Vợ chồng anh Mu A Sềnh thức trắng đêm để trông con dưới tán lều của lực lượng chức năng dựng vội - Ảnh: HÀ QUÂN
Chuyến đi trên lưng mẹ
Ngồi bệt ở góc taluy đường lúc 2h sáng 7-10, anh Mu A Sềnh (quê xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) ngồi kể với vợ là chị Hạ Y Sềnh về việc làm sao về quê khi chiếc xe máy cũ hằng ngày anh Sềnh đi làm nội thất khắp tỉnh Bình Dương nay đã hỏng. Chiếc xe máy cũ đã "cõng" theo gia đình 4 người, mấy túi đồ, đã "kiệt sức" khi về tới chốt kiểm dịch số 1 TP Hà Nội (huyện Phú Xuyên).
Đi cả nghìn cây số, tài sản của anh Sềnh chỉ còn vài trăm nghìn trong túi. Toàn bộ túi đồ bị ướt khi gặp cơn mưa lớn ở Hà Tĩnh. Ngồi nhìn đứa con trai 3 tuổi đang nằm ngủ dưới nền đường, anh Sềnh lộ vẻ mệt mỏi. Bên cạnh anh, chị Hạ Y Sềnh vẫn địu con ngồi trên vai, đôi mắt thâm quầng vì mỏi mệt.
Anh Sềnh kể: "Trước dịch, mình làm từ 7h30 sáng đến tối muộn, mỗi ngày 10 - 12 tiếng. Trưa mình chỉ ăn vội hộp cơm rồi làm tiếp cho kịp đơn của khách. Mỗi tháng, công ty trả cho mình 10 triệu đồng, vợ mình ở nhà vừa chăm con vừa nhận trông 2 cháu con của anh công nhân gần nhà nên có tiền mua sữa, mua quần áo cho con".
Dịch ập đến Bình Dương, các gia đình xung quanh về quê, anh Sềnh và vợ cũng gói ghém hành lý rời thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương về nhà. Anh Sềnh tâm sự, trước đây anh nghe lời cậu họ vào Nam lập nghiệp do lương cao, nhiều việc, đi làm vài năm về sửa lại căn nhà.
"Mình nghĩ cảnh làm nương rẫy, trồng ngô vất vả mà chẳng được bao rồi nuôi cháu lớn 3 tuổi, cháu nhỏ chưa dứt sữa mới 11 tháng nên bàn với vợ vào Bình Dương. Mình dự tính năm nay làm xuyên tết để kiếm thêm thu nhập nhưng giờ thì chỉ biết về quê. Sắp tới, nếu dịch ổn, mình sẽ quay lại Bình Dương vì quen việc, thu nhập cao, không gò bó…", anh Sềnh nói.
Trời gần sáng, ngày về nhà đã rất gần, anh Sềnh và vài trăm bà con quê ở Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… lại gấp gáp thu dọn đồ để tiếp tục chuyến hành trình đặc biệt nhất trong đời.
Về sau gia đình anh Sềnh trong chuyến xe lúc 5h sáng, anh Giàng A Hạng (20 tuổi) và chị Sòng Thị Hến (15 tuổi) đang ôm hai cháu nhỏ trong lòng. Theo cha mẹ trong chuyến xe lịch sử, hai cô cậu chưa biết nói chỉ bi bô xen lẫn tiếng khóc đòi quà. Khi những chiến sĩ công an phát bánh mì, nước lọc, cha mẹ chiều lòng cho mỗi đứa cầm 1 cái. Chốc chốc, anh Hạng lại đeo lại chiếc khẩu trang quá cỡ cho thằng lớn mới lên 2.
Anh Hạng tâm sự, anh làm công nhân sản xuất đế giày ở Bình Dương, lương mỗi tháng 8 triệu, con số đủ chi tiêu, mua sữa cho con và dư chút ít gửi về quê. Nhưng dịch bùng phát, cả 3 tháng nay anh không thể trả tiền trọ dù chủ nhà giảm 50% phí thuê, tiền điện, tiền nước còn sắp đến hạn. Còn chiếc xe máy cũ, anh để lại cho chủ coi như xí xóa số nợ.
Gia đình 4 người như gia đình anh Hạng không hiếm trong những đoàn dừng chân tại Hà Nội khi về từ các tỉnh phía Nam - Ảnh: HÀ QUÂN
"Mình về quê không làm gì, chỉ đợi dịch qua thôi. Hết dịch, mình lại bắt xe về làm lại nhà máy. Làm nương cả năm không đủ ăn, không đủ nuôi con", anh Giàng A Hạng bộc bạch.
Đồng hành cùng bà con
Tại chốt giao thông số 1 TP Hà Nội, có một nhóm thiện nguyện mang tên "Đội xe 0 đồng" đã phát hơn 3.000 suất ăn dọc đường gồm 1 chai nước, 1 hộp sữa, 1 gói bánh hoặc xôi, bánh bổ sung thêm cho bà con dừng nghỉ tại đây.
Anh Lỗ Minh Tuấn, đại diện đội xe 0 đồng, chia sẻ tới gần sáng 7-10, nhiều người dân cạn xăng do không có chỗ đổ xăng dọc đường. Đội đã điều thêm xe bán tải đi mua xăng và đóng vào từng chai nhựa cho người dân. Không chỉ vậy, cứ mỗi đoàn đi, các thành viên của nhóm lại xịt khử khuẩn, dọn dẹp rác trước cầu Giẽ. Có lúc, một đoàn người dân về quê lên tới gần 1.000 phương tiện.
Đội xe 0 đồng vừa vận chuyển đồ ăn, xăng xe, vừa khử khuẩn, quét dọn khu vực bà con nghỉ chân trước khi lên xe buýt trung chuyển - Ảnh: HÀ QUÂN
Anh Tuấn nói: "Theo kế hoạch, nhóm sẽ phân công 15 - 20 xe bán tải thay phiên nhau chuyển đồ hỗ trợ cho bà con đến khi nào hết đoàn đưa người dân về quê".
Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội cho biết, từ 18h ngày 5-10 đến hết ngày 6-10, Công an thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm soát y tế và giám sát, dẫn 11 đoàn người đi xe máy từ các tỉnh miền Nam về các tỉnh phía Bắc (mỗi đoàn khoảng 250 người) qua địa phận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận