Nhà thơ - Ảnh: MINH TỰ
Tuyệt phẩm của Trần Vàng Sao được sáng tác vào tháng 12-1967 khi ông đang ở trên chiến khu đầu nguồn sông Hương.
Bài thơ này đã được nhiều thế hệ người Việt đọc, chép, lưu truyền cho nhau, được in trong rất nhiều sách và tuyển thơ, và được chọn là 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ 20.
PGS.TS Hồ Thế Hà, giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Khoa học Huế, nhận định: "Bài thơ này là sự hóa giải cho chính nhà thơ và cho mọi người về một tình yêu có sức ám ảnh lớn: tình yêu Tổ quốc.
là điển hình cho phong cách thơ Trần Vàng Sao". Vì vậy, nhiều người cho rằng nếu chọn một bài của Trần Vàng Sao thì chắc chắn phải là Bài thơ của một người yêu nước mình. Người đọc có thể chia sẻ với nhận định đó qua đoạn kết của bài thơ:
...Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất.
Một bức tranh vẽ Bồ Đề Đạt Ma của Trần Vàng Sao
Không chỉ giới văn nghệ mà hầu như rất nhiều người, khắp ngoài Bắc trong Nam và cả nước ngoài đều yêu mến ông. Khi chưa gặp, họ yêu ông vì những câu thơ "yêu nước mình" bao la và da diết. Khi gặp con người ấy rồi càng yêu hơn bởi tính cách hồn nhiên, trong sáng, giản dị và quá lương thiện.
Gặp ai ông cũng hồn nhiên cười nói chuyện trò, hát hò, uống rượu và đọc thơ, những câu thơ tiếu lâm ứng khẩu: Khi say đừng có đi mô / Lỡ ra ăn nói hồ đồ họ khinh / Thôi thì cứ ngồi một mình / Ngó cây ngó cối mần thinh ngó trời.
Cốt cách thiện lương của ông cô đặc trong bài thơ Người đàn ông 43 tuổi nói về mình đăng trên tạp chí Sông Hương năm 1988: Tôi tuổi Tỵ / năm nay bốn mươi ba tuổi / thường không có một đồng trong túi /... một hai ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa / miếng nước trà mốc nguội có mùi bông lài rát cổ / cũng không có chi phiền. - Ảnh: Minh Tự
Ông hồn nhiên kể chuyện, từ chuyện làm kháng chiến đến chuyện làm thơ, làm người. Nhìn ông cười nói nhẹ tênh, không ai nghĩ rằng con người ấy đã trải qua một cuộc đời chìm nổi truân chuyên.
Nhà thơ Trần Tuấn (Đà Nẵng) cho rằng ông đã đạt đạo và gọi ông là "Vĩ Dạ Đạt Ma". Những năm cuối đời, ngoài niềm vui làm thơ, ông còn vẽ tranh và nổi tiếng với tranh vẽ về thiền sư Bồ Đề Đạt Ma.
Ông vẽ bằng bút chì, mực tàu, trên mặt sau những tờ lịch cũ, những thứ đồ vật đã bỏ đi. Tranh rất đẹp, nhưng xin không cho, mua không bán, dù nhà quá nghèo. "Phật mà làm răng xin cho mua bán được bây!".
Nhà thơ Trần Vàng Sao - Ảnh: Minh Tự
Nhà thơ Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 (Tân Tỵ), quê quán ở thôn Vĩ Dạ, TP Huế. Ông học trung học ở Trường Quốc Học - Huế, đỗ tú tài rồi tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh Huế.
Từ năm 1965, ông lên chiến khu, công tác tại cơ quan thanh niên, sau đó là Ban tuyên huấn Thành ủy Huế. Tại đây ông viết báo và làm thơ. Năm 1970, ông ra miền Bắc an dưỡng.
Sau ngày thống nhất (1975), Trần Vàng Sao trở về quê, công tác tại Phòng văn hóa thành phố Huế, sau đó trở lại làm chân giao liên của xã Hương Lưu (nay là phường Vỹ Dạ) cho đến khi nghỉ hưu năm 1984.
Tập thơ mới nhất của ông ra mắt bạn đọc vào năm 2012: Gọi tìm xác đồng đội (NXB Hội Nhà Văn).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận