20/08/2022 09:01 GMT+7

Trang mới cuộc đời của nữ sinh cạo mủ cao su

KIM ANH
KIM ANH

TTO - Phạm Thị Ngọc Vân, nữ sinh cạo mủ cao su ở huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) được xét trao suất học bổng "Tiếp sức đến trường" vào phút cuối ngày hết hạn nhập học năm 2017, nay đã là một kỹ sư hóa với công việc ổn định.

Trang mới cuộc đời của nữ sinh cạo mủ cao su - Ảnh 1.

Bạn Phạm Thị Ngọc Vân - Ảnh: K.ANH

Cô nữ sinh cạo mủ cao su ngày ấy nay đã là một kỹ sư hóa. Vân tốt nghiệp loại good (khá) Trường đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) và đi làm ngay khi vừa ra trường.

"Cuộc sống của mình đã ổn hơn thời sinh viên rồi. Giờ ra trường đi làm, kinh tế được cải thiện hơn một xíu, lo được cho bản thân và cả gia đình. Mình cũng ráng trau dồi bản thân thêm để sắp tới phát triển hơn nữa", Vân bộc bạch.

Tôi đang trau dồi thêm tiếng Anh, tiếng Nhật và thử sức công việc sale về lĩnh vực hóa chất, đúng ngành mình học và sở thích tính toán. Tôi nuôi giấc mơ khởi nghiệp một ngày gần nhất.

PHẠM THỊ NGỌC VÂN

Không lỡ một ước mơ

Vân cho biết từ lớp 5 sáng nào khoảng 4h30 bạn cũng dậy để theo phụ ba mình trút mủ cao su, đến giờ đi học chỉ kịp chạy về rồi lại ào đến trường. Nhưng Vân nhớ mãi cái ngày cuối cùng hết hạn nhập học Trường đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2017.

"Khi đó là 11h, mình đang đi trút mủ cao su, trong đầu suy nghĩ mông lung về việc tạm gác lại ước mơ đến giảng đường. Bỗng trong người bứt rứt rất khó diễn tả, mình gọi điện cho trường và gặp anh Trần Văn Bình trình bày muốn bảo lưu để nhập học sau có được không.

Nhưng sau khoảng 1 tiếng, anh Bình gọi lại báo mình đến trường nhập học ngay vì đã có các thầy cô của trường và học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ giúp mình kinh phí nhập học.

Chỉ nghe như vậy mình thấy tương lai như được mở ra, trong khi mình đang bế tắc đến tột cùng vì không biết phải làm sao để có đủ số tiền học phí ban đầu", Vân nhớ lại.

Niềm vui vỡ òa, Vân bước đi giữa những lô cao su với cảm giác không tin sự thật mình chuẩn bị được đi học đại học. Với số điểm 27,25, nhận giấy báo đậu đại học của ngôi trường mà nhiều bạn bè mơ ước, nhưng gia cảnh quá khó khăn, cánh cổng trường đại học dường như khép lại với Vân.

"Ba mẹ có khuyên mình tìm học trường nào cho mau ra trường, nhưng nói vậy chứ tiền thuốc thang cho mẹ từ những đồng tiền làm mướn của ba và mình cũng không thấm tháp vào đâu. Mình nghĩ chắc không còn cơ hội để học tiếp, nhưng mọi việc như một giấc mơ đến với mình", Vân chia sẻ.

Nhớ buổi chiều mưa cách đây 5 năm, cô sinh viên đến nhập học vào phút cuối. Vân nói: "Mình nhớ hoài ấy chứ, buổi chiều hôm đó như đánh dấu cột mốc trong quãng thời gian sinh viên của mình, mở ra một hành trình mới phía trước của mình. Thật sự là niềm vui quá bất ngờ. Mình đã được tiếp sức để không lỡ một ước mơ".

Khó mấy cũng không nản

Sau sự tiếp sức từ nhà trường và suất học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ, Vân còn được giới thiệu ở ký túc xá Cỏ May miễn phí. Một mình xa nhà phải tự lo cho bản thân từ việc đóng học phí đến sinh hoạt ăn uống, Vân tự nhủ chỉ có cố gắng học thật tốt mới "săn" được học bổng rồi lấy tiền đó đóng học phí, còn tiền ăn thì Vân đi làm thêm để lo cho mình.

Bước sang năm thứ ba, Vân phải chuyển về trung tâm TP để tiện cho việc học trong cơ sở chính của trường. Cái Tết năm ấy Vân phải ở lại phụ ở quán cà phê xuyên Tết để có vừa đủ số tiền đóng học phí cho một học kỳ.

"Khổ thật chị ạ. Có những ngày trong túi em rỗng tuếch, số tiền còn lại không đủ mua đĩa cơm bụi. Cả tuần, chiều nào cũng mì gói cầm hơi. Khổ mấy em cũng chịu được, miễn là mình vẫn còn được đến giảng đường", Vân nói.

Những ngày cuối tuần, Vân còn nhận thêm chân phục vụ nhà hàng hay tiệc cưới, nhiều hôm về đến nhà trọ đồng hồ đã điểm sang ngày mới, thậm chí có hôm về đến nơi gần 3h sáng.

Chật vật để nuôi dưỡng ước mơ nên Vân tranh thủ mọi lúc để học, đảm bảo bài vở để không phải nợ môn, tốn tiền học phí...

Vân đã đi làm từ hồi tháng 11 năm ngoái, ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 tạm lắng. Dù chưa nhận bằng tốt nghiệp nhưng Vân đã được nhận vào một công ty ở Bình Dương, rồi sau này Vân đã theo đuổi công việc tại một công ty Đài Loan có văn phòng đại diện tại TP.HCM.

"Em đang trau dồi thêm vốn ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Nhật để phục vụ cho công việc của mình. Em cũng đang thử sức mình ở vị trí sale về lĩnh vực hóa chất, phù hợp với ngành hóa em học và sở thích tính toán. Em mơ ước một ngày gần nhất mình đủ sức để khởi nghiệp", Vân dự tính.

Sức khỏe của ba mẹ ngày càng yếu nên mọi việc trong gia đình đều do Vân quán xuyến, lo học phí cho em trai đến trường, lo thuốc thang cho mẹ và cả trả nợ cho gia đình vì lúc trước phải vay mượn để chữa bệnh cho ba.

Vân bộc bạch: "Mình rất biết ơn báo Tuổi Trẻ và nhà trường đã giúp mình có cơ hội đi học. Lúc còn học phổ thông, mình cũng từng nhận học bổng "Chung một ước mơ" của báo Tuổi Trẻ đã giúp chị em mình một lần không dang dở việc học. Và đến với học bổng "Tiếp sức đến trường", thêm một lần mình nợ ân tình này.

Thật ra, mình cũng muốn chia sẻ lại cho đàn em đi sau nhưng bản thân vừa mới tốt nghiệp nên kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm cũng như vốn sống còn hạn hẹp, hiện tại mình cũng đang tập trung cho công việc cũng như các khóa học ngoại ngữ buổi tối. Khi có điều kiện, mình sẽ quay lại giúp những em có hoàn cảnh như mình".

Cảm ơn Tuổi Trẻ đã chia sẻ

Anh Trần Văn Bình - trưởng bộ phận hỗ trợ sinh viên Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và việc làm, Trường đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), người "có duyên" kết nối với tân sinh viên Phạm Thị Ngọc Vân năm nào - nói Vân hiền lành, chịu khó và nỗ lực vươn lên nên thầy cô, bạn bè yêu thương, quý mến.

Dù phải lo nhiều thứ nhưng Vân vẫn dành thời gian cho hoạt động tình nguyện. Chưa kể, việc học của trường khá nặng mà Vân tốt nghiệp đúng hạn với kết quả khá là sự nỗ lực rất lớn nếu xét theo hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều bạn cùng trang lứa.

"Với cá nhân, tôi rất vui và chúc mừng Vân đã hoàn thành ước mơ giảng đường, có việc làm sau khi tốt nghiệp, cuộc sống dần khởi sắc với em và gia đình. Cảm ơn Tuổi Trẻ đã tiếp sức, hỗ trợ, chia sẻ và luôn đồng hành với Vân cùng nhiều sinh viên khác" - anh Bình chia sẻ.

Bạn từng là tân sinh viên được nhận học bổng Tiếp sức đến trường? Mời bạn kết nối lại với báo Tuổi Trẻ trong mùa học bổng thứ 20 này. Những câu chuyện, sẻ chia xin gửi về [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Video: 20 mùa vượt khó cùng tân sinh viên

Trang mới cuộc đời của nữ sinh cạo mủ cao su - Ảnh 6.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Hãy đăng ký nhận học bổng cùng Tuổi Trẻ

Năm 2022, học bổng Tiếp sức đến trường sẽ được báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng 63 tỉnh, thành đoàn cả nước để tìm kiếm và trao khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi học bổng trị giá 15 triệu đồng, với tổng kinh phí dự kiến hơn 15 tỉ đồng.

Ngoài ra sẽ có 5 suất học bổng toàn phần (được cấp trong 5 năm liên tục) trị giá 375 triệu đồng, 50 laptop (hơn 600 triệu đồng) tặng tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập, 1.500 balô tặng sinh viên (trị giá 230 triệu đồng)...

Đây là mùa thứ 20 học bổng Tiếp sức đến trường dành cho tân sinh viên khó khăn từ nguồn hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ cùng chia sẻ. Học bổng này đã "tiếp sức" cho 22.370 tân sinh viên không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.

Q.L.

Chuyện chàng kỹ sư 2 lần được Chuyện chàng kỹ sư 2 lần được 'tiếp sức'

TTO - Thay vì cầm học bổng vào Đà Nẵng nhập học, Nguyễn Duy Hiền (một trong 87 sinh viên Thừa Thiên Huế nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2013) đã nhường khoản tiền này cho hai anh trai khi ấy đang học đại học mà chưa xoay đâu ra học phí.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên