30/01/2011 05:30 GMT+7

Trần Nhật Minh: Chữ "O" trong nhà hát

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TTXuân - Nếu gặp Nhật Minh ngoài đời, ít ai đoán được chàng là một nhạc trưởng, chỉ huy hợp xướng ba, bốn năm nay và chỉ huy cả dàn nhạc vài chục nghệ sĩ lành nghề gần một năm qua.

Đã có lúc nhắc đến họ, người ta có thể cười cười thân mật: kép đẹp. Còn hôm nay, để nói về họ, có lẽ cần đặt một mệnh đề khác lên trước: họ có tài, rồi mới đến: và đẹp trai.

wc4XojVX.jpgPhóng to
Trần Nhật Minh chỉ huy dàn nhạc - Ảnh: Gia Tiến

Trông Minh giống một diễn viên, một chuyên gia sáng tạo của ngành quảng cáo hay một nhà sản xuất nhạc pop hơn bởi phong cách ăn mặc trẻ trung, hợp thời trang, tóc được cắt và vuốt gel theo đúng model hiện hành, nụ cười nghệ sĩ cùng vô số thiết bị công nghệ cao như điện thoại Blackberry, máy Mac, Ipod... lủng lẳng bên người. Đã thế, Minh còn sở hữu gương mặt và dáng vẻ trẻ hơn tuổi 30 của mình.

Năm 2007, khi đang theo đuổi chương trình thạc sĩ âm nhạc tại Nhạc viện Moscow Tchaikovsky chuyên ngành chỉ huy hợp xướng, Trần Nhật Minh về nước tham gia Giai điệu mùa thu. Đó là một trong những lần hiếm hoi Minh chịu “bật mí” về mình. “Vì chẳng có gì mới, làm nghề như Minh thì chậm có những bước tiến hay thay đổi lắm!” - Minh chia sẻ lý do kiệm lời.

Hỏi mãi, anh mới tiết lộ mình vừa hoàn tất khóa học về chỉ huy dàn nhạc kéo dài hai năm tại Đại học Mahidol (Thái Lan) dưới sự tài trợ của Viện Goethe. Và mối bận tâm lớn nhất của Minh hiện nay vẫn là làm cách nào để nghệ thuật hàn lâm nói chung và hợp xướng nói riêng bớt xa lạ, được công chúng đón nhận nồng nhiệt hơn.

Với những kinh nghiệm có được từ thực tế làm nghề tại quê nhà hơn ba năm qua, Nhật Minh đã có cái nhìn rõ hơn và cũng bước đầu tìm thấy những hướng giải quyết khả thi hơn cho mối bận tâm của mình. Anh đã cùng những đồng nghiệp trẻ tại Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) như: Duy Linh, Việt Anh, Phúc Hải, Phúc Hùng, Anh Sơn, Hồng Châu, Ngọc Tuyền... cùng đưa ra những sáng tạo, thử nghiệm mang tính “làm việc theo nhóm”. Có thể đó chỉ là những sáng tạo nhỏ, ngắn, giản dị và không thường xuyên nhưng sẽ gần hơn với đời sống của người trẻ nói riêng và công chúng thưởng ngoạn nói chung.

Như vở múa Chuyển - kỷ niệm 16 năm thành lập HBSO hồi tháng 9-2010 mà Nhật Minh cùng Nguyễn Phúc Hải, Nguyễn Phúc Hùng (biên đạo múa), Nguyễn Mạnh Duy Linh (nhạc sĩ) và các cộng sự khác cùng tham gia chẳng hạn. Vở đã đem đến cho khán giả những tác phẩm “đời” hơn, được xây dựng trên nền nhạc và vũ đạo hiện đại, dễ cảm hơn. Nhật Minh cho biết tương lai gần có thể sẽ tiếp tục “ra ngoài” để học hỏi và tham dự một số cuộc thi về chỉ huy để tích lũy kinh nghiệm.

Còn xa hơn thì: “Chữ “O” trong HBSO có nghĩa là opera (nhạc kịch). Lâu nay mình vẫn chưa có được những tác phẩm nhạc kịch mang tâm hồn Việt. Mong ước lớn nhất của Minh là có thể xây dựng được những tác phẩm nhạc kịch Việt ý nghĩa và hấp dẫn cho nhà hát” - anh phó trưởng đoàn nhạc kịch của HBSO Trần Nhật Minh chia sẻ. Và Minh lại tiếp tục với những câu chuyện về opera với đôi mắt rực sáng. Chợt thấy không chỉ có opera mà còn có vài chữ “O” khác thu hút, rất đáng trân trọng từ “đôi mắt” ấy: orchestral (thuộc về dàn nhạc), open-minded (tư tưởng phóng khoáng, cởi mở), optimistic (lạc quan)...

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên