Các thuyền viên tàu Sang Fish 01 khắc phục hệ thống trục tời bị hư ngay mẻ lưới đầu tiên - Ảnh: Tiến Thành |
Và tiếp tục ra khơi...
Mặt sạm nắng, giọng khàn đặc, thuyền trưởng Phan Bé vẫn chưa hết mệt mỏi sau chuyến đánh lưới vây đầu tiên gặp trục trặc. Mẻ lưới cuối tháng 8 (23-8) trên vùng biển vịnh Bắc bộ vẫn ám ảnh anh và các thuyền viên trên tàu. Hệ thống trục tời bị gãy làm bốn tay lưới dài hơn 400m (trị giá hơn 500 triệu đồng) cùng hơn 1 tấn cá bị rơi trở lại biển.
Thiết kế tàu bị lỗi
Lật cuốn sổ ghi nhật ký hải trình 11 ngày trên tàu Sang Fish 01, anh Bé cho biết tính đến ngày 23-8 tàu đã tiêu thụ hơn 3.000 lít dầu (hơn 60 triệu đồng), sáu lần thả lưới thì có tới bốn lần gặp trục trặc kỹ thuật. Cả chuyến thu vỏn vẹn 2 tấn cá, xem như lỗ nặng. Nhưng anh Bé nói chuyến đi đầu tiên này không phải chỉ đánh cá mà còn để chạy thử máy móc, vận hành các thiết bị đánh cá hiện đại cũng như tập huấn cho thuyền viên.
Tùy nghề chọn máy Sau chuyến ra khơi khai thác đầu tiên vào giữa tháng 8 vừa qua, tàu vỏ thép Sang Fish 01 vừa được lắp đặt thêm máy dò ngang siêu Sonar (dùng sóng siêu âm) dòng KCS-3500 (Nhật Bản) trị giá 1,6 tỉ đồng, có thể phát hiện tất cả loại cá đi theo đàn ở bán kính tối đa 2,5km và đo được ba tầng nước, dò ở chiều sâu tối đa 3km. Theo anh Phan Bé, tại VN mới có hơn 10 chủ tàu sở hữu loại máy này. TS Trần Tiến Phức, trưởng khoa điện - điện tử (ĐH Nha Trang), cho biết các máy dò ngang rất quan trọng đối với hoạt động đánh bắt xa bờ, giúp tìm ngư trường mới và tìm đàn cá nhanh, hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu quả của máy phải tùy thuộc ngư trường, nếu đánh bắt ở vịnh Bắc bộ thì phải chọn và cài đặt chế độ dò khác với vùng biển miền Trung và Tây Nam bộ. Chưa kể nếu không biết điều khiển và chọn loại máy phù hợp sẽ không phát hiện được đàn cá. |
Theo thuyền phó Lê Văn Sang, so với tàu gỗ, vị trí trụ cẩu của tàu vỏ thép Sang Fish 01 cách khá xa với mũi tàu (khoảng 1,5m). Ngay từ khi thi công con tàu, anh đã nhiều lần đề nghị nhà máy đóng tàu dịch chuyển nhưng không được.
“Mũi tàu vốn đã nhọn, cùng với vị trí trục cẩu xa dây tời và chì tạo nên một góc hẹp, lực kéo yếu; vì thế mỗi lần kéo chì, rút lưới đều rất khó khăn. Trong khi đây là giai đoạn quyết định “nhốt” con cá trong lưới” - Sang nói.
Cũng theo anh Sang, hệ thống máy tời thiết kế và lắp đặt đều không ổn. Cụ thể ngay từ mẻ lưới đầu tiên, các thuyền viên phát hoảng khi đang kéo lưới bỗng bung mối hàn, trật trục ống tời gây nghẽn chì, rối lưới, suýt mất toàn bộ lưới. Đặc biệt, trong khi ra khơi lúc nào cũng nghe thấy những âm thanh “bùng, bùng, bùng” như tiếng trống trận phát ra từ phía đuôi Sang Fish 01.
Anh Phan Bé cho rằng có thể việc thiết kế hầm rỗng ở đuôi tàu (dùng để chứa hàng) nên khi bị sóng vỗ, nó giống như chiếc hộp cộng hưởng tạo nên những tiếng động lớn. “Chưa có căn cứ chính xác để xác định đây là nguyên nhân đuổi cá hay không, nhưng có điều lạ là mọi mẻ lưới dù đã sử dụng máy dò cá xác định từ 3-5 tấn, nhưng khi kéo lên cá còn trong lưới rất ít” - anh Bé nói.
Lão ngư dân Lê Văn Hi (62 tuổi, đội trưởng ngư đội Nam Yết, Nha Trang) cho biết: “Ngay từ buổi tới dự lễ hạ thủy, tôi đã thấy thiết kế của tàu Sang Fish 01 có vấn đề”.
Theo ông Hi, thiết kế cabin tàu rộng và cao, gặp sóng gió lớn tàu lắc rất dữ, chưa kể phần đuôi thấp, sóng tràn lên tàu, lúc ấy bò cũng không nổi. Và trong chuyến ra khơi vừa qua, mới chỉ có sóng cấp 5-6 nhưng thân tàu lắc dữ dội, phần đuôi tàu luôn bị ướt nhẹp vì sóng tấp lên.
Khắc phục sự cố
Ngày 23-9, ông Lê Văn Toàn, phó giám đốc Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang, cho biết việc sửa chữa hai tàu vỏ thép Hoàng Anh 01 và Sang Fish 01 đã hoàn tất.
“Với tàu Sang Fish 01 chúng tôi đã sửa chữa, hiệu chỉnh xong hệ thống trục tời ngày 12-9.Còn tàu Hoàng Anh 01 đã được lắp máy mới do đơn vị cung cấp máy trong TP.HCM thực hiện với hình thức bảo hành và ngày 20-9 tàu này đã sửa chữa xong” - ông Toàn nói.
Cũng theo ông Toàn, khi rã máy tàu Hoàng Anh 01, phía công ty đã xác định sự cố chết máy của tàu này là gãy trục cơ của máy chính do khuyết tật ngầm. “Khuyết tật này tiềm ẩn từ trước quá trình chế tạo, nên việc kiểm tra, giám định bình thường không phát hiện được” - ông Toàn nói.
Còn tàu Sang Fish 01 trục trặc là do khớp nối ở bộ phận tời với trục trích lực từ máy chính bị hỏng. Hiện các kỹ sư, công nhân nhà máy đang tiến hành điều chỉnh thông số của trục tời cho phù hợp với sức tải ngư lưới cụ.
“Không riêng gì tàu cá vỏ thép, bất cứ tàu nào cũng có thể gặp những sự cố trên. Đây là sự cố đơn thuần của lỗi thiết bị và lỗi thiết kế chưa hoàn chỉnh, chưa tối ưu. Bản thân tàu vỏ thép không có lỗi gì và không thể đánh đồng những lỗi trên chỉ có ở tàu vỏ thép” - ông Toàn khẳng định.
Riêng về thiết kế cabin trên tàu Sang Fish 01, ông Toàn cho biết nhà máy đang tính toán việc điều chỉnh lại cabin theo yêu cầu của anh Sang thông qua việc hạ 400mm chiều cao đối với mỗi tầng, dự kiến chỉ mất khoảng ba ngày sẽ hoàn tất.
“Hoàng Anh 01 và Sang Fish 01 đều là hai mẫu tàu vỏ thép thử nghiệm đầu tiên nên khi có trục trặc xảy ra, chúng tôi đã họp bàn với đơn vị khai thác, đơn vị thiết kế và đóng tàu để rút kinh nghiệm trong việc bố trí các thiết bị trên tàu, đồng thời điều chỉnh các thông số kỹ thuật phù hợp với đặc trưng của từng ngành nghề khai thác và tập quán đánh bắt của ngư dân trên tàu. Hi vọng ngư dân cũng như chuyên gia về đóng tàu, khai thác thủy sản sẽ tiếp tục góp ý để đưa ra những mẫu tàu vỏ thép tốt, hoàn chỉnh hơn” - ông Toàn nói.
Ông Huỳnh Văn Nhu, phó trưởng khoa kỹ thuật giao thông (ĐH Nha Trang), một trong năm đơn vị được Bộ NN&PTNT chọn thiết kế mẫu tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ, cho biết việc thiết kế tàu vỏ thép hoàn toàn khác so với tàu vỏ gỗ cả về hình dạng, vật liệu và kết cấu, nhưng có sự tham khảo kinh nghiệm đóng tàu gỗ của ngư dân.
“Theo tôi, một mẫu tàu cá vỏ thép hiện đại không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân mà còn có thể vươn khơi, bám biển dài ngày, tiết kiệm nhiên liệu và đảm bảo an toàn, đáp ứng những tiện nghi sinh hoạt cho các thuyền viên trên tàu” - ông Nhu nói.
Cần đào tạo nhân lực cho tàu vỏ thép Mười ngày theo tàu vỏ thép Sang Fish 01 ra khơi, chúng tôi cảm nhận rõ sự hứng khởi của chủ lẫn bạn tàu được thỏa mơ ước ra khơi trên con tàu hiện đại. Tuy nhiên, các thuyền viên vẫn còn bỡ ngỡ với những công cụ máy móc hiện đại, tiện nghi. Thuyền trưởng Phan Bé thừa nhận: “Nhiều anh em thuyền viên vẫn còn lóng ngóng trong việc sử dụng các phương tiện đánh bắt hiện đại, điều khiển tàu...”. Ông Lê Văn Toàn, phó giám đốc Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang, cho rằng Nhà nước cần chú trọng việc đào tạo, tập huấn các thuyền viên, nâng cao kiến thức cũng như tay nghề đánh bắt trên tàu vỏ thép để họ có thể vận hành con tàu hiện đại này một cách ổn định. “Cần có sự phân cấp thuyền viên một cách chặt chẽ. Chẳng hạn, ngoài bộ phận thuyền viên kéo lưới đánh bắt, phải có các người chuyên làm công việc tra dầu, bôi mỡ máy móc trên tàu... hằng ngày thì con tàu mới bền hơn” - ông Toàn nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận