Vợ chồng Hoàng thái tử Akishino cùng Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, trưởng Ban chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt - Nhật, đã cùng thưởng thức vở opera Công nữ Anio do dàn nghệ sĩ opera tài năng của hai nước trình diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tối 22-9 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Hoàng thái tử Akishino và Công nương Kiko không ngồi hàng ghế đầu ở tầng một, mà chọn hai ghế trên tầng hai, nhìn thẳng với sân khấu.
Vợ chồng Hoàng thái tử gây thiện cảm với thời trang thanh lịch và nụ cười tươi luôn thường trực trên gương mặt rất hiền hòa. Hai người xem rất chăm chú và thân thiện dành tặng những tiếng vỗ tay ngợi khen sau mỗi màn trình diễn ấn tượng của nghệ sĩ.
Đặc biệt, khi kết thúc vở diễn, vợ chồng Hoàng thái tử Akishino đã nán lại rất lâu với tràng vỗ tay kéo dài gần chục phút để tán thưởng tất cả các thành phần tham gia vở diễn.
Từ một chuyện tình có thật của công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản
Vở opera Công nữ Anio được một ban điều hành dự án Công nữ Anio (Brain Group, Công ty TNHH Âm nhạc Yamaha Việt Nam, Hiệp hội Xúc tiến giao lưu quốc tế NPO) lên kế hoạch và sản xuất trong khoảng hơn bốn năm qua, để kỷ niệm dấu mốc quan trọng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Đây là tác phẩm hoàn toàn mới, với nội dung được xây dựng dựa trên câu chuyện tình yêu có thật giữa công chúa Ngọc Hoa ở Hội An, Việt Nam và chàng thương nhân Araki Sotaro đến từ Nagasaki, Nhật Bản cách đây khoảng 400 năm, vào đầu thời kỳ Edo của Nhật Bản.
Tổng đạo diễn không ai khác chính là nhạc trưởng Honna Tetsuji - người có nhiều năm làm việc tại Việt Nam với vai trò nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam; tác giả âm nhạc là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng; đạo diễn - tác giả kịch bản và soạn lời tiếng Nhật là ông Oyama Daisuke; tác giả soạn lời tiếng Việt là nhà báo Hà Quang Minh.
Hai vai chính công nữ Ngọc Hoa - công nương Anio và chồng do bốn diễn viên đảm nhiệm là ca sĩ Đào Tố Loan và Kobori Yusuke, Bùi Thị Trang và Yamamoto Kohei.
Đêm diễn tối 22-9 do cặp diễn viên Đào Tố Loan, Kobori Yusuke đảm nhiệm. Cặp diễn này tiếp tục trở lại trong buổi diễn chiều 24-9. Cặp diễn Bùi Thị Trang và Yamamoto Kohei phụ trách đêm diễn 23-9.
Dành nhiều tôn vinh cho đất nước, con người Việt Nam
Với đêm diễn 22-9, Đào Tố Loan - giọng nữ cao từng giành nhiều giải thưởng thi opera quốc tế và Kobori Yusuke - giọng tenor từng giành giải nhất Cuộc thi âm nhạc Nhật Bản lần thứ 88, cùng các nghệ sĩ tài năng của hai nước là Khánh Ngọc, Đào Mác, Nguyễn Huy Đức, Goto Kazuma, Kawakoshi Miharu… và các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã hoàn toàn chinh phục khán giả yêu nhạc cổ điển, đặc biệt là nghệ thuật opera.
Các nghệ sĩ đều đã hoàn thành tốt vai của mình trong một vở opera dài và mới. Đặc biệt các nghệ sĩ Nhật Bản thể hiện sự nỗ lực rất lớn khi có nhiều phân đoạn phải hát bằng tiếng Việt mà chắc chắn là rất khó với người Nhật.
Vở diễn cũng tròn trịa ở nhiều khía cạnh, từ phục trang tới bài trí sân khấu, những nỗ lực xây dựng tình huống và tính cách nhân vật hấp dẫn, nỗ lực tôn vinh văn hóa Việt Nam từ việc đưa vào tiếng đàn bầu, hát ru.
Có thể thấy tinh thần tôn vinh đất nước, con người Việt Nam rất rõ nét trong vở opera này.
Đạo diễn cho Công nữ Anio luôn mặc áo dài, cả khi sinh sống ở Nhật Bản cùng chồng và con gái của hai người cũng luôn mặc áo dài từ bé đến lớn.
Còn chúa Nguyễn được xây dựng là một vị lãnh đạo rất chăm lo việc nước, luôn đặt đất nước lên hàng đầu, nhưng đồng thời cũng là một người cha giản dị yêu thương con, cũng rất tân tiến khi muốn lắng nghe trái tim của con gái mình trong chuyện dựng vợ gả chồng.
Công nữ Anio sẽ về Hưng Yên và sang Nhật Bản
Sau ba buổi công diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội từ 22 đến 24-9, ngày 27-9, tác phẩm sẽ đến với công chúng Hưng Yên tại Trung tâm hội nghị tỉnh.
Vào tháng 11, buổi diễn ra mắt công chúng Nhật Bản sẽ được tổ chức tại Hội trường Hitomi Memorial Hall của Trường đại học nữ sinh Showa, Tokyo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận