Các cán bộ căng mình tại Ban chỉ đạo tiền phương trước giờ bão Noru đổ bộ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4.
Trong văn phòng dã chiến
Trong một khách sạn nhỏ ở trung tâm Đà Nẵng, một văn phòng dã chiến được dựng lên nhanh chóng ngay sau khi Ban chỉ đạo tiền phương được quyết định thành lập tại TP này. Các ê kíp trong ban chỉ đạo cũng nhanh chóng lên đường từ Hà Nội vào Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.
Thành viên ban chỉ đạo là đại diện lãnh đạo các bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai...
Trong văn phòng dã chiến, không khí gấp rút như thời chiến. Một hội trường nhỏ dành khu vực trung tâm bố trí bàn ghế họp, cạnh đó là khu vực máy móc, thiết bị. Bên cánh phải của văn phòng là khu vực dành cho các cán bộ trực ban của Ban chỉ đạo tiền phương.
Ngồi giữa nhóm gần chục chuyên viên ở khu vực cán bộ trực ban, điện thoại trên tay ông Nguyễn Văn Hải - phó cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai - liên tục đổ chuông.
Hết cuộc điện thoại từ cơ sở này đến đơn vị khác. Cạnh đó các cán bộ trực ban của Tổng cục Phòng chống thiên tai túc trực trước những chiếc máy tính. Thông tin các tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên liên tục đổ về. Bộ phận trực ban liên tục nhập liệu, xử lý, tổng hợp... giám sát thông tin trên hệ thống điện tử.
Những bảng số liệu dày đặc đôi khi khiến các chuyên viên trĩu mắt. Phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa các luồng thông tin đổ về, họ đi đến cuối phòng họp, nhấp ngụm cà phê cho tỉnh táo rồi trở lại vị trí ngồi.
Khi vừa có quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiền phương đặt tại TP Đà Nẵng, các thành viên trong ban chỉ tranh thủ được ít giờ đồng hồ thay nhau chợp mắt để chuẩn bị thức trắng khi bão vào.
Ông Hải cho biết các anh em đang có mặt tại văn phòng dã chiến này là đầu mối tiếp nhận thông tin hai chiều từ các địa phương và phía lãnh đạo. Các nhóm nắm bắt tình hình, theo dõi thực tế mưa bão từng giờ và liên tục cập nhật báo cáo mỗi 2 - 3 giờ một lần.
Đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ, ông Hải tâm sự tham gia trực tiếp ở tiền phương chống bão, áp lực lớn nhất là Ban chỉ đạo tiền phương rất ít khi được hoạt động, nhưng khi hoạt động lại ở trong tình huống rất phức tạp.
Mặc dù đã lựa chọn những "chiến binh cứng nhất" nhưng vì tính chất đột xuất và chịu áp lực lớn lại đòi hỏi thời gian nhanh và tính chính xác cao nhất khi phải tiếp nhận nhiều luồng thông tin cùng lúc để phân tích và tổng hợp, báo cáo lên các lãnh đạo nên anh em chịu áp lực rất lớn.
"Những thông tin từ ban trực tại sở chỉ huy tiền phương khi tham mưu chỉ đạo điều hành sẽ liên quan trực tiếp và ảnh hưởng đến nhiều người dân cũng như cơ sở hạ tầng khi bão đổ bộ. Vì vậy anh em luôn nhắc nhau tập trung cao độ", ông Hải nói.
Một yếu tố khách quan nữa ảnh hưởng đến công tác của các cán bộ trực ban là các cơ sở trang thiết bị tại "sở chỉ huy" mặc dù đã được tích hợp nhanh gọn để phục vụ công việc nhưng vẫn không thể có sự ổn định như khi tác nghiệp tại văn phòng thường trực cố định.
Ông Hải dẫn chứng đến sát giờ G, anh em vẫn phải lo liệu chạy mua thêm máy in để đảm bảo công việc suôn sẻ. Chính các thông tin được cập nhật hằng giờ từ các tỉnh thành về trung tâm cũng luôn được điều chỉnh. Các chuyên viên phải liên tục gọi điện thoại lại xác minh khiến áp lực của anh em đẩy lên cao hơn bao giờ hết.
Suốt hàng giờ đồng hành cùng các anh em trong bộ phận trực ban, ông Hải bảo rằng việc di chuyển công tác của mọi người thì rất bình thường bởi nó như cơm bữa. Nhưng đối diện với áp lực từ khi Ban chỉ đạo tiền phương được thành lập để ứng phó với một siêu bão như Noru, đòi hỏi khối lượng công việc và tính chuyên nghiệp được đẩy lên cao nhất.
21h đêm 27-9, sau khi kết thúc cuộc họp Ban chỉ đạo tiền phương, các thành viên tranh thủ dùng bữa tối vội vàng trước khi quay lại vị trí. Suốt đêm qua, lực lượng trực ban phải thức trắng để cập nhật liên tục thông tin và kịp thời báo cáo khi có tình huống khẩn.
Cùng thức để lo cho dân
Tối 27-9, trong cuộc họp với Ban chỉ đạo tiền phương, tại điểm cầu Quảng Trị, Phó thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Văn Thành, trưởng Ban chỉ đạo tiền phương, đã trở về phòng họp trực tuyến khá muộn so với giờ hẹn vì mưa gió quá lớn.
Suốt chiều qua, ông đã cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị rà soát, kiểm tra công tác ứng phó bão Noru tại tỉnh này.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng đề nghị tập trung vào các biện pháp cấp bách, trong đó, tập trung vào các biện pháp bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân, sức khỏe, tính mạng của người dân là hàng đầu.
Ngoài ra cần phải xác định bảo vệ các công trình trọng điểm, quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội cũng như an toàn cho nhân dân như hồ đập, đê điều, đường sá, bệnh viện, bảo vệ hệ thống điện...
Ông Thành cũng đề nghị báo cáo về việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, ứng cứu trường hợp bị chia cắt. "Có thể xảy ra tình huống chưa lường hết như đê biển bị sóng đánh thì ứng cứu như thế nào", ông Thành đặt vấn đề và cho biết ngay sau cuộc họp, ông lập tức lên đường vào Thừa Thiên Huế họp điều hành và trực ở đây xuyên đêm.
"Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua, nên không để sơ suất được. Đêm nay, phòng họp trực tuyến của các địa phương phải mở. Tôi sẽ túc trực ở đây để kịp thời kết nối, trao đổi trực tuyến tại phòng điều hành khi có vấn đề phát sinh ở các địa phương", ông Thành khẳng định.
Tại điểm cầu Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo tiền phương, cũng có một đêm thức trắng. Ông Hoan yêu cầu các lực lượng ứng trực cùng mình 24/24 giờ.
"Bão Noru là cơn bão lớn, đạt đỉnh triều cường và đổ bộ vào ban đêm. Do đó, các địa phương những giờ chót phải chuyển từ công tác vận động kết hợp cưỡng chế khi cần thiết với phương châm an toàn tính mạng con người là trên hết", ông Hoan nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận