Trang trại lợn trên núi Yaji. Ảnh: theguardian.com
Theo tờ Guardian (Anh), đây có thể là trang trại lợn cao nhất trên thế giới với 9 tầng. Gần đó, một trang trại lợn 12 tầng đang được thi công.
Ông Yuanfei Gao, Phó chủ tịch công ty Yangxiang (đơn vị xây dựng trang trại lợn) cho biết: "Với mỗi tầng, chúng tôi có thể nuôi 1.270 con lợn. Nhưng trong tương lai, với thiết kế tòa nhà mới, chúng tôi dự kiến nuôi 1.300 con lợn mỗi tầng".
Yangxiang là một trong những doanh nghiệp có tiếng tăm trong ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc, sản xuất 2 triệu con lợn mỗi năm. Địa điểm tại núi Yaji là nơi có hệ thống tiên tiến và lớn nhất với khả năng xuất chuồng 840.000 con lợn/năm.
Trong những năm gần đây, nông dân và người tiêu dùng Trung Quốc chịu tác động mạnh bởi các dịch bệnh như COVID-19, H1N1, tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng. Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với thách thức do bệnh lây truyền từ động vật nhưng lại có nhiều nhân tố rủi ro.
Giáo sư Dirk Pfeiffer tại Đại học City (Hong Kong, Trung Quốc) nhận định: "Số lượng lợn và gà lớn, hầu hết được nuôi trong những trang trại vừa và nhỏ có mức độ an toàn sinh học thấp, kết nối với nhau qua mạng lưới giao thông với hàng loạt lò mổ, chợ dân sinh vốn cũng có vệ sinh kém".
Một ví dụ là khi phóng viên Guardian khi đến 5 trang trại gia cầm gần Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam – nơi bùng phát dịch H5N1 vào cuối tháng 1, tại đây không hề có lưới ngăn chim hoang dã tiếp xúc và lây truyền bệnh cho gà nuôi thả.
Một khó khăn khác trong kiểm soát bệnh lây truyền từ động vật là thiếu bác sĩ thú y khi ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm đang phát triển nhanh chóng tại Trung Quốc. Ngoài ra, còn tồn tại tình trạng sử dụng quá đà thuốc kháng sinh cho gia súc, gia cầm.
Khi vào trang trại lợn, nhân viên của Yangxiang phải trải qua quy trình nghiêm ngặt gồm 3 giai đoạn. Họ đăng ký tên ở cửa, sau đó khử trùng tay, quần áo, giày, điện thoại. Khi bước vào khu vực kiểm dịch đầu tiên, nhân viên Yangxiang được xét nghiệm bệnh. Nếu có kết quả âm tính, họ sẽ bước vào giai đoạn cách ly cuối cùng trong 2 ngày rồi từ đó được chuyển đến trang trại. Nhưng nếu có kết quả dương tính với bệnh truyền nhiễm, họ sẽ ở lại khu vực kiểm dịch trong nhiều ngày.
Những con lợn tại trang trại nhiều tầng ở núi Yaji sẽ chỉ sống tại một tầng. Mỗi tòa nhà đều có hệ thống thông hơi, thang máy và đường ống đặc biệt để đưa lợn chết tới khu vực tiêu hủy.
Tuy nhiên, ông Peter Li tại Đại học Houston-Downtown (Mỹ) đánh giá ngay cả những công trình nhiều tầng như tại núi Yaji vẫn có thể lây lan bệnh tật. Ông cho rằng trang trại tập trung dễ gây lây nhiễm chéo giữa lợn và các loài gia súc khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận