm 2014. Nay tiếp tục tăng lương năm 2016 với tỉ lệ cao như TLĐLĐVN đề xuất sẽ vượt sức chi trả của phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nguồn: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - Đồ họa: TẤN ĐẠT |
Sẽ “quyết” vào ngày 3-9
Theo ông Phạm Minh Huân, cách biệt lớn giữa đề xuất của hai bên còn xuất phát từ chỗ có sự khác biệt trong cách tính toán mức sống tối thiểu như cách tính chi phí nuôi con, chi phí nhà ở...
Trong khi bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia và TLĐLĐVN áp dụng hệ số 0,7 cho chi phí nuôi con của người lao động thì VCCI chỉ tính hệ số 0,5.
Chính vì trong cách tính toán mức nhu cầu sống tối thiểu chênh lệch đã dẫn đến sự khác biệt giữa hai bên trong số liệu xác định mức lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Ông Phạm Minh Huân đánh giá: “Phương án đề nghị tăng lương của TLĐLĐVN là hợp lý so với mục tiêu của lộ trình đến năm 2017 lương tối thiểu đủ đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động.
Nhưng phía VCCI phân tích cũng cho thấy những áp lực đối với doanh nghiệp khi tăng lương. Với các diễn biến về kinh tế - xã hội hiện nay, có thể chúng ta cũng phải điều chỉnh các mục tiêu về lương cho phù hợp. Vì sắp tới không chỉ có tăng lương, khi áp dụng Luật bảo hiểm xã hội, mức đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp cho người lao động cũng tăng. Đảm bảo quyền lợi cho người lao động nhưng cũng phải tính đến khả năng cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp”.
Với quan điểm này, ông Huân bày tỏ mong muốn hai bên sẽ nghiên cứu, cân nhắc kỹ để có sự điều chỉnh đề xuất của mình, gặp nhau ở một tỉ lệ hai bên đều có thể chấp nhận được.
Để giải quyết phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, ông Phạm Minh Huân cho biết Hội đồng Tiền lương sẽ họp lần thứ ba, cũng là lần cuối cùng, vào ngày 3-9.
Nếu trong phiên họp này hai bên tiếp tục không đạt được thỏa thuận để có một phương án chung đưa ra bỏ phiếu, chủ tịch hội đồng sẽ sử dụng quyền được quy định trong quy chế để quyết định phương án đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng trình Chính phủ phê duyệt và áp dụng từ ngày 1-1-2016.
Mới đáp ứng 78 - 85% mức sống tối thiểu Mang đến phiên họp, đề xuất của TLĐLĐVN là mức lương tối thiểu năm 2016 tăng khoảng 16,8%, quy về con số cụ thể là 350.000 - 550.000 đồng tùy theo từng vùng. Tương ứng với mức tăng này, lương tối thiểu của vùng 1 được đề xuất là 3,65 triệu đồng (tăng 550.000 đồng so với hiện nay), vùng 2 là 3,2 triệu đồng (tăng 450.000 đồng), vùng 3 là 2,8 triệu đồng (tăng 400.000 đồng) và vùng 4 là 2,5 triệu đồng (tăng 350.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện nay). Theo lộ trình này, mức tăng lương tối thiểu được TLĐLĐVN đề xuất cho năm 2017 là 500.000 - 650.000 tùy theo vùng. TLĐLĐVN cho biết tỉ lệ tăng lương tối thiểu vùng của năm 2015 so với năm 2014 là 14,3%. Với mức tăng này, lương tối thiểu vùng được đánh giá mới đáp ứng 78 - 85% mức sống tối thiểu của người lao động. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận