PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc bày tỏ lo ngại khi đất nước hoà bình, thống nhất nhưng nhiều người lại mất niềm tin vào lý tưởng cách mạng - Ảnh: V.V.TUÂN
Đó là trăn trở của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại hội thảo Tư tưởng xây dựng Đảng về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nội dung và giá trị diễn ra chiều 16-5 tại Hà Nội.
Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết
Hội thảo do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Lê Quốc Lý, phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: "Theo Hồ Chí Minh, Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ, dân làm chủ. Ngoài quyền lợi của giai cấp, dân tộc, Đảng không có quyền lợi riêng của mình, Đảng không ở trên dân mà cũng không ở ngoài dân.
Đảng phải đi đúng đường lối nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết, phải lắng nghe ý kiến dân chúng, học hỏi dân chúng...
Tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng sẽ chống được các căn bệnh xa nhân dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân, không tin cậy nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không yêu thương nhân dân.
Đó là nguyên nhân của căn bệnh quan liêu mệnh lệnh, xa rời nhân dân và sẽ dẫn đến kết quả là hỏng việc", ông Lê Quốc Lý phát biểu.
Cũng theo ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nói các quan hệ trong Đảng phải xuất phát từ quan hệ đồng chí, cùng phấn đấu hi sinh cho lý tưởng cách mạng cao quý, không vì danh lợi cá nhân, mọi việc lớn việc nhỏ phải đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, dân tộc và nhân dân lên trên hết, trước hết.
PGS.TS Trần Minh Trưởng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thẳng thắn nói cùng với các thành tựu to lớn trong quá trình bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước thì phải thừa nhận rằng Đảng còn bộc lộ những sai lầm, khuyết điểm.
Làm mực thước cho người ta bắt chước
Ông Trần Minh Trưởng trích lại nhiều câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức như: "Nói chung, các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".
"Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước".
Một số cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày tại hội thảo - Ảnh: V.V.TUÂN
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lại trăn trở có một thực tế ông nhận thấy rõ là hiện nay không chỉ các bạn trẻ mà nhiều người đều than phiền khó tiếp nhận lý tưởng cách mạng.
"Thế hệ chúng tôi nay đã hơn 70 tuổi rồi nhưng vẫn tiếp nhận lý tưởng dễ dàng lắm. Nhưng các bạn trẻ bây giờ thường nói tiếp nhận lý tưởng cách mạng khó lắm.
Tôi tranh luận lại rằng chúng tôi tiếp nhận lý tưởng trong hoàn cảnh khó lắm, đất nước chưa độc lập. Vậy mà các thế hệ vẫn cứ vào cuộc chiến đấu vững vàng và đầy tin tưởng.
Tại sao giáo dục lý tưởng ở thời kỳ ấy lại sâu sắc như vậy? Bây giờ có hiện thực là đất nước hoà bình, độc lập, thống nhất, nhưng tại sao người ta vẫn mất niềm tin vào lý tưởng cách mạng?
Theo tôi, không chỉ thế hệ trẻ mất niềm tin mà một bộ phận cán bộ đảng viên cũng mất niềm tin", ông Phúc phân tích thực trạng hiện nay.
Ông Phúc đề xuất phải hoàn thiện hệ thống chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh để biên soạn thành những cuốn sách thật dễ hiểu, dễ nhớ để mọi người có thể thuận tiện mang theo theo dạng sách bỏ túi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận