TTCT - Những nắp đậy cống cồng kềnh, nặng nề và không mấy ai để mắt tới vẫn ngày ngày được nâng cấp, tạo thành vật phẩm có giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử trên khắp thế giới. Nắp cống phát sáng với hình tượng nhân vật hoạt hình Gundam ở Tokorozawa (Nhật). Ảnh: ReutersNhững nắp đậy cống cồng kềnh, nặng nề và không mấy ai để mắt tới vẫn ngày ngày được nâng cấp, tạo thành vật phẩm có giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử trên khắp thế giới. Mỗi vật thể vuông tròn là tấm toan để sáng tạo, chờ người lại qua, ngạc nhiên và thích thú khi thấy nghệ thuật ngay dưới chân mình.Ở Paris (Pháp), một số nắp cống được tô vẽ như đĩa than, những con phố lát sỏi ở thành phố Stavanger (Na Uy) lại vô cùng hòa quyện với hoa văn trang trí trên nắp cống. Tại Ferrara (Ý), có hẳn một bảo tàng nắp cống quốc tế trưng bày 120 nắp cống quốc tế từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20. "Nắp cống thường không được coi là sáng tạo nghệ thuật nhưng chúng lại giàu truyền thống, văn hóa và lịch sử" - chủ nhân bộ sưu tập, Stefano Bottoni, chia sẻ.Các nắp cống nghệ thuật ở Đức, Pháp và Miami. Ảnh: AlamyCần ăn mừng? Làm nắp cống mớiChính quyền thành phố Elgin, bang Illinois (Mỹ) hồi đầu năm nay công bố kế hoạch tái thiết khu tổ hợp DuPage Court và các công trình lân cận để cải thiện cảnh quan chung của thành phố. Điểm nhấn của kế hoạch trùng tu này là cuộc thi thiết kế nắp cống, theo báo Chicago Tribune. Chính quyền không giấu giếm đây là học theo người Nhật, nơi nghệ thuật trang trí nắp cống đã có từ giữa những năm 1980.Ở quê hương của trào lưu này, cần kỷ niệm ăn mừng gì là người ta lại thiết kế nắp cống. Mới tuần rồi (11-11), lại thấy thành phố Kashiwa (tỉnh Chiba) mừng kỷ niệm 70 năm thành lập bằng cách lắp 3 nắp cống mới thiết kế theo bộ truyện tranh lịch sử The Rose of Versailles của tác giả Riyoko Ikeda. Người ngoài có lẽ thấy lạ, nhưng có lý do cả: chính quyền thành phố chọn chủ đề này vì Kashiwa chính là nơi nữ mangaka Ikeda sáng tác bộ truyện huyền thoại trên (bán trên 20 triệu bản toàn cầu).Ảnh: CrunchyrollPhong trào "thiết kế nắp cống kỷ niệm" đã lan rất xa. Tháng 3-2024, 35 nắp cống mới được lắp đặt tại nhiều địa điểm khác nhau ở Muntinlupa (Philippines) nhân kỷ niệm 29 năm "lên thành phố" của địa phương từng là làng chài này. Các nắp được thiết kế để vinh danh lịch sử phong phú và bản sắc của Muntinlupa, nơi nghề cá vốn là sinh kế chính, theo báo PhilStar.Đặc khu Hong Kong cũng vừa trồng thêm 75 cây xanh trong công viên và lắp 75 nắp cống thiết kế đặc biệt ở Quan Đường, nhân 75 năm Quốc khánh Trung Quốc, theo báo South China Morning Post.Nắp cống mừng kỷ niệm Muntinlupa. Ảnh: MayniladKho tàng văn hóa dưới chân mìnhĐi dọc phố Minetta ở thành phố New York, không khó để bắt gặp những nắp cống có tuổi đời cả trăm năm. Ở một nắp cống có ký hiệu DPW, nếu chiếu đèn pin xuống lỗ hở trên đó, đôi khi ta có thể thấy suối Minetta - nguồn cung nước ngọt trước đây của người dân New York từng bị chôn vùi, giờ đã kết nối lại với hệ thống cống rãnh của thành phố.Theo trang Untapped City, ở công viên trung tâm New York hiện còn nắp cống niên đại từ 1861, chắc đã là "cụ kỵ" của thể loại này. Sở Bảo vệ môi trường thành phố New York thống kê đang quản lý khoảng 350.000 nắp cống trên khắp năm quận. Những thay đổi về hình dáng, thiết kế trên chúng ghi lại sự biến chuyển lịch sử và phát triển của một nơi, từ những ngày đầu hệ thống cống dẫn nước, dẫn gas hình thành cho đến sau này là đường điện, điện thoại, cáp ngầm.Nắp cống cổ nhất New York (1866). Ảnh: Michelle Young/Untapped New YorkPhụ san Shine của báo Shanghai Daily gọi nắp cống là những di sản đô thị phong phú chứ không đơn thuần là cửa ngõ vào hệ thống ngầm. Có hơn 6 triệu nắp cống được lắp đặt ở Thượng Hải, do 20 đơn vị ban ngành từ nước, viễn thông, điện, an ninh công cộng, công nghệ thông tin, khí đốt quản lý từ khoảng một thế kỷ trước cho đến nay, kỹ sư Jin Xi thuộc Công ty Vận tải đường bộ Thượng Hải, nói với Shine.Năm 1996, chương trình truyền hình Brainwave Surfing đưa người xem vào hành trình tìm kiếm nắp cống lâu đời nhất Thượng Hải. Kết quả là chiếc nắp cống ở giao lộ đường Dongdaming và Yongding có niên đại từ năm 1921. Cũng nhờ đó, làn sóng quan tâm từ công chúng dành cho những biểu tượng lịch sử lặng lẽ này được khơi gợi. Ba năm sau, khi làm đường Renmin, người ta khai quật được một số nắp cống có in năm 1913 và đưa thẳng vào Bảo tàng Lịch sử Thượng Hải trưng bày.Một số nắp cống ở Nhật. Ảnh: Ngọc KhanhNhững chiếc nắp cống cổ như thế vẫn rải rác khắp Thượng Hải, thu hút những người yêu thích tìm hiểu lịch sử như Đổng Hùng Phi. Dành cả chục năm để lần theo dấu vết và ghi lại, nay ông Đổng đã có bộ sưu tập hình ảnh của hơn 130 nắp cống khác nhau. Lấy cảm hứng từ nắp cống và niềm đam mê của ông Đổng, một người bạn quốc tịch Đức của ông đã tổ chức hẳn một triển lãm nghệ thuật dựa trên hoa văn vẽ trên chúng. Clarisse Le Guernic, người Pháp, đã sống tại Thượng Hải 9 năm, thì mở một đơn vị chuyên giới thiệu cho người dân và du khách nước ngoài những bí mật văn hóa ẩn chứa của thành phố.Dọc đường Wuyi, quận Trường Ninh (Thượng Hải), nắp cống được vẽ graffiti các nhân vật hoạt hình như chú bọt biển tinh nghịch SpongeBob hay tấm khiên của Captain America. "Việc cải tạo đô thị không chỉ bao gồm nâng cấp cơ sở hạ tầng mà còn là chuyện đưa văn hóa vào cảnh quan thành phố. Tám nghệ sĩ vẽ nên 40 tác phẩm trên nắp cống với mong muốn khuyến khích cộng đồng trân trọng nơi mình đang sống" - nghệ sĩ Trương Siêu, trưởng dự án, chia sẻ với Shine.Nắp cống kiểu graffiti ở đường Wuyi, Thượng Hải. Ảnh: ImaginechinaNgoài là những tác phẩm nghệ thuật lưu giữ lịch sử, nắp cống cũng được trang bị cảm biến công nghệ cao giúp các cơ quan đô thị giám sát dữ liệu môi trường, nhất là mực nước ngầm. Nếu có bất thường, cảm biến sẽ kích hoạt cảnh báo để đội bảo trì tức tốc có mặt. Ở những nơi khác, nắp cống là điểm "check in" cho du khách, là mã QR để quét xem thêm thông tin, là biển hướng dẫn tuyến đường thoát hiểm khi có sự cố khẩn cấp...Dẫu mới hay cũ, có thêm công năng gì ngoài chức năng chính, những chiếc nắp tròn khắc hoa văn này ngày càng cho thấy giá trị của mình tại thành phố mà nó hiện hữu. "Thượng đỉnh nắp cống" ở Nhật năm 2017. Ảnh: nippon.comỞ quê hương "nghệ thuật nắp cống"Ý tưởng thiết kế nắp cống theo hướng nghệ thuật ban đầu là của cựu nhân viên Bộ Xây dựng Nhật Bản Yasutake Kameda năm 1985. Khi thấy hố ga và nắp cống gắn liền với hình ảnh xấu xí kèm mùi hôi, Kameda tự hỏi sao không biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật sống động. Chưa kể, thời điểm đó tỉ lệ hộ dân sử dụng hệ thống thoát nước của thành phố chỉ tầm 60%, trang trí nắp cống cuốn hút cũng phần nào tăng độ yêu thích và lượng đăng ký. Hiện nay, hơn 90% thành phố ở Nhật Bản đều có thiết kế nắp cống riêng biệt, gắn liền với lịch sử, địa lý và văn hóa địa phương. Nước này lập hẳn Hiệp hội Nắp cống nghệ thuật. Website của hiệp hội thống kê hơn 11.000 mẫu thiết kế ở 1.700 thành phố, thị trấn, làng xã, tính đến năm 2020.Nắp cống Nhật. Ảnh: AFPKhi được trang trí với hình vẽ Pikachu, siêu nhân Gundam, lâu đài, núi non, lễ hội, sản vật địa phương... nắp cống không ai để ý bỗng chốc tạo thành cơn sốt, có cả cộng đồng người hâm mộ. Nhật Bản tổ chức "hội nghị thượng đỉnh" về nắp cống hằng năm từ năm 2012. Kỳ hội năm nay diễn ra hôm 19-10 ở tỉnh Toyama, với 100 nắp cống độc đáo bày ra cho mọi người thưởng lãm.Nghệ thuật nắp cống cũng tạo nên xu hướng du lịch trong giới trẻ khi đến Nhật Bản, săn tìm và chụp ảnh cùng những nắp cống thiết kế mới nhất. Tận dụng sự yêu thích này, chính quyền các địa phương nhanh chóng thương mại hóa những chiếc nắp bằng gang nặng ký.Hãng thông tấn Kyodo cho hay thành phố Maebashi nhận hơn 200 đăng ký mua khi rao bán 10 nắp cống cũ vào năm 2017. Sau đó một năm, thành phố Tokorozawa mời doanh nghiệp quảng cáo trên nắp cống để bổ sung cho ngân sách quản lý nước thải sở tại.Tờ Mainichi Shimbun đăng thông tin chính quyền thành phố Kyoto gia nhập hội bán nắp cống cũ cho người dân. Theo đó, những nắp cống sản xuất từ những năm 1978, 1981, 1990 nặng 90kg có giá khoảng 20 USD được coi là món hời cho các nhà sưu tập. Theo Cục cấp thoát nước Kyoto, thành phố này có khoảng 160.000 nắp cống, 1.500 trong số đó sẽ được thay thế mỗi năm, con số tiềm năng cho chuyện buôn bán. Những nắp cống lắp trên đường có tuổi thọ khoảng 15 năm, trong khi những nắp cống lắp trên vỉa hè có tuổi thọ khoảng 30 năm, tờ Mainichi cho biết. Tags: Nắp cốngNghệ thuậtVăn hóaLịch sử
Cho con 'du học tại chỗ' ở 'trường Mỹ', không ngờ chỉ là trung tâm tiếng Anh Đoàn Nhạn 25/11/2024 Phụ huynh chi trăm triệu cho con học 'trường Mỹ' theo hình thức 'du học tại chỗ', không ngờ 'trường' chỉ là trung tâm tiếng Anh.
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Các bên vào cuộc xem xét việc Đàm Vĩnh Hưng hát ở hải ngoại khi đang bị cấm diễn HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đang làm việc với các bên liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn trong nước nhưng đi diễn ở nước ngoài.
Hezbollah tấn công Israel bằng hàng chục tên lửa và drone MINH KHÔI 24/11/2024 Hezbollah tuyên bố đã phóng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (drone) vào Israel, tập trung vào Tel Aviv và các mục tiêu quân sự ở miền nam.