Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm "Vụ kiện da cam và hành trình đòi công lý" - Ảnh: TỰ TRUNG
"Thiên nhiên Việt Nam được môi trường nhiệt đới ưu đãi về cơ chế hồi phục, nhưng với nhân quyền - pháp lý - công lý thì cần phải có sự đền bù xứng đáng" - tiến sĩ sinh học Vũ Thị Quyền phát biểu.
"Trách nhiệm về chính trị, đạo đức của nước Mỹ với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam là không thể chối bỏ. Vụ kiện của bà Trần Tố Nga tại Pháp đang có rất nhiều hi vọng" - luật sư Trương Trọng Nghĩa nói.
"Trong ngoại giao, bình thường hóa các quan hệ, Việt Nam đã rất biết điều, kiềm chế và khôn ngoan nữa. Nhưng trong những vấn đề hậu chiến, nỗi đau và lẽ phải không bao giờ được phép lãng quên. Kiện để lấy lại công bằng - công lý cho nạn nhân chất độc da cam là điều đương nhiên và phải kiên trì kiện. Điều này sẽ không hề ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước, và chúng ta còn có được sự ủng hộ lớn từ lương tri của các công dân Mỹ" - nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh phân tích.
"Tôi, em gái tôi và cả con tôi nữa đều phải chịu di chứng từ chất độc da cam. Tôi đã hiểu tác hại chất độc da cam bằng cuộc đời mình, và giờ đây một nửa cuộc sống của tôi là dành cho các nạn nhân chất độc da cam - động viên họ vươn lên khỏi cái mác 'nạn nhân'. Chúng tôi đã là nạn nhân chất độc da cam và chúng tôi không thể tiếp tục là nạn nhân của cuộc đời" - cô Trần Thị Mỹ Quyên, nhân viên phòng đào tạo Trường ĐH Hoa Sen, giơ hai cánh tay thiếu hai bàn tay của mình lên khẳng định.
Những phát biểu tràn mạnh mẽ và ngập tình cảm ấy trên sân khấu buổi tọa đàm "Vụ kiện da cam và hành trình đòi công lý" tại Đường sách TP.HCM sáng 8-5 đã theo đường truyền công nghệ mà đến với khán giả theo dõi, và bay qua hàng ngàn kilômet đến với bà Trần Tố Nga tại Paris (Pháp) trong buổi sáng hồi hộp chờ đợi phán quyết của tòa án.
Xuất hiện trên màn hình, bà nghẹn ngào: "Tôi ấm lòng và được tiếp thêm sức mạnh. Tôi đã chuẩn bị cho chặng đường rất dài tiếp theo, cho dù phán quyết có như thế nào - bởi dù có thế nào thì vẫn sẽ có một bên kháng cáo. Khó khăn vẫn chồng chất đó, năm tháng vẫn dài rộng đó, mà sức tôi có hạn. Nhưng tôi đã rất yên tâm, vì nếu cuối đường không còn tôi thì vẫn còn các bạn".
Không thể đếm được bao nhiêu lần báo chí đã đăng những phóng sự, hình ảnh về nạn nhân chất độc da cam, về các vụ kiện da cam, thế nhưng một lần nữa xem lại những câu chuyện, một lần nữa chạm vào những ánh mắt, một lần nữa dò theo đường dây, hệ thống, những mối liên kết chằng chịt từ chất độc - môi trường - con người - pháp lý - ngoại giao - công lý - sự thật - lẽ phải - chiến tranh - hòa bình vẫn khiến người xem, người nghe một lần nữa rung động.
Rung động không chỉ vì xúc động mà vì một góc nhìn rộng hơn, dài hơn, sâu hơn được mở ra. "Sự thật và công lý phải được bảo vệ thì mới có hòa bình thật sự".
"Có bình đẳng thì mới có bạn bè". Lại thêm lần nữa, những chân lý hiển nhiên được nhắc lại để nhắc rằng: vụ kiện da cam của bà Trần Tố Nga là vụ kiện chỉ một nguyên đơn mà có triệu nạn nhân, câu chuyện của vụ kiện này không chỉ là câu chuyện giải quyết hậu quả cuộc chiến mà còn là câu chuyện về chỗ đứng và thế đứng trong hòa bình. Là câu chuyện của mỗi người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận