Khi đài báo đưa tin các ca nhiễm, ca tử vong, nhà nhà người người phải ở yên tại chỗ, tôi nhớ mãi ánh mắt và câu nói của mẹ khi lần lượt những người thân quen qua đời vì COVID-19, gia đình chỉ nhận về vỏn vẹn hũ tro cốt rằng "ông bà xưa nói đúng, rồi đây đại dịch cướp đi sinh mạng con người còn nhiều hơn cả chiến tranh".
"Nếu như thời chinh chiến có thể chạy giặc qua vùng khác, còn giặc dịch này liệu chạy đi đâu?" - mẹ nói.
Thế là tôi và mẹ cửa đóng then cài chẳng dám tiếp xúc một ai, đi đến đâu trên tay chiếc máy bắn cồn phun trắng xóa đến đấy, giờ đây người gặp người là nỗi âu lo liệu sau cuộc trò chuyện mình sẽ trở thành F mấy?
Trong gia đình giờ đây, chồng tôi là một chiến sĩ quân đội ngày đêm quên mình chống dịch, mái ấm thiếu đi người đàn ông trụ cột, một mình trông con thơ cùng mẹ già, đại dịch khiến tôi như rơi vào khủng hoảng tinh thần, không biết những tháng ngày u tối ấy khi nào chấm dứt.
Có đêm trong giấc mơ, tôi mơ thấy dòng người hòa vào lễ hội rực sáng, nơi ấy con người thoải mái trò chuyện, tay nắm chặt tay để rồi tỉnh giấc hoang mang vì cuộc sống hiện tại.
Cuộc điện thoại của anh xã từ đơn vị đại đội trinh sát liên lạc về, tôi là vợ của quân nhân trinh sát, một trong những lực lượng tuyến đầu chống dịch nên được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Thế là đêm ấy tôi thức trắng mặc cho anh xã động viên phải ngủ sớm để có sức khỏe tốt sáng mai tiêm ngừa. Chiếc xe mang biển số đỏ đặc cách lăn bánh qua các chốt trận chở những người vợ bộ đội, chị em chúng tôi động viên nhau bằng ánh nhìn để giữ khoảng cách.
Bệnh viện quân y tiếp đón chúng tôi ân cần, khi thủ tục giấy tờ hoàn tất, chúng tôi ngồi chờ vào khám sàng lọc sức khỏe để tiến hành tiêm chủng.
Hành trình tiêm vắc xin của tôi có lẽ gian nan nhất trong số những người vợ lính hôm ấy. Dù đã cố trấn an lòng mình nhưng nhịp tim tôi cứ đập nhanh không thể điều hòa được. Từng chị em lần lượt qua phòng tiêm chủng, tôi nằm lại trên chiếc giường theo dõi nhịp tim, huyết áp trong tiếng hỏi dồn của nhân viên y tế: "Chị có lo sợ điều gì không chị? Cứ thật thoải mái tinh thần vào!"...
Tôi nhắm mắt, hít thở thật sâu nhẹ nhàng, tay áp lên ngực mong dỗ dành con tim mình rằng: "Hãy để chủ nhân mày được tiêm như bao người khác!". Khoảng sau nửa tiếng tôi được qua phòng kế tiếp khi nhịp tim, huyết áp đã ổn định với niềm hân hoan vượt qua cửa ải đầu tiên.
Phòng số 2, vị phó giám đốc bệnh viện quân y trực tiếp khám sàng lọc hỏi han sức khỏe về tiền sử bệnh nền. Tôi lấy ra vỉ thuốc và một ống xịt được chuẩn bị sẵn vì hiện tại tôi mang căn bệnh hen suyễn.
Sau một hồi hỏi han thăm khám, bác sĩ bảo rằng tôi nên hoãn tiêm vì tình hình căn bệnh của tôi có thể sẽ sốc thuốc. Bác nhìn tôi với đôi mắt an ủi khuyên nhủ nên điều trị căn bệnh ổn định rồi quay lại, nơi đây sẵn sàng vắc xin để tôi được tiêm ngừa.
Sự phân vân cứ lảng vảng trong tâm trí, tôi là vợ của một người lính, hôm nay được ngồi đây thuộc một trong những người được sự ưu tiên của Nhà nước dành cho thân nhân lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Nếu tôi tiêm cũng có thể căn bệnh nền sẽ làm nguy hiểm đến tính mạng khi cơ thể không thích ứng được với thuốc, nhưng nếu không tiêm giữa thời dịch hỗn loạn đang từng ngày cướp đi bao sinh mạng con người thì liệu tôi có tồn tại giữ mình được bao lâu.
Nhìn vị bác sĩ với ánh mắt kiên định, tôi xin được tình nguyện tiêm dù có gì cũng không hối tiếc, chỉ có vắc xin mới giúp tôi thoát khỏi cơn đại dịch tăm tối kia và không phải là nạn nhân kế tiếp của con vi rút hủy diệt ấy.
Vị bác sĩ nhìn tôi nở nụ cười kèm câu nói "đúng chất tiên phong, không hổ danh vợ lính!". Và đưa tôi tờ cam kết. Tôi được tiêm trong tâm thế nhẹ nhàng rồi bước sang phòng theo dõi để thăm khám lần cuối trước khi ra về.
Về đến nhà, tôi run lên từng hồi vì cơn sốt kèm ớn lạnh. Nhưng cảm giác ấy thoáng tan biến sau một ngày, nó không hề đáng sợ như ta đã áp đặt vào các ca tử vong chẳng may do sốc thuốc.
Vậy là tôi đã vượt qua tâm lý lo sợ kể cả căn bệnh nền của mình để chia sẻ trải nghiệm một trong những người có bệnh nền tiên phong tiêm trước cho mọi người xung quanh mạnh dạn tiêm chủng khi tâm lý họ còn e dè về kiến thức vắc xin.
Rồi những liều vắc xin quý báu mang cả tình hữu nghị được các nước viện trợ cùng nhau chung tay đẩy lùi đại dịch cũng đến từng thôn ấp. Mọi người được tiêm phòng đầy đủ, nhân viên y tế đến từng ngõ ấp hỗ trợ tiêm ngừa, người này tiêm xong với sức khỏe ổn định truyền tai động viên người khác đi tiêm, mũi ba và bốn cứ thế tiếp diễn dần dần đạt được sự miễn dịch cộng đồng.
Vắc xin là minh chứng và niềm tin sau những căn bệnh đại dịch. Thiết nghĩ nếu không có vắc xin liệu chúng ta có đẩy lùi được dịch? Và còn bao nhiêu dịch bệnh khác để trở lại cuộc sống tươi sáng như ngày hôm nay, được ngồi đây để chia sẻ những câu chuyện đầy xúc cảm trong lòng.
Với tôi, mãi trân quý vắc xin, đó là ánh sáng trí tuệ của loài người trong đại dịch.
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 6 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Đơn vị đồng hành nhận thấy có nhiều bạn đọc quan tâm đến cuộc thi, đặc biệt là cán bộ nhân viên của VNVC và báo Tuổi Trẻ đã hưởng ứng tham gia tích cực.
Đơn vị đồng hành quyết định trao tặng 2 phần quà nhằm khích lệ tinh thần tham dự của các cán bộ nhân viên tham gia tích cực hưởng ứng cuộc thi viết, trong đó có 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của VNVC và 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của báo Tuổi Trẻ.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ [email protected]. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email, số tài khoản và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận