Phóng to |
Cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý việc sản xuất gas giả tại cơ sở Hoàng Linh - Ảnh: Minh Đức |
Theo Hiệp hội Gas VN, tính đến thời điểm này các doanh nghiệp gas đầu mối trong cả nước đã cung cấp ra thị trường khoảng 10 triệu vỏ bình gas. Khoảng 300.000-400.000 vỏ bình gas này rơi vào tay các cơ sở sang chiết gas lậu.
Niêm phong bình gas bằng... nước sôi!
Ngày 15-12, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Long An cùng đội quản lý thị trường cơ động thuộc Chi cục Quản lý thị trường Long An “đột kích” cơ sở sang chiết gas Hoàng Linh (ấp Mỹ Liên, huyện Bến Lức, Long An) - chi nhánh của Công ty TNHH TM-DV Hà Linh - và bất ngờ phát hiện quy trình sản xuất gas cực kỳ... thủ công.
Một cán bộ tham gia đợt “đột kích” này cho biết bình gas của bất cứ đơn vị nào, còn hạn hay hết hạn kiểm định, đều được nhân viên của công ty cho nạp gas. Đặc biệt, để sản phẩm giống như hàng chính hãng, trạm chiết Hoàng Linh có hàng loạt loại niêm màng co giả. Sau khi sang chiết xong, nhân viên công ty chụp niêm giả (chỉ là miếng nilông in tên các thương hiệu công ty) của hãng, sau đó... đổ nước sôi vào cho niêm màng co lại!
Ngoài cơ sở Hoàng Linh, mới đây quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt quả tang cơ sở LPG gas Kim Hạnh (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) chiết nạp gas lậu. Khi các cán bộ quản lý thị trường ập vào, cơ sở này đang chiết và trữ trái phép 888 bình LPG của 42 nhãn hiệu khác nhau (PM gas, V gas, Saigon gas, Shell gas, MK gas...), hầu hết đều không có hợp đồng nạp LPG với cơ sở này. Ngoài ra, quản lý thị trường còn phát hiện hơn 1.800 niêm màng co của 20 nhãn hiệu gas khác nhau, 137 tem chống hàng giả... |
Hầu hết thương hiệu gas như Saigonpetro, H.gas, Shell gas, Total gas, Petrolimex gas... đều có mặt, trong đó gần 100 bình gas của 11 hãng đã được đơn vị này nạp đầy gas. Cơ quan chức năng cũng phát hiện hàng loạt niêm giả của hơn chục thương hiệu gas trong nước, tạm giữ hơn 350 bình gas các loại và tạm đình chỉ hoạt động của chi nhánh Hoàng Linh để tiếp tục điều tra làm rõ.
Ông Huỳnh Văn Hữu, đội trưởng đội quản lý thị trường cơ động Long An, cho biết tại thời điểm kiểm tra, đơn vị chưa xuất trình được giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh gas (chỉ xuất trình được bản photocopy). Còn theo hợp đồng kinh doanh, đơn vị này chỉ có chức năng sang chiết gas cho hai thương hiệu MT gas và Vinashin gas. Đơn vị này không có giấy tờ liên quan đến việc tập huấn an toàn phòng cháy chữa cháy.
“Bơm gas” giả: bình thường thôi
Ông Phạm Đức Long (xã Đông Thạnh, Hóc Môn, TP.HCM) - người chuyên thuê cơ sở Hoàng Linh sang chiết gas lẻ - cho biết gần hai tháng nay ông đứng ra thu gom bình gas trôi nổi của các cửa hàng để đem đi chiết nạp tại đây với giá 253.000 đồng/bình về bán cho các cửa hàng kinh doanh gas tại quận 10, Bình Tân, huyện Bình Chánh (TP.HCM) với giá 277.000 đồng/bình 12kg.
Theo thông tin cung cấp cho cơ quan chức năng, ông Long thừa nhận bản thân ông không có giấy phép kinh doanh ngành gas, nhưng trung bình mỗi ngày ông Long đem 60-70 bình đến đây sang chiết rồi bỏ mối lại. Không chỉ tổ chức sang chiết và cung cấp cho các đầu mối với số lượng lớn, trạm chiết gas Hoàng Linh cũng cho biết đã sang chiết lẻ cho người dân quanh khu vực khi có yêu cầu.
Anh Trần Minh Tân, đại diện bán hàng hãng Vinagas, cho biết trong 12 bình gas 12kg của công ty bị sang chiết lậu tại cơ sở này có đến tám bình gas đã quá hạn kiểm định. Đặc biệt có những bình gas được sản xuất từ năm 2002 đến nay nhưng vẫn được sử dụng để chiết nạp mà không hề được đem kiểm định.
“Việc này rất nguy hiểm đối với người sử dụng, vì những bình gas khi lưu thông trên thị trường quá lâu sẽ khó tránh khỏi những va đập, gỉ sét nên không đảm bảo chất lượng, rất dễ bị xì gas gây cháy nổ” - anh Tân cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện MT gas và Vinashin gas đều cho biết có thuê cơ sở Hoàng Linh sang chiết gas cho đơn vị mình, nhưng không biết cơ sở này còn sang chiết gas lậu của các thương hiệu khác. “Chúng tôi kiểm soát rất chặt chẽ số lượng gas và bình gas trong hợp đồng với Hoàng Linh, còn việc đơn vị này sang chiết lậu các thương hiệu khác chúng tôi không có chức năng kiểm soát...” - ông Nguyễn Quang Trung, giám đốc Công ty MT gas, cho biết.
Nhằm đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trong kinh doanh các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng - trưởng ban chỉ đạo 127 trung ương - đã chỉ đạo các cơ quan chức năng từ tháng 1-2012 đồng loạt kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng (gas) trên toàn quốc. Theo đó, sẽ có nhiều bộ, ban ngành được yêu cầu phối hợp công tác này, trong đó Bộ Khoa học - công nghệ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng sản phẩm của mặt hàng xăng dầu, gas. Bộ Công an kiểm tra việc thực hiện quy định về phòng cháy chữa cháy, an toàn phòng chống cháy nổ, tập trung phát hiện và triệt phá các đường dây, tụ điểm có hành vi vi phạm như sang chiết nạp gas trái phép, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bộ Công thương cũng đồng thời thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng. * Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) vừa có văn bản gửi Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM yêu cầu xem xét hành vi vi phạm của 11 doanh nghiệp bán xăng dỏm bị phát hiện. Đặc biệt, cục yêu cầu từ các doanh nghiệp vi phạm trên, Chi cục Quản lý thị trường TP phải kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp xăng dầu như tổng đại lý, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhằm phát hiện các hành vi vi phạm về chất lượng, các hành vi vi phạm khác và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường yêu cầu xem xét vụ việc nếu có đủ yếu tố thì chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự. Cục yêu cầu chi cục triển khai ngay việc xử phạt theo quy định và xem xét khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự, báo cáo kết quả về cục trước ngày 20-12. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận