29/02/2016 11:04 GMT+7

Trắng đêm cứu khát cho dân

VÂN TRƯỜNG (vantruong@tuoitre.com.vn)
VÂN TRƯỜNG ([email protected])

TT - Chưa bao giờ người dân các huyện ven biển tỉnh Tiền Giang phải chịu cảnh khát nước ngọt gay gắt như năm nay. Mùa khô dự báo kéo dài hết tháng 5-2016, nhưng lúc này đã có hơn 235.000 người phải sử dụng nước máy nhiễm mặn tới mức 1g/lít.

Công nhân miệt mài thi công đường ống dẫn nước cứu khát hàng ngàn hộ dân xã Tân Tây, Tân Đông, Kiểng Phước chiều 26-2 - Ảnh: V.TR.
Công nhân miệt mài thi công đường ống dẫn nước cứu khát hàng ngàn hộ dân xã Tân Tây, Tân Đông, Kiểng Phước chiều 26-2 - Ảnh: V.TR.

 

Cũng trong những ngày này, rất nhiều công nhân làm việc cật lực bất kể ngày đêm lắp đặt hàng chục kilômet đường ống dẫn nước ngọt cứu khát cho dân.

Nước mặn cũng phải xài

Cuối tháng 2-2016, chúng tôi đi qua hàng chục xã, thị trấn của thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện cù lao Tân Phú Đông. Đâu đâu cũng thấy kênh, rạch, ao chứa nước ngọt của các trạm cấp nước cạn sát đáy.

Dấu vết nước nhiễm phèn bám trên ống nước, trụ bêtông, cỏ vàng quạch cho thấy hơn 2m nước đã bốc hơi. Tất cả ao chứa nước ngọt của các trạm cấp nước cũng mặn chát, không thể uống được.

Nhà chị Phạm Thị Tuyền ở ấp Thanh Nhung 2, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông ở gần trạm cấp nước. Lúc này ao chứa nước của trạm đã cạn nhìn thấy đáy.

Theo chị Tuyền, mấy tuần nay dân ở đây phải cắn răng xài nước mặn, chủ yếu tắm, giặt, nấu ăn. Mà tắm xong thì khó chịu lắm, giống như tắm biển mà không tắm lại bằng nước ngọt vậy. Nước uống thì dùng nước mưa trữ sẵn trong lu, hồ. Ai cũng rất lo không có nước xài vì mùa khô còn tới ba tháng nữa.

Gặp ông Lê Văn Nhường hỏi chuyện nước, ông thở dài: “Nắng cháy da thế này thì nước bốc hơi nhanh lắm. Chừng hai tuần nữa là cạn khô hết. Giờ xài tiết kiệm từng ca nước, cầm cự tới đâu hay tới đó”.

Đến các xã Tân Tây, Kiểng Phước, Tân Phước, Gia Thuận, Tăng Hòa... thuộc huyện Gò Công Đông, chúng tôi đều nghe người dân than phiền nước mặn.

Có người ví von: “Gần đây tui nấu canh khỏi cần nêm muối, kho thịt khỏi cần nước mắm mà có khi phải bỏ thêm đường”.

Có điều những nơi có nước mặn xài đã là may mắn lắm rồi, bởi suốt hai tháng qua khoảng 700 hộ dân ở xã Bình Đông hoàn toàn không hứng được nước. Còn hơn 1.000 hộ ở xã Bình Xuân chỉ được cấp nước hai tiếng mỗi ngày.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang, hiện đã có hơn 235.000 người đang xài nước máy nhiễm mặn. Đó là chưa kể nguồn nước này không đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch.

Trắng đêm kéo ống dẫn nước

Ông Huỳnh Công Dũng, giám đốc Công ty Cấp nước Tiền Giang, cho biết đường ống của Nhà máy nước BOO Đồng Tâm đã dẫn tới khu vực thị xã Gò Công cách đó hơn 60km. Còn các trạm cấp nước nông thôn đang bị nhiễm mặn hoặc thiếu nước lại cách đường ống này 6-20km. Công ty đã đặt mua ngay gần 7.000m ống HDPE phi 160mm để đưa nước ngọt từ cầu Sơn Quy đến xã Bình Đông.

“Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong 10 ngày dân ở đây phải có nước xài, nên chúng tôi đưa 80 công nhân và máy đào đến hiện trường làm việc 24/24 giờ ròng rã từ ngày 19-2 với mục tiêu dân có nước xài càng sớm càng tốt” - ông Dũng nói.

Anh Trương Văn Hùng, tổ trưởng thi công, kể: “Chúng tôi nhận lệnh lên đường rất gấp, không kịp chuẩn bị gì. Xứ Gò Công ban ngày nắng đổ lửa, nửa đêm về sáng lạnh nên anh em rất uể oải. Lúc chúng tôi làm có rất nhiều người dân địa phương đến xem và hỏi thăm chừng nào có nước. Biết bà con đang rất cần nước nên anh em động viên nhau làm càng nhanh càng tốt. Ban đêm chia nhau người làm, người tranh thủ chợp mắt lấy sức”.

Suốt một tuần thi công lắp đặt ống nước không ai được về thăm nhà. Thậm chí gia đình anh Lê Văn Nhân có đám cưới cháu gái nhưng anh cũng ở lại làm phụ anh em. Nhờ vậy đường ống dài 6,3km đã hoàn thành chỉ trong bảy ngày đêm, sớm hơn kế hoạch tới ba ngày.

Lúc 15g ngày 26-2, dòng nước ngọt từ nhà máy cách đó hơn 60km đã hòa vào trạm cấp nước tại xã Bình Đông. Bà Nguyễn Thị Dung ở ấp Muôn Nghiệp nhìn thấy nước chảy ra từ vòi nước mở sẵn từ lâu liền chạy tới nhà bà Nguyễn Thị Thén báo tin.

Hai bà ra sau nhà mở vòi nước kiểm tra. Sau mấy tiếng “khẹc, khẹc...”, nước phun ra ào ào. Hai bà cười hết cỡ vì mừng: 

“Chưa bao giờ tui thấy nước trong vắt mà chảy mạnh như thế này. Sướng quá trời luôn. Cảm ơn chính quyền lo nước cho dân xài. Từ giờ hết sợ thiếu nước nữa rồi. Khỏi lo tụi nhỏ bị tiêu chảy nhập viện như mấy năm trước”.

Còn bà Nguyễn Lệ Thủy mừng quýnh khi thấy có nước. Bà chạy vô nhà dắt cháu ngoại ra đùa giỡn với dòng nước ngọt. Bà kể hai tháng qua có nhiều đêm bà thức dậy từ lúc 1g sáng canh hứng nước, vì “giờ đó ít ai hứng nước thì may ra mới chảy đến nhà tui”.

Chưa kịp nghỉ thì hàng chục công nhân lại nhận nhiệm vụ đến xã Tân Tây và Gia Thuận, huyện Gò Công Đông ngay lập tức thi công đường ống đấu nối nguồn nước BOO Đồng Tâm vào các trạm cấp nước nông thôn tại đây đã bị nhiễm mặn.

Cấp trên giao nhiệm vụ ngắn gọn: “Tối 26-2 phải xong!”. Thế là mọi người hì hục chia nhau khoan, đào, nối ống nước... không ngừng nghỉ. Cái nắng từ 12g đến chiều ở đây như lửa táp vào mặt, nhưng vì có rất nhiều người dân vẫn kiên trì đứng xem nên họ không dám ngừng tay.

Đúng như kế hoạch, tối cùng ngày hai điểm đấu nối Tân Tây và Gia Thuận đã hoàn thành. Nước sạch từ Nhà máy nước BOO Đồng Tâm đã chảy đến nhà dân. Trong lúc thu xếp đồ đạc về công ty ở TP Mỹ Tho ngay trong đêm, anh em công nhân lại nhận được thông báo:

“Về nghỉ một ngày rồi trở xuống kéo đường ống từ thị xã Gò Công đến xã Phước Trung và Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông”. Ở đó đang có hơn 5.000 hộ dân rất cần nước ngọt. 

Kéo đường ống vượt sông cứu khát cho 35.000 dân

Chiều 27-2, ông Nguyễn Thiện Pháp - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang - cho biết mặc dù UBND tỉnh đã chấp thuận phương án thuê sà lan chở 433.000m3 nước sạch từ Nhà máy nước BOO Đồng Tâm đến cứu khát cho dân ở huyện cù lao Tân Phú Đông từ tháng 3 đến tháng 5-2016, nhưng đầu tuần tới các cơ quan chức năng sẽ đề xuất bỏ kế hoạch này.

Thay vào đó là kéo ống nước vượt sông đưa nước đến cù lao luôn. Lý do là dự án kéo ống dẫn nước qua cù lao Tân Phú Đông có vốn đầu tư hơn 68 tỉ đồng đã được duyệt và dự kiến tháng 6-2016 khởi công. Nay sẽ ứng vốn thi công trước (hơn 11km đường ống để trên mặt đất và đặt chìm dưới đáy sông) thì không phải chở nước bằng sà lan, khỏi tốn 13,5 tỉ đồng mà vẫn kịp cấp nước cho dân xài trong mùa khô này.

Nhiều phương án cấp nước tại Kiên Giang

Tại Kiên Giang, tình hình thiếu nước ngọt trở nên căng thẳng và chính quyền đã tính tới các phương án cấp nước trong tình huống mọi việc ngày càng xấu hơn.

Ông Trần Như Tiến - chủ tịch UBND xã Nam Du (huyện Kiên Hải) - cho biết năm nay mưa ít hơn những năm trước. Tháng 12 đã căng thẳng về nước, trong khi hằng năm việc này chỉ xảy ra vào tháng 3.

Hiện giá nước sinh hoạt tại xã này là 120.000 đồng/m3 và người dân đã bắt đầu xài nước tiết kiệm bằng cách tắm xong thì để dành lại tưới rau hoặc rửa rau xong dùng lại cho các nhu cầu khác, một nguồn nước sử dụng cho nhiều nhu cầu khác nhau.

Tuy nhiên, tình hình này cũng chỉ cầm cự được khoảng 20 ngày nữa. Nếu sau 20 ngày vẫn không có mưa sẽ tính phương án mua nước từ đất liền chở ra với giá nước bình quân 200.000 đồng/m3.

Tại TP Rạch Giá, ông Nguyễn Hữu Hoài Phương, giám đốc Công ty Cấp thoát nước Kiên Giang, cho biết đã hoàn thành việc khoan thêm 16 giếng bơm ngầm để bổ sung nguồn cấp nước sinh hoạt cho TP Rạch Giá và vùng phụ cận.

Lượng bổ sung này tương đương 16.000 m3/ngày. Hiện việc lấy nước vào hồ chứa cấp cho các địa bàn này vẫn bình thường, khi nào độ mặn cao, không thể lấy vào hồ chứa thì sử dụng các trạm bơm ngầm này.

K.NAM - C.QUỐC

VÂN TRƯỜNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên