27/03/2014 10:20 GMT+7

Tràn lan lao động "chui" Trung Quốc

SƠN BÌNH - VĂN ĐỊNH - NGUYỄN NAM - HÀ ĐỒNG
SƠN BÌNH - VĂN ĐỊNH - NGUYỄN NAM - HÀ ĐỒNG

TT - Hàng trăm lao động người Trung Quốc đang làm việc “chui” tại các dự án ở nhiều địa phương. Sau nhiều lần kiểm tra, cảnh cáo rồi xử lý các nhà thầu, tình trạng lao động không phép vẫn tiếp diễn.

CTeYsWX3.jpg
Lao động Trung Quốc làm việc tại Nhà máy ximăng Công Thanh, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: Hà Đồng

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh, hiện có 920 lao động, hầu hết là người Trung Quốc, đang làm việc tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Thế nhưng trong đó chỉ có 517 lao động được cấp giấy phép lao động, đang xin cấp giấy phép 165 lao động, miễn cấp giấy phép tám lao động và 230 lao động đang làm việc nhưng chưa được cấp giấy phép.

Nhà thầu Trung Quốc thuê công nhân Trung Quốc

Hôm 10-3, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trà Vinh Dương Quang Ngọc đã cùng đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra và phát hiện sự việc có hàng trăm lao động không có giấy phép lao động. Ngay sau đó sở đã có văn bản quyết định “Kể từ ngày 15-3-2014, tất cả lao động nước ngoài thuộc diện phải cấp phép lao động mà không có giấy phép lao động thì không được vào công trường Trung tâm Điện lực Duyên Hải làm việc”.

Thế nhưng vụ việc đã không được giải quyết dứt điểm như mong muốn của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh. Các cơ quan liên quan của tỉnh sau khi họp bàn đã chấp thuận chuyển sang hướng xử lý: “Thống nhất gia hạn thời gian hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp giấy phép cho 230 lao động người nước ngoài đang làm việc tại công trường đến ngày 15-5-2014”. Giải thích về việc thay đổi này, ông Ngọc cho rằng: “Áp lực thời gian hoàn thành công trình Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải đến cuối năm nay là phải vận hành thử nghiệm tổ máy số 1. Do đó nếu 230 lao động trên không được vào công trường sẽ gây khó khăn cho nhà thầu trong tiến độ thi công”! Ông Ngọc cũng cho biết thêm trong 230 lao động chưa có giấy phép thì phần lớn sang VN đều có visa làm công nhân nhưng vẫn có những trường hợp chỉ có visa đi du lịch.

Tại Thanh Hóa, nhà thầu Viện Nghiên cứu và thiết kế ximăng Hợp Phì (Trung Quốc) đưa 163 lao động Trung Quốc sang làm việc có thời hạn từ nay đến tháng 12- 2014 tại Nhà máy ximăng Công Thanh. Điều đáng nói là trong số 163 lao động này chỉ có 49 lao động có trình độ chuyên môn đại học trở lên đảm nhiệm các chức danh quản lý, giám sát của nhà thầu; còn tới 114 lao động kỹ thuật có kinh nghiệm năm năm trở lên đảm nhiệm vị trí công việc là thợ lái cẩu tháp (4 người), thợ hàn (20 người), thợ cơ khí (30 người), thợ lắp đặt thiết bị điện (60 người). Trong khi đó số lao động kỹ thuật này tại VN đều sẵn có nhưng nhà thầu Trung Quốc không tuyển dụng.

Chưa kiểm soát hết

Khi dự án Formosa triển khai tại Khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nhiều doanh nghiệp, nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu và kéo theo hàng nghìn lao động “chân tay” đi theo. Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng được tỉnh Hà Tĩnh ủy quyền cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Trong báo cáo ngày 19-3 về tình hình lao động nước ngoài của ban quản lý này thì hiện nay ở Khu kinh tế Vũng Áng có 3.730 người nước ngoài, trong đó 1.560 người được cấp giấy phép lao động, chủ yếu là người Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc sang VN bằng đường du lịch và sau đó ở lại làm thuê.

Ban quản lý này thừa nhận có một số khó khăn trong việc quản lý lao động nước ngoài như việc kiểm tra các nhà thầu là hết sức khó khăn bởi số lượng lao động đông, luôn biến động xuất nhập cảnh liên tục, tạm trú tại nhiều nơi khác nhau nên khó kiểm soát. Trong Khu kinh tế Vũng Áng đang triển khai nhiều dự án có quy mô lớn, các đơn vị chủ đầu tư chỉ kiểm soát được số lượng nhà thầu chính mà chưa kiểm soát được hết các nhà thầu phụ, vì vậy việc quản lý các nhà thầu còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, một số nhà thầu đã được các địa phương khác cấp giấy chứng nhận đầu tư, tiến hành các thủ tục về lao động nước ngoài tại tỉnh, thành phố khác, khi thực hiện gói thầu tại Khu kinh tế Vũng Áng không khai báo danh sách người nước ngoài đã gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước.

CFdvxlDR.jpg
“Chuyên gia” Trung Quốc đang lắp ráp giàn giáo tại dự án Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - Ảnh: Văn Định

“Chuyên gia”, “kỹ sư” ráp giàn giáo

Số lượng lao động Trung Quốc đổ về xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) để thi công công trình Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân trong những năm gần đây rất đông, biến nơi này thành “làng” Trung Quốc. Điều đáng nói là công nhân Trung Quốc gắn mác “chuyên gia”, “kỹ sư” nhưng rất nhiều người trong số đó lại làm công việc mang tính chất của lao động phổ thông. Trong khi đó, chính quyền huyện Tuy Phong chỉ có chức năng quản lý về mặt cư trú, giữ gìn an ninh trật tự. Còn Sở LĐ-TB&XH Bình Thuận chỉ kiểm tra được giấy phép lao động chứ không thể xử lý được các lao động phổ thông Trung Quốc gắn mác “kỹ sư” này.

“Mấy công việc bên trong nhà máy như bốc vác, đào hố, tháo dỡ giàn giáo người Trung Quốc đều làm hết. Họ cũng làm việc như lao động phổ thông người Việt nhưng lương được trả cao hơn rất nhiều” - Tân, một thanh niên địa phương, nói. Số lượng lao động Trung Quốc tại Vĩnh Tân mỗi năm một tăng rất nhanh. Nếu như đến tháng 7-2012 chưa tới 300 người thì đến tháng 12-2013 lên đến 610 người.

Tại công trường do nhà thầu Sơn Tây 3 (Trung Quốc) thi công ở Formosa, nhìn hàng chục lao động Trung Quốc đang ráp giàn giáo để đổ trụ bêtông, chúng tôi thấy bàn tay họ chai sần, người lấm lem, không giống lao động có bằng cấp hay kỹ thuật cao. Anh Hùng, công nhân VN, cho biết lao động Trung Quốc làm các việc như ráp giàn giáo, đóng cốt pha, uốn sắt... rất nhiều. “Công nhân Trung Quốc làm công việc giống như chúng tôi. Họ không phải kỹ sư hay có tay nghề cao mà vẫn được vào làm ở đây, không hiểu các cơ quan chức năng quản lý như thế nào?” - anh Hùng nói.

Lương cao gấp 3, 4 lần người Việt

Một bảo vệ của Công ty Bảo vệ Bình Thuận làm nhiệm vụ gác cổng trước Ban quản lý dự án nhiệt điện Vĩnh Tân cho hay mặc dù làm cùng tính chất công việc nhưng các “chuyên gia”, “kỹ sư” Trung Quốc lại được trả lương cao hơn hẳn công nhân người Việt. Ở công trường Formosa (Hà Tĩnh), tuy làm cùng một số công việc nhưng lương của công nhân Trung Quốc được trả cao gấp ba, bốn lần công nhân VN. Nguyên nhân vì lao động VN không được trực tiếp làm việc với nhà thầu chính mà phải làm việc qua nhà thầu phụ.

Ông Võ Văn Dội (phó chủ tịch UBND xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, Trà Vinh) cho biết trong những lần giải quyết một số vụ kiện tranh chấp, khiếu kiện về việc chậm hoặc không trả lương giữa nhà thầu và người lao động, ông đã phát hiện lương của lao động Trung Quốc được trả cao gấp năm, sáu lần lao động trong nước. “Có những công việc như nhau nhưng lao động nước ngoài lại được trả lương trên 1 triệu đồng/ngày, trong khi người lao động trong nước chỉ được trả 160.000-250.000 đồng/ngày” - ông Dội nói.

Không chấp nhận lao động phổ thông

Quy định hiện hành không chấp nhận tuyển dụng lao động phổ thông là người nước ngoài vào làm việc tại VN, nhưng nhiều năm nay rất nhiều lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Trung Quốc, vẫn làm việc tại các công trình, dự án ở VN. Ông Lê Quang Trung, phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết:

- Luật pháp về lao động tại VN, trong đó có nghị định 102 mới được ban hành và thông tư 03 hướng dẫn nghị định có hiệu lực từ ngày 1-3-2014, tiếp tục khẳng định: VN chỉ tuyển dụng các nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật. Các quy định cho đến nay luôn nhất quán VN không chấp nhận lao động phổ thông nước ngoài vào VN làm việc, kể cả các công việc cần chuyên gia, giám đốc điều hành hay lao động kỹ thuật, nếu người VN có thể đáp ứng được thì cũng phải tuyển lao động VN.

* Lý thuyết thì như vậy, tuy nhiên vẫn có nhiều lao động phổ thông nước ngoài vào VN làm việc không phép. Vậy cơ quan quản lý kiểm soát việc này như thế nào, thưa ông?

- Việc cấp phép cho lao động nước ngoài hiện nay được phân cấp cho các địa phương. Cụ thể trong thông tư 03 đã ghi rõ quy trình, trách nhiệm của các sở LĐ-TB&XH, trách nhiệm của chủ tịch tỉnh. Chủ tịch tỉnh chấp thuận việc sử dụng lao động nước ngoài của các chủ đầu tư, nhà thầu, chỉ đạo các cơ quan cung ứng lao động cho các nhà thầu, chủ đầu tư, tăng cường quản lý lao động trên địa bàn. Các sở lao động cấp giấy phép lao động, sau đó thông báo với cơ quan công an về những trường hợp lao động nước ngoài được cấp phép để cùng phối hợp quản lý.

* Có tình huống địa phương “vượt rào” cấp phép cả cho lao động phổ thông vào làm việc để có sự hài lòng của chủ đầu tư, nhà thầu không?

- Chắc chắn sẽ khó có trường hợp này bởi để cấp phép cho lao động nước ngoài, người lao động cần đáp ứng đủ các giấy tờ để chứng minh họ là lao động kỹ thuật hoặc chuyên gia, lãnh đạo và tất cả đã thành quy trình. Ví dụ như trong hồ sơ cấp phép yêu cầu người lao động cần có lý lịch tư pháp của người lao động trong thời gian người lao động ở nước ngoài và ở VN nếu có cư trú tại VN. Thiếu các giấy tờ này thì không thể cấp phép được. Trong trường hợp cấp phép sai thì cơ quan nào cấp phép sai phải chịu trách nhiệm.

* Nhưng ông lý giải ra sao về tình trạng vẫn có nhiều lao động phổ thông đang làm việc tại các công trình, dự án như tình trạng ở Trà Vinh, Hà Tĩnh... dù pháp luật không cho phép?

- Hiện tại người nước ngoài vào VN theo đường hàng không, đường bộ và số liệu này do Cục Xuất nhập cảnh quản lý. Người nước ngoài vào VN có rất nhiều mục đích và cũng không loại trừ trường hợp họ vào với mục đích khác nhưng trốn ở lại để lao động. Họ có cơ hội lao động là do ý thức chấp hành pháp luật của chủ đầu tư, chủ sử dụng lao động kém. Những trường hợp này khi phát hiện thì trục xuất ngay. Để phát hiện, yêu cầu trách nhiệm rất lớn của các địa phương, trong đó có lãnh đạo địa phương, cơ quan công an để quản lý lao động nước ngoài và bảo vệ việc làm cho người lao động của địa phương.

TÂY GIANG - LAN ANH thực hiện

SƠN BÌNH - VĂN ĐỊNH - NGUYỄN NAM - HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên