04/11/2020 08:00 GMT+7

Trăn trở giải pháp kéo giảm tai nạn do rượu, bia ở TP.HCM

T.D.V - THU DUNG
T.D.V - THU DUNG

Mới đây, báo Tuổi Trẻ cùng với Công ty CP Công nghệ Để Tôi Lái tổ chức chương trình 'Chuyên gia nói gì' với chủ đề 'Giảm tai nạn giao thông do rượu, bia'. Chương trình đã thu hút sự tham gia bàn luận của lãnh đạo nhiều ban, ngành tại TP.HCM.

Trăn trở giải pháp kéo giảm tai nạn do rượu, bia ở TP.HCM - Ảnh 1.

Đội CSGT Rạch Chiếc thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM xử phạt lái xe vi phạm nồng độ trên xa lộ Hà Nội (Q. Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau hiệu ứng từ Nghị định 100, nhiều người dân lại vô tư uống rượu, bia rồi tự lái xe ra về. Kéo theo đó, danh sách các vụ tai nạn giao thông có liên quan tới rượu, bia lại dài thêm ra. Lãnh đạo Ban An toàn giao thông TP, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt PC08 CA TP.HCM, nhiều chuyên gia giao thông đã có buổi trò chuyện về vấn đề này. 

Vẫn còn đó tai nạn do rượu, bia

Đó là thực tế mà Trung tá Đoàn Văn Quới – phó trưởng Phòng PC08 cho biết trong buổi tọa đàm. Sau hơn 9 tháng triển khai Nghị định 100, tình trạng vi phạm nồng độ cồn của người tham gia giao thông ở TP.HCM đã được cải thiện đáng kể. 

Trăn trở giải pháp kéo giảm tai nạn do rượu, bia ở TP.HCM - Ảnh 2.

Trung tá Đoàn Văn Quới – phó trường Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt CA TP.HCM trao đổi tại buổi tọa đàm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong suốt quá trình triển khai, Phòng PC08 liên tục tổ chức các chuyên đề xử lý vi phạm giao thông. Đặc biệt, lực lượng tập trung cao độ trong tháng 8-2020. Trong đó, mỗi đêm PC08 tung quân 40 chốt kiểm tra khắp các quận, huyện. 

Từ đầu năm đến nay, PC08 kiểm soát khoảng 430.000 nghìn trường hợp, phát hiện 25.000 vụ vi phạm giao thông trên địa bàn TP. Như vậy, nhờ việc ráo riết kiểm soát, lực lượng xử lý vi phạm nồng độ cồn sát hơn, số vụ vi phạm bị xử phạt cao hơn cùng kì năm ngoái khoảng 6.000 vụ. 

Cũng theo Trung tá Đoàn Văn Quới, tín hiệu tích cực là số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương ở TP giảm so với năm 2019, số người chết có liên quan rượu, bia giảm 4%. 

Trăn trở giải pháp kéo giảm tai nạn do rượu, bia ở TP.HCM - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Ngọc Tường- phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP đề xuất nên siết chặt hơn nữa việc xử lý vi phạm nồng độ cồn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Ngọc Tường- phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP cũng chia sẻ, tai nạn giao thông giảm rõ rệt trong 9 tháng qua. Tuy nhiên, thực tế thì vẫn còn tai nạn liên quan nồng độ cồn, vẫn còn người chết. Tiêu biểu ở các huyện giáp ranh, 40% số vụ tai nạn có yếu tố rượu, bia chiếm tới 40%. Riêng huyện Cần Giờ có 15 vụ tai nạn giao thông, 15 người chết thì cả 15 vụ đều ít nhiều do bia, rượu. 

Ông Tường cũng nói thêm, hiện con số thống kê tai nạn giao thông mà cảnh sát giao thông công bố chỉ là một phần những thiệt hại. Ở các cơ sở y tế, hằng ngày, những tai nạn giao thông có tử vong, thương vong do say xỉn còn nhiều hơn như thế.

"Từ những dẫn chứng trên, chúng ta cần có nhiều giải pháp hơn nữa để phòng, chống tác hại rượu bia đối với giao thông, đối với xã hội. Rõ ràng tác hại mà rượu, bia gây ra rất kinh khủng đối với sức khỏe con người, để lại nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội", ông Tường nhấn mạnh. 

Cần những giải pháp căn cơ, ứng dụng công nghệ 

Trả lời câu hỏi, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn ở TP.HCM hiện nay ra sao, lực lượng có gặp khó khăn gì? Trung tá Đoàn Văn Quới cho biết, PC08 đang triển khai hàng loạt kế hoạch để xử lý nghiêm khắc những người cố tình lái xe trong tình trạng say xỉn, nồng độ cồn trong máu cao. 

Quá trình xử lý cũng còn hạn chế, lực lượng thường xuyên gặp các trường hợp người say xỉn mất kiểm soát, chống đối lực lượng. Trước tình huống này, PC08 cam kết xử lý tới nơi tới chốn, đúng người, đúng lỗi. 

Ông Võ Ngọc Duy - giám đốc Công ty CP Công nghệ Để tôi lái cũng khẳng định từng chứng kiến nhiều vụ người say xỉn vi phạm Luật Giao thông còn tranh cãi với cảnh sát như trên. Ông Duy cũng bày tỏ rất trăn trở khi phải chứng kiến những vụ tai nạn thảm khốc mà rượu, bia là nguyên nhân. 

"Thế nhưng khi văn hóa giao tiếp rượu, bia đã là một thói quen khó bỏ thì chúng ta càng phải nâng cao ý thức "Đã uống rượu, bia thì không lái xe"", ông Duy nói. 

Với những trăn trở đó, ông Duy cùng một nhóm nghiên cứu người Mỹ đã cho ra đời ứng dụng gọi xe công nghệ "Để tôi lái". Đây là một ứng dụng mà người dùng có thể nhờ tài xế đưa về khi đã lỡ uống bia, rượu. Cho đến nay, ứng dụng này đã có hơn 10.000 chủ xe sử dụng, thực hiện hơn 1.000 cuốc xe đưa những người say rượu ra về an toàn. Dự kiến trong 6 tháng tới đây, ứng dụng này sẽ hoạt động trên toàn quốc phục vụ người dân. 

Trăn trở giải pháp kéo giảm tai nạn do rượu, bia ở TP.HCM - Ảnh 4.

Ông Võ Ngọc Duy - giám đốc Công ty CP Công nghệ Để tôi lái - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kết thúc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Tường cho rằng, mức xử phạt hiện nay đã khá hợp lý, đủ tính răn đe (Đối với xe máy từ 2 triệu đồng đến 8 triệu đồng. Đối với ô tô từ 6 triệu đồng đến 40 triệu đồng). Dù vậy, để nâng cao tính hiệu quả, một số trường hợp có thể đề xuất tăng hình phạt bổ sung.

Trong thời gian tới, các đơn vị cần có những giải pháp nâng cao an toàn giao thông, xử lý hiệu quả các vi phạm liên quan nồng độ cồn. Lực lượng cảnh sát giao thông siết chặt hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ vào công tác kiểm tra, xử lý để góp phần xử lý hiệu quả, giảm tai nạn giao thông. Các ứng dụng thông minh để hạn chế vi phạm giao thông như trên cũng nên xem xét, nhân rộng phạm vi hoạt động. 


T.D.V - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên