Theo tìm hiểu của chúng tôi, với lý do đại lý không cho trả lại các vé số còn thừa, chưa bán hết, nhiều người bán vé số dạo cho biết buộc phải tìm mọi cách như tràn xuống lòng đường, chào mời khách tại các ngã tư... để bán hết lượng vé số đã lấy, nếu không sẽ phải ôm vé.
Đến giờ cao điểm lại tràn ra đường
Ghi nhận của chúng tôi tại TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) cho thấy ngay từ sáng sớm, nhiều người bán vé số dạo đã tràn xuống lòng đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ ngã tư Nguyễn Huệ - Trần Hưng Đạo đến vòng xoay ngã tư Phú Lợi - Trần Hưng Đạo) để chèo kéo khách.
Đoạn đường trung tâm này dài chưa tới 1km, có bảng cấm mua bán trên lòng đường, vỉa hè, ai vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 3.000.000 đồng, nhưng mỗi ngày vẫn có hàng chục người tụ tập để bán vé số.
Nhiều người đứng dưới lòng đường xòe xấp vé số quơ qua quơ lại, miệng liên tục mời gọi người qua đường. Một số người bán vé số đậu xe đạp, xe gắn máy dưới lòng đường. Cũng có người đem luôn cả tủ tự chế và che dù bán vé số.
Tại nút giao Nguyễn Huệ - Trần Hưng Đạo hay Hai Bà Trưng - Lý Thường Kiệt, nhiều người già, tàn tật tràn xuống đường bán vé số mỗi khi xe cộ dừng lại chờ cho hết đèn đỏ. Càng về chiều, gần đến giờ xổ số, người bán vé số tụ tập dưới lòng đường này càng đông.
Cứ khoảng từ 15h, nhiều người bán vé số dạo tại TP Cần Thơ cũng tràn xuống lòng đường 30-4 (phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều) cố gắng bán cho hết những tờ vé số còn lại. Thậm chí, nhiều người còn đứng tại ngã ba, ngã tư khi xe cộ dừng lại để chào mời vé số.
Tại đường 3-2, đoạn từ cầu Đầu Sấu đến cầu Cái Răng (phường An Bình, quận Ninh Kiều), cứ khoảng 15h30 hằng ngày có hàng chục người bán vé số dạo xuống lòng đường bán vé số. Có trường hợp người già bắc ghế ngồi dưới lòng đường bán vé số như chỗ không người, vừa lấn chiếm lòng lề đường vừa nguy hiểm đến tính mạng.
Tình trạng người bán vé số tràn ra một số tuyến đường ở TP Cà Mau vào cuối buổi chiều xảy ra ngày càng nhiều. Trên các tuyến đường Hùng Vương, Phan Ngọc Hiển, Nguyễn Trãi, Ngô Quyền và Nguyễn Tất Thành, nhiều người bán vé số tràn xuống lòng đường để bán cho kịp hết vé số, gây nên cảnh lộn xộn, mất an toàn giao thông.
Nguy hiểm nhưng phải mưu sinh?
Ngồi dưới lòng đường Trần Hưng Đạo, khu vực trước công viên Bạch Đằng (phường 2, TP Sóc Trăng), chị Phạm Thúy Linh (39 tuổi) cùng bốn đứa con nhỏ sắp xếp lại 200 tờ vé số của Bạc Liêu. Ngoài chiếc xe đẩy, chị chế thêm cái bàn nhỏ để bày vé số, vừa để cho đứa con nhỏ 2 tuổi ngồi, che nắng che mưa là một chiếc dù màu tím.
Thừa nhận việc bán vé số dưới lòng đường rất nguy hiểm, nhưng chị Linh cho biết khu vực này đông người qua lại, hy vọng nhiều người thấy cảnh con cái nheo nhóc sẽ động lòng trắc ẩn mua ủng hộ.
Theo chị Linh, cực chẳng đã mới liều đem con nhỏ ra phơi nắng phơi mưa bán vé số ngoài đường. Gia đình chị thuê một nhà trọ nhỏ, chồng đi làm mướn. Mỗi ngày chị lấy 200 tờ, nếu không bán hết, sẽ sạch vốn vì đại lý không cho trả lại.
Do đó, chị Linh cùng các con cố gắng bán hết để không phải ôm vé. "Đời người bán vé số cực nhọc lắm. Tụi tui hay nói với nhau, người bán vé số dạo gắn với 5 không: không nhà cửa, không vốn, không cho trả lại, không có bảo hiểm y tế, không bảo hiểm tai nạn nên rủi ro gặp chuyện gì, chỉ có chết chắc", chị Linh cho biết.
Trong khi đó, chị Thùy Vân - bán vé số dạo trên đường 3-2, phường An Bình, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) - cho biết mỗi ngày nhận bán 250 tờ vé số. Mùa nắng bán nhanh hết sớm, mùa mưa bán chậm, gần giờ xổ số còn nhiều nên phải cố gắng bán hết bằng cách xuống lòng đường đứng bán để người đi đường dễ thấy.
"Biết là nguy hiểm nhưng vì mưu sinh, nếu trả lại đại lý 10 tờ sẽ bị giảm bớt 10 tờ vào lần sau, còn ôm coi như lỗ vốn, bữa đó không có tiền ăn", chị Vân nói.
Còn ông Nguyễn Hoàng Tuấn (74 tuổi) chọn đặt bàn trên đường Nguyễn Trãi, TP Cà Mau để bán, người đi xe ghé lại sẽ dễ mua hơn. Mỗi ngày ông Tuấn lấy hơn 200 tờ vé số, nếu bán hết lời khoảng 210.000 đồng. Còn những ngày mưa gió, bán không hết, ông phải ôm vé số. Lâu ngày cộng thêm tiền thuê phòng trọ, tiền ăn mỗi ngày phải xài, đến nay ông Tuấn còn nợ đại lý vé số 13 triệu đồng.
"Đại lý muốn bán được nhiều phải siết không cho mình trả lại vé số. Biết xuống đường bán nguy hiểm, có lần lo mải mê chào mời suýt bị xe tông. Nguy hiểm rình rập nhưng vì miếng cơm, vì áp lực trả nợ, áp lực phải bán hết vé số đã lấy nên đành nhắm mắt làm liều", ông Tuấn chia sẻ.
Vi phạm an toàn giao thông, nhưng...
Ông Trần Văn Nhanh - phó chủ tịch UBND TP Sóc Trăng - cho biết để xảy ra tình trạng người bán vé số tụ tập, bán dưới lòng đường là trách nhiệm của địa phương. Theo ông Nhanh, mua bán vé số kiểu này làm mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông vì rất nguy hiểm, xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Do đó địa phương sẽ kiên quyết xử lý, dẹp ngay tình trạng người dân bán vé số dưới lòng đường.
"Chúng tôi cũng sẽ ngồi lại với các ngành chức năng bàn tính sắp xếp lại chỗ để những người bán vé số có nơi bán đúng quy định, tạo điều kiện cho người dân buôn bán, ổn định cuộc sống", ông Nhanh cho biết.
Ông Phan Thanh Điền - trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, Cần Thơ - cho biết sẽ nhắc nhở các phường chấn chỉnh tình trạng này nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho người bán vé số dạo và người đi đường. Ông Mai Minh Ngoan, chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ, cũng cho biết đang lên kế hoạch phối hợp với các địa phương để chấn chỉnh tình trạng này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bằng, chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, thừa nhận tình trạng người dân xuống ven đường hoặc ở ngay các ngã ba, ngã tư mời chào người chạy xe mua vé số là có, đồng thời khẳng định đang cân nhắc để ra các văn bản đề nghị các địa phương tăng cường quản lý, nhắc nhở bà con nghiêm chỉnh chấp hành.
Theo ông Bằng, hành vi xuống đường bán vé số dạo có ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông. Nhưng về tình cảm, nhận thấy bà con không được hoàn trả vé số còn thừa nên mới có hành vi xuống đường như vậy.
"Nếu cấm bà con xuống đường bán cũng làm khổ cho họ, vì đa số là người nghèo khó. Do vậy, cần giải quyết vấn đề căn cơ từ việc không cho trả vé số bán thừa", ông Bằng nói.
Chấn chỉnh việc đại lý từ chối nhận lại vé số thừa?
Theo báo cáo của Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam, trong sáu tháng đầu năm nay, tỉ lệ tiêu thụ vé số của 21 công ty xổ số khu vực phía Nam đạt bình quân trên 98%. Vé số của nhiều công ty chưa tới giờ, ngày xổ đã được bán sạch. Tuy nhiên, nhiều người bán vé số dạo khẳng định tỉ lệ tiêu thụ vé số cao là do các đại lý không cho trả lại vé còn thừa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Quang Vinh - chủ tịch Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam - cho biết do số lượng vé phát hành của các công ty xổ số không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, có tình trạng đại lý tăng giá vé, không cho trả vé ế, ban thường trực Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam đã có công văn yêu cầu ổn định thị trường tiêu thụ vé số truyền thống.
Trong đó có đề nghị các công ty thành viên nhắc nhở hệ thống đại lý không được bắt buộc người bán dạo phải bán hết, không được trả lại vé còn thừa, đồng thời giữ mức giá trao đổi, mua bán như trước đó.
Tuy nhiên theo một đại lý vé số tại TP Cần Thơ, không người bán dạo nào dám trả lại vé số ế vì sợ bị "cắt vé" tương ứng với số vé trả lại. Các đại lý cũng không dám trả lại vé cho công ty vì lý do tương tự. Do vậy, áp lực phải bán hết vé số nếu không sẽ bị "đứt vốn" dồn tiếp tục về những người bán vé số dạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận