Ngoại trưởng Iran Javad Zarif được người dân chào đón như người hùng khi về đến sân bay Tehran hôm 3-4 - Ảnh: AFP |
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi điều mà ông gọi là một thỏa thuận lịch sử, bất chấp các nhà ngoại giao cảnh báo những công đoạn vất vả hơn để có một thỏa thuận cuối cùng đang đợi phía trước.
Các công đoạn này bao gồm cả những nỗ lực của ông Obama thuyết phục những người chỉ trích trong nước và cả đồng minh thân cận Israel về một thỏa thuận cuối cùng.
Thỏa thuận bước đầu được đúc kết ở Thụy Sĩ hôm 2-4 sau tám ngày đàm phán giữa Iran và sáu cường quốc đã mở đường cho một cuộc dàn xếp để xua tan những lo ngại của phương Tây, đổi lại việc các lệnh cấm vận kinh tế đối với Iran được dỡ bỏ.
Tổng thống (Obama) sẽ không bao giờ ký vào một thỏa thuận mà ông ấy cảm thấy là một mối đe dọa đối với Israel |
Người phát ngôn Nhà Trắng ERIC SCHULTZ |
Cách thứ 3 của Iran
Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 3-4 (giờ Iran), Tổng thống Rouhani nói cuộc đàm phán hạt nhân chỉ là sự khởi đầu cho một chính sách rộng lớn hơn đang mở ra.
“Đây là bước đầu tiên hướng tới các cuộc tiếp xúc hữu ích với thế giới. Hôm nay là một ngày sẽ lưu lại trong ký ức lịch sử của đất nước Iran - ông nói - Một số người nghĩ rằng chúng ta phải chiến đấu với thế giới hay đầu hàng các cường quốc. Chúng ta nói không với cả hai. Có một cách thứ ba. Chúng ta hợp tác với thế giới”.
Theo Reuters, thỏa thuận buộc các chuyên gia phải giải quyết các chi tiết khó trước thời hạn ngày 30-6. Các nhà ngoại giao cảnh báo thỏa thuận có thể sụp đổ bất cứ lúc nào trước thời hạn trên.
Theo các điều khoản vừa đạt được hôm 2-4, Iran sẽ cắt giảm kho uranium được làm giàu vốn có thể được sử dụng để chế tạo bom hạt nhân và phá hủy nhiều máy ly tâm dùng làm giàu thêm uranium.
Các cuộc thanh sát quốc tế nghiêm ngặt cũng sẽ đảm bảo ngăn chặn Tehran vi phạm các điều khoản trên một cách bí mật. Đối với Iran, thỏa thuận sẽ dẫn đến việc chấm dứt cấm vận vốn ngăn chặn việc xuất khẩu dầu và đè nặng lên nền kinh tế.
Ông Obama và ông Rouhani, những người bất chấp rủi ro để mở lòng với những cuộc đàm phán bí mật hai năm trước, cũng sẽ phải thuyết phục những người bảo thủ hoài nghi tại quê nhà. Tại Washington, Đảng Cộng hòa yêu cầu quốc hội được quyền xem xét thỏa thuận này.
Hôm qua, ông Obama đã gọi bốn lãnh đạo của hai đảng tại hai viện để thảo luận về thỏa thuận khung kể trên.
Trước đó, hôm 2-4 (giờ Mỹ), ông đã cảnh báo: “Nếu quốc hội giết chết thỏa thuận này mà không dựa trên các phân tích chuyên sâu và không đưa ra các phương án thay thế hợp lý, khi đó Mỹ sẽ bị chỉ trích là thất bại trong ngoại giao”.
Tại Iran, các cuộc ăn mừng được bồi đắp thêm bằng tiếng còi xe đã diễn ra ở Tehran sau khi thỏa thuận khung đạt được. AFP cho biết người dân đã hò reo với các nhà đàm phán Iran khi họ trở về từ Thụy Sĩ. Hàng trăm người xuống đường từ sớm ngày 3-4, nhảy múa và vẫy khăn theo truyền thống ăn mừng của Iran.
Sự hân hoan của họ đơn giản là sẽ bớt khổ do cấm vận. Các giáo sĩ bảo thủ cũng tỏ tín hiệu ủng hộ thỏa thuận khung này. Trong bài giảng hằng tuần tại Trường đại học Tehran, ông Mohammad Emami-Kashani, giáo sĩ 78 tuổi theo đường lối cứng rắn, nói đại giáo chủ Khamenei đã ủng hộ đoàn đàm phán.
Ông Emami-Kashani ca ngợi nhóm đàm phán là “kiên quyết, sáng suốt và bình tĩnh”. Ông chúc mừng Tổng thống Rouhani và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif.
Mỹ ve vuốt Israel
Ngay cả khi Nga và Trung Quốc cùng với Mỹ, Anh, Pháp, Đức đều ký vào thỏa thuận khung, những nước Ả Rập dòng Hồi giáo Sunni đối địch với Iran như Saudi Arabia cũng dè chừng trong việc chào đón thỏa thuận.
Các nước này lo ngại Tehran sẽ mở rộng ảnh hưởng sang Iraq, Syria và những nơi khác. Ai Cập, đồng minh thân cận của Saudi Arabia, bày tỏ hi vọng thỏa thuận hạt nhân sẽ đem lại ổn định cho khu vực.
Thỏa thuận khung vừa đạt được đã khiến đồng minh khu vực thân cận nhất của Washington là Israel nổi giận. Israel cũng là nước duy nhất công khai phản đối thỏa thuận khung này. Theo Reuters, Israel tin rằng mục tiêu của Iran là tiêu diệt nước này.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói các cường quốc đàm phán với Iran phải thêm một yêu cầu Tehran phải công nhận quyền tồn tại của Israel.
Thế nhưng Ngoại trưởng Đức Frankie-Walter Steinmeier đáp trả ngay khi yêu cầu Israel nên nghiên cứu thỏa thuận kỹ hơn trước khi lên tiếng phản đối. Ông cũng cho rằng còn quá sớm để ăn mừng thỏa thuận khung này.
Giới quan sát cho rằng có vẻ như yêu cầu của ông Netanyahu sẽ không được thực hiện, kể cả khi chính quyền Mỹ thông cảm với những quan ngại này.
Khi được hỏi liệu yêu cầu của Israel đi kèm trong thỏa thuận cuối cùng có phù hợp hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nói: “Đây là một thỏa thuận đơn thuần về vấn đề hạt nhân. Chúng tôi chủ đích để nó tách biệt với các vấn đề khác. Đây là một thỏa thuận không giải quyết bất kỳ vấn đề nào khác. Đó là điều chúng tôi đang tập trung vào”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận