Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn - Ảnh: T.T.D.
Có thể coi Trần Mạnh Tuấn là một trong những nghệ sĩ nhạc jazz tiên phong ở TP.HCM khi ngoài việc luôn xuất hiện trên sân khấu như một nghệ sĩ chơi nhạc jazz với chiếc kèn saxophone quen thuộc của mình, anh còn có riêng một jazz club tại trung tâm thành phố.
Trần Mạnh Tuấn trung thành với phong cách của mình, chỉ có jazz, có phá cách cũng đi từ ngẫu hứng của jazz mà thôi. Bởi thế mà Saigon Big Band với 20 thành viên đã ra đời, đang tập luyện hằng ngày, lịch biểu diễn ra mắt lẽ ra vào tháng 12 nhưng Nhà hát TP kín lịch nên phải dời sang ngày 17-1-2013.
Nhưng với Trần Mạnh Tuấn, câu chuyện đã không chỉ dừng ở nhạc jazz. Vì tinh thần sống lạc quan đến mãnh liệt của người đàn ông chỉ còn một mắt, một quả thận được ghép này... còn nhiều chuyện xúc động hơn.
Anh tôi là anh hùng
* Không chỉ chơi nhạc mà anh còn sáng tác, với “con mắt còn lại” anh có gặp khó khăn gì không?
- Từ bao năm nay, tôi chẳng cảm thấy vướng bận gì. Người ngoài có thể thấy tôi khiếm khuyết nhưng tôi thấy mình hạnh phúc và đủ đầy là được. Có những thứ người ta gọi là vận đen đủi, nó tự đến thì chấp nhận.
Khi tôi còn nhỏ - lúc 14 tuổi, mắt tôi bị nhiễm virút gì đó và y học chưa mấy tiến bộ nên mắt trái của tôi đã hỏng. Lúc đó tôi rất buồn, thấy mất cân bằng, thậm chí còn nghĩ không biết có sống được không, 45 ngày nằm viện sau đó toàn bị tiêm vào đáy mắt để giữ đồng tử.
Thế rồi cũng quen, cũng chấp nhận rằng cuộc sống như thử thách, lên lên xuống xuống. Khi những hoạn nạn đến cũng là lúc tôi thấy được tình cảm của mọi người với mình.
* Nhưng số phận thử thách anh không chỉ một lần...?
- Tôi phát hiện mình bị suy thận khi đang đi diễn ở châu Âu, vào cuối năm 2005, bác sĩ ở Đức bắt tôi điều trị gấp. Vì không có bảo hiểm ở nước ngoài nên tôi về VN và lọc thận trong tám tháng.
Trong tám tháng đó tôi vẫn đi diễn, vẫn làm việc nên rất ít người biết. Đến bệnh viện tôi thấy mình còn may mắn lắm. Như cái ống lọc máu của bệnh nhân nếu một vài lần mình thay thì máu mình sạch, chứ nhiều người không có tiền thay nên cứ lau tới lau lui rất tội nghiệp.
Rồi một cơ hội sống đến với tôi khi ông tổng lãnh sự Mỹ lúc đó ở TP.HCM đã giới thiệu tôi đến với một bệnh viện hàng đầu của Mỹ để mổ ghép thận vào tháng 1-2006. Người cho thận là anh trai tôi.
Tôi chẳng thuyết phục gì anh mình, gia đình tôi thương nhau lắm, cả nhà đã đi làm xét nghiệm để tìm ra ai là người có khả năng tương thích với tôi nhất thì ông anh tôi vừa khỏe mạnh vừa thích hợp và anh ấy tình nguyện cho tôi một quả thận ngay.
Tôi còn nhớ lúc trước khi phẫu thuật, hai anh em nằm trên hai cái cáng, bác sĩ hỏi anh tôi lần cuối: “Có thật ông muốn cho em trai ông quả thận không?”. Anh tôi đáp: “Tôi sang đây chỉ có một nhiệm vụ đó”. Và bác sĩ bảo anh tôi là anh hùng.
* Giáp mặt với “án tử” có thể xảy ra nếu ca phẫu thuật không thành công chẳng hạn, lúc đó anh nghĩ gì?
- Nghĩ nhiều nhất đến gia đình! Lúc tôi độc thân thì thế nào cũng được, nhưng giờ có gia đình rồi, hai đứa con quá nhỏ. Tôi biết tất cả mọi chuyện đều có thể xảy ra, có người chỉ mổ ruột thừa mà còn chẳng có cơ hội sống nữa là.
Trước khi mổ bác sĩ làm các xét nghiệm và tôi nhớ mình đã ký đến năm lần những cam đoan sẽ chịu trách nhiệm nếu tôi chết, mỗi lần ký như thế tôi lại thấy chột dạ. Nhưng rồi tôi nghĩ mọi cái có số rồi, tất nhiên trước khi bước vào cuộc đại phẫu như thế còn bao điều hối tiếc.
Tôi là người làm việc nhiều nên còn nhiều hoài bão. Gần 20 năm nay ngày nào tôi cũng thức dậy lúc 6h30 sáng kể cả đêm có thức khuya đến mấy nên công việc với tôi là tất cả. Nếu lỡ có chết, đương nhiên sẽ còn nhiều dự định dang dở lắm.
Nhất là bây giờ tôi đã có mọi thứ, có đến mức tôi nghĩ cái gì không làm được là do năng lực chứ không còn do thời gian hay tiền bạc chi phối nữa...
Trần Mạnh Tuấn trên sân khấu - Ảnh: GIA TIẾN
Tôi muốn kể về một thất bại
* Jazz - ít nhiều cũng là loại nhạc khá kén người nghe nhưng jazz của Trần Mạnh Tuấn thì không đến nỗi thế. Bằng cớ là anh đã đến gần công chúng bằng các bản nhạc Việt được chơi theo phong cách jazz. Để làm điều đó anh có phải “cố” không?
- Tự nhiên thôi, chẳng có gì gượng ép đâu. Tôi nghĩ chẳng nghệ sĩ nào có thể làm thứ âm nhạc giả dối được. Niềm yêu thích âm nhạc từ người nghệ sĩ được thể hiện bằng cảm xúc, tất cả những học vấn kỹ thuật chỉ là phương tiện.
Bất cứ khi nào tôi cũng cảm thấy mình thăng hoa khi chơi nhạc. Tôi nói có khi người ta cười chứ Trần Mạnh Tuấn có lẽ sinh ra chẳng biết làm gì ngoài âm nhạc. Tôi trân trọng sự rung cảm của tâm hồn và chắc chắn chỉ có bằng cách đó mới có thể có sức cuốn hút, có ấn tượng mạnh với người nghe.
* Có phải những thành công anh có được trong nghề nghiệp phần lớn nhờ anh được đào tạo ở Mỹ - cái nôi của nhạc jazz?
- 11 cái album, tôi đã làm tất cả từ sản xuất, biên tập, hòa âm, phối khí... Tôi đâu chỉ là một ông thợ kèn đâu? Nhưng tôi muốn kể về một thất bại, khi mới từ Mỹ về tôi hào hứng làm đĩa nhạc Lời ru mắt em - có cả Trần Thu Hà và Bằng Kiều hát.
Ỷ vào kiến thức đã học, tôi chỉ muốn khoe những kỹ thuật tiên tiến mà quên đi cảm xúc và tôi đã thất bại. Lời ru mắt em tôi in 2.000 đĩa mà tặng người ta mấy năm không hết, tặng ai họ cũng chỉ nghe một lần. Nhưng thất bại đó đâu chỉ là mất 10.000 USD ngày ấy?
Nó đã làm tôi hiểu mình là ai ngày hôm nay.
Sau đó khi làm đĩa Về quê, Hạ trắng thì tôi đã trung thành với cảm xúc của mình, đó là ngẫu hứng với jazz và tôi tin không có gì cũ, chỉ là chúng ta đặt vấn đề và trình bày ra sao mà thôi.
Tôi nhớ lúc đó chẳng bạn bè nào ủng hộ vì cho rằng tôi đã làm nhạc cũ nhưng không ngờ đĩa Về quê với phong cách smooth jazz lại thành công.
Tôi nhận ra những bản nhạc cũ là giai điệu quen nhưng hòa âm kiểu jazz là sự lạ. Tôi thấy mình đã tìm đúng chiếc chìa khóa để đi vào lòng công chúng nghe nhạc mà vẫn là jazz - là phong cách và đam mê của tôi.
Và Saigon Big Band - những gắn kết đam mê
* Saigon Big Band có phải là một “cú liều” nữa của Trần Mạnh Tuấn? Định nghĩa cách nào đây: là tham vọng, là đam mê hay chỉ là một cuộc chơi?
- Điểm lại cuộc đời tôi thấy tất cả những mong ước, ý nguyện mình đều thực hiện được, chỉ sớm hay lâu thôi.
Như khi mới vào TP.HCM, tôi băn khoăn sao TP lớn thế mà không có một jazz club nào thì rồi tôi đã có một jazz club, rồi tôi ước có studio riêng để bất cứ khi nào có xúc cảm, có sáng tạo không bị xếp đó chờ cơ hội thì tôi cũng đã có studio.
Khi đi diễn tôi lại thấy ở các thành phố văn minh nào trên thế giới cũng có dàn nhạc Big Band. Tôi lại ước... Chỉ là chờ thiên thời địa lợi nhân hòa và giờ là thời điểm tôi có: sự tin tưởng, tiềm lực tài chính.
Mừng nhất khi đồng nghiệp đều hưởng ứng bởi họ tin tôi đủ những yếu tố “cần”. Cần gì? Cần kiến thức để hiểu, cần quan hệ để chạy được, cần khả năng, cần cả tiền nữa. Hiện tại ban nhạc của tôi chỉ ràng buộc nhau bằng đam mê.
* Vậy khán giả sẽ được đón chờ phải không?
- Kế hoạch đầu tiên đã thương thảo xong là năm tới, mỗi sáng thứ bảy đầu tiên của tháng, Saigon Big Band sẽ có một buổi diễn 75 phút ngoài trời bên ngoài Nhà hát TP.
Khán giả sẽ được thấy những nghệ sĩ jazz đích thực biểu diễn kiểu đường phố. Rồi là dự định cũng mỗi tháng tại Nhà văn hóa Thanh niên sẽ có một buổi diễn miễn phí cho những người yêu jazz, đồng thời là buổi chia sẻ những hiểu biết, đam mê với jazz...
Và để sống, tất nhiên chúng tôi sẽ có các sô kiếm tiền khác để nuôi ban nhạc.
Tôi không nói trước nhưng tôi tin là nhiều tiềm năng. Tôi có niềm tin về sự thành công của Saigon Big Band.
Bạn thấy không, các giải Emmy, Grammy luôn có một dàn nhạc Big Band chơi. Một TP văn minh không thể thiếu một dàn nhạc giao hưởng và một ban nhạc Big Band.
Và tôi còn một ước muốn nữa, mở một phân khoa chuyên đào tạo nhạc nhẹ, nhạc jazz ở TP này, mà muốn thế chỉ mong mình còn sức khỏe...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận