Cụ thể, Phoebe Plummer (23 tuổi) bị phạt 24 tháng tù còn Anna Holland (22 tuổi) lãnh 20 tháng tù. JSO hoạt động thông qua nhiều cách thức khác nhau. Một trong những hình thức gây ra nhiều tranh cãi nhất là ném sơn hoặc chất lỏng lên các tác phẩm nghệ thuật.
Bản án nặng nhất
Thẩm phán của phiên tòa khẳng định đây là những hành động ngu ngốc và thậm chí có thể gây ra "hậu quả không thể khắc phục" đối với các kiệt tác nghệ thuật quý giá của nhân loại. Thẩm phán cho biết tính axit trong xốt có tác động ăn mòn khung gỗ của bức tranh, khiến kiệt tác Hoa hướng dương giảm giá trị khoảng 13.000 USD.
Theo tờ New York Times, đây là bản án nặng nhất mà tòa án Anh đưa ra đối với một vụ phá hoại tác phẩm nổi tiếng. Những nhà hoạt động thực hiện các vụ việc tương tự trong quá khứ chỉ nhận án tù vài tuần hoặc bị phạt tiền, với mức phạt khoảng vài trăm USD. Hầu hết các nhà hoạt động đều không bị tuyên án tù.
Thế nhưng vụ việc không khiến phong trào JSO đi xuống. Khoảng một giờ sau phán quyết của tòa, ba thành viên khác của JSO đã tiến vào triển lãm "Van Gogh: Nhà thơ và người tình" tại Bảo tàng quốc gia London và tiếp tục ném xốt rau củ lên hai tác phẩm hoa hướng dương, bao gồm Hoa hướng dương (1888) và Hoa hướng dương (1889), theo báo The Guardian.
Vụ việc diễn ra nhanh đến mức các nhân viên của triển lãm không kịp ngăn chặn. Tuy nhiên cảnh sát thủ đô London cho biết đã bắt giữ ba nhà hoạt động môi trường này, bao gồm: Stephen Simpson (61 tuổi), Phillipa Green (24 tuổi) và Mary Somerville (77 tuổi). Cả ba sẽ phải ra hầu tòa tại Tòa án Westminster vào ngày 30-9.
Trong một tuyên bố sau đó, người phát ngôn của Bảo tàng quốc gia London cho biết các bức tranh đã được đưa ra khỏi phòng trưng bày và chuyển cho nhân viên giám định để kiểm tra mức độ thiệt hại. Tuy nhiên may mắn là không có bức tranh nào bị hư hại nghiêm trọng nhờ lớp kính bảo vệ, đồng thời người này cho biết triển lãm sẽ mở cửa lại sớm nhất có thể.
Tranh cãi dữ dội
JSO là phong trào môi trường được thành lập tại Vương quốc Anh, nhằm chống lại các dự án sử dụng và khai thác nguyên liệu hóa thạch, bao gồm dầu mỏ. Mục tiêu chính của JSO là yêu cầu Chính phủ Anh ngừng cấp phép cho các dự án khai thác dầu khí, đồng thời đẩy mạnh các hành động chống lại biến đổi khí hậu.
Khi ném xốt cà chua vào bức tranh Hoa hướng dương của danh họa Van Gogh, một thành viên của JSO đã đặt câu hỏi với khách tham quan rằng: "Bạn quan tâm đến việc bảo vệ một bức tranh hay việc bảo vệ hành tinh và con người hơn?".
"Nghệ thuật mang rất nhiều sức mạnh và tất cả các nghệ sĩ vĩ đại trong quá khứ đều là những người có tư duy tiến bộ. Tuy nhiên điều này không giải quyết được bài toán về biến đổi khí hậu. Nhiều người phẫn nộ khi thấy bức tranh của Van Gogh bị dính xốt hơn là chứng kiến 33 triệu người Pakistan phải sơ tán vì lũ lụt" - ông Alex Do Koning, người phát ngôn của JSO, chia sẻ với Đài Euro News.
Trong một tuyên bố về lý do tấn công những bức tranh tại bảo tàng, JSO cho biết họ nhắm vào các tác phẩm nghệ thuật vì chúng là "một phần của văn hóa tập thể", đồng thời cho biết họ "yêu văn hóa và lịch sử đến mức không muốn chúng bị hủy hoại". Nhưng JSO buộc phải sử dụng nghệ thuật để đạt được các mục tiêu cấp bách hơn về môi trường, cho đến khi chính phủ đồng ý dừng các dự án nhiên liệu hóa thạch mới.
Việc JSO nhắm vào các tác phẩm nghệ thuật đã gây ra làn sóng tranh cãi, với vô số ý kiến trái chiều. Một số người ủng hộ hành động của JSO vì thông điệp đằng sau của chúng, miễn là phong trào này không làm tổn thương đến những người xung quanh.
Mặt khác, những thành viên của JSO cũng vấp phải sự chỉ trích gay gắt vì nhiều người cho rằng hành động nhằm vào các tác phẩm nghệ thuật của họ mang tính phá hoại nhiều hơn là vận động nhằm gây ảnh hưởng một cách tích cực.
Bà Polina Lee, một đại diện của nhóm phản đối JSO, khẳng định nghệ thuật không phải kẻ thù của môi trường, phá hủy hoặc nói không với nghệ thuật không giải quyết được vấn đề đói nghèo hay cứu lấy hành tinh khỏi biến đổi khí hậu. Bà bộc bạch: "Tôi đã sống trong cảnh đói nghèo và nghệ thuật đã cứu rỗi cuộc đời của tôi, nó cho tôi hy vọng để tiếp tục tiến về phía trước".
Bình luận trên tạp chí The Art Newspaper, nhà sử học nghệ thuật John Paul Stonard cho rằng dù mọi người có thích hay đồng tình với các hành động này hay không thì JSO đã đạt được mục tiêu trong việc cắt ngang sự im lặng của giới truyền thông về biến đổi khí hậu.
Bảo vệ môi trường mới gìn giữ được nghệ thuật?
Theo ông Stonard, con người đã nuôi dưỡng và kế thừa các hoạt động bảo tồn văn hóa trong hàng nghìn năm qua. Họ xem các tác phẩm nghệ thuật là cao quý và bất khả xâm phạm. Họ lập tức phẫn nộ khi một ai đó ném xốt lên những kiệt tác mà tổ tiên họ đã trân trọng và nâng niu trong suốt chiều dài lịch sử. Tuy nhiên nghịch lý là chính con người lại phớt lờ những mối nguy hại to lớn hơn, bao gồm biến đổi khí hậu, mà có thể để lại hậu quả trực tiếp hoặc tác động lâu dài đến nghệ thuật.
Các tổ chức bảo tồn di sản văn hóa và nghệ thuật của Mỹ hồi tháng 6 đã xếp loại biến đổi khí hậu là mối nguy hại nghiêm trọng đối với nghệ thuật, đồng thời kêu gọi thế giới cần hành động ngay lập tức để giảm thiểu tác động của mối đe dọa này lên các công trình văn hóa và tác phẩm nghệ thuật, theo tạp chí National Geographic.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận