Xoay quanh vấn đề này, Tuổi Trẻ Online có cuộc trao đổi với anh Trần Đặng Đăng Khoa (quê Tiền Giang) - người Việt đầu tiên đi khắp 5 châu lục bằng xe máy, và hiện anh đang thực hiện hành trình vòng quanh thế giới bằng ô tô.
Theo anh Khoa, người dùng mạng xã hội chỉ nên quan tâm việc của bản thân, không nên can dự hoặc tranh luận quá sâu vào chuyện không liên quan hay ảnh hưởng trực tiếp tới mình.
Thể hiện cái tôi trên mạng, được gì không?
* Chào anh Khoa. Là người thường dùng các nền tảng mạng xã hội và có lượng tương tác khá cao, anh có nhận thấy nhiều người hiện nay có vẻ quá nóng nảy, vội vã khi chửi bới ngập tràn trên mạng, bất kể có phải chuyện của mình hay không?
- Trước khi có Internet, một chuyện nào đó dù tốt hay xấu, đúng hay sai thì chỉ một nhóm nhỏ người biết tới. Còn từ lúc Internet bùng nổ, bất kể vấn đề gì đưa lên mạng thì câu chuyện "tam sao thất bản" đó lan truyền khắp nơi, chưa được kiểm chứng thực hư nhưng nhiều người vẫn bất chấp chửi bới ngập tràn mạng xã hội.
Có nhiều người muốn tỏ ra khác biệt, thu hút sự chú ý thì họ thường nói ngược lại những điều đã được chứng minh, hoặc thích tham dự vào chuyện không liên quan gì tới mình để thể hiện tiếng nói trong xã hội. Đó có thể là cách để họ trồi lên một chút trên mạng xã hội, hoặc đơn giản là thích thì chửi cho bõ ghét.
Tôi từng trải qua cảm giác bị tấn công trên mạng xã hội ở một số chuyện. Chẳng hạn có quản trị viên của một group lấy bài báo viết về tôi để ta thán, đăng tải trên group của họ mà không ghi nguồn. Nhiều người tưởng tôi tự làm điều đó nên vào chửi bới tôi rất nhiều, nhưng thật sự mình chỉ là nhân vật trong bài báo phỏng vấn.
* Theo Khoa, vì sao nhiều người, nhất là người trẻ tuổi, cứ lên mạng một chút là nổi nóng? Sau những cuộc đấu khẩu trên mạng do thiếu bình tĩnh, hệ lụy sẽ là gì cho cả đôi bên?
- Đôi khi những bạn trẻ chưa trải nghiệm nhiều, chỉ nghĩ rằng thích thì nói, chửi xong rồi thôi nhưng không biết hành động của mình có thể mang tới hậu quả.
Bằng chứng là nhiều người lên mạng nói xấu các công ty hoặc chửi bới người khác, khi đi xin việc, nhà tuyển dụng nếu tìm hiểu, biết được người này thường có những hành vi không tốt trên mạng thì chẳng ai muốn nhận vào làm.
Ngoài ra, bạn bè hay đồng nghiệp của người này cũng sẽ khó chịu và không muốn tiếp xúc, làm việc cùng.
Đừng nghĩ mạng xã hội là ảo nên lên mạng nói gì cũng được. Đó là một không gian khác, nhưng không tách rời với cuộc đời thực.
Nhiều bạn vị thành niên dành nhiều thời gian cho mạng xã hội và thích thể hiện cái tôi trên mạng một cách bốc đồng, có thể hiểu đó là tính cách và cũng do tuổi đời còn quá trẻ. Nhưng điều buồn cười là một số người đã lớn tuổi, trưởng thành rồi nhưng cách nói chuyện, hành vi vẫn thể hiện tích cách bốc đồng, hở chút là nổi nóng và thách đấu nhau trên mạng.
Giống như việc lỡ va quẹt ngoài đường khi xe cộ đông đúc là điều bình thường, nhưng có người lại chọn làm to chuyện, gây gổ, đánh nhau. Nhiều người bây giờ thường bị vấn đề cái tôi quá lớn, sợ xã hội đánh giá nên lúc nào cũng phải thể hiện bản thân trong lời nói, hành động từ mạng xã hội đến đời thực.
* Những người từng tiếp xúc với Khoa nhận thấy anh là người rất điềm tĩnh, chuyện lớn hóa chuyện nhỏ. Nhưng khi còn trẻ hơn, anh có nghĩ mình nóng tính không, có bao giờ phản ứng vội vã trước một mâu thuẫn nào đó?
- Hồi nhỏ tôi cũng nóng tính chứ. Nhưng do lúc tôi còn nhỏ hay lớn hơn một chút thì mạng xã hội chưa mạnh như bây giờ nên nhiều khi cái nóng nảy của mình cũng chưa có dịp bột phát trên mạng. Còn bây giờ khi đã ở tuổi trung niên, trải qua nhiều thứ nên mình cũng kiềm chế được cái nóng nảy đó.
Nhưng cái này cũng còn tùy tính cách mỗi người. Tôi thì chỉ tin vào những gì mình chứng kiến qua bao chuyến đi, hay trong cuộc sống, hiểu nó thế nào. Tôi chọn lọc để lắng nghe và tranh luận nếu cần thiết với những người giỏi và biết nhiều hơn mình trong một mảng nào đó.
Ví dụ trong chuyện đi du lịch, tôi thường chỉ nghe lời những bạn đã đến đó rồi, đi nhiều và biết nhiều hơn mình. Còn lại thì không có nhu cầu phản biện ý kiến trái chiều, muốn kiếm chuyện hoặc dẫn dắt mình vào những tranh luận không có hồi kết bằng kiến thức mà họ chỉ nghe đâu đó chứ không có trải nghiệm.
Đừng biến mạng xã hội thành nơi của bạo lực và rủi ro
* Các chuyến đi xa, gặp nhiều người lạ, va chạm cũng không ít đã giúp Khoa trở nên điềm tĩnh hơn như thế nào?
- Những chuyến đi xa, trải nghiệm nhiều thì tôi biết được là mỗi người sẽ luôn có quan điểm riêng.
Suy nghĩ và hành động sẽ được định hình qua môi trường sống, qua nền văn hóa, những người mà họ tiếp xúc nên tôi thấy bình thường, mình cũng tôn trọng khác biệt đó thôi.
Tôi học được câu người ta thường nói là hạnh phúc trong cuộc đời là sau một ngày về lại nhà được ngồi trên chiếc xe, ở không gian của mình và chỉ nên quan tâm chuyện của bản thân. Còn chuyện không liên quan hay ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, quyền lợi của mình thì đừng để tâm.
Tôn trọng sự khác biệt trong suy nghĩ, quan niệm của người khác. Một việc nào đó khi diễn ra trên mạng, mình chỉ nên âm thầm quan sát và kiểm chứng lại sau, không nên can dự hoặc tranh luận quá đà.
* Anh có lời khuyên gì trong việc giữ bình tĩnh khi tham gia các mạng xã hội?
- Dành ít thời gian trên mạng thôi, nói những việc cần nói và chia sẻ những giá trị tích cực, vui vẻ vì mạng xã hội đã đầy rẫy những tiêu cực rồi. Đừng tranh luận nếu không biết rõ chủ đề đó, để tránh tranh cãi không đáng có. Mình là người thật việc thật thì không cần cãi nhau mất thời gian với người núp phía sau một tài khoản ảo với mục đích gây hấn, công kích, xong chuyện rồi chẳng ai biết họ là ai.
Đọc cuốn Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang, tôi cũng đồng cảm. Tham gia vào mạng xã hội sẽ phải chấp nhận nó là một phần của cuộc chơi, có tích cực xen lẫn tiêu cực. Nhưng nếu biết cách sử dụng đúng đắn để phục vụ công việc và nhu cầu giải trí thì sẽ cảm thấy thoải mái.
* Khoa có đặt ra nguyên tắc nào cho bản thân khi sử dụng mạng xã hội?
- Không hẳn là nguyên tắc, nhưng tôi không tranh cãi với những người mà mình thấy họ không nắm rõ vấn đề hoặc chuyện không liên quan tới mình. Cơ bản là tôi không tranh luận trên mạng, có gì thì gặp để bàn luận riêng, chứ không đem vấn đề mình gặp đưa nó cho mọi người giải quyết.
Cá nhân tôi khi dùng mạng xã hội thì xem đó là nơi mình truyền đi năng lượng tích cực, kiến thức tốt, mang lại những điều hay ho, vui vẻ cho mọi người, chứ không muốn là nơi để tranh cãi, đấu tố nhau.
Tôi chỉ theo dõi những group hoặc bạn nào có chuyên môn, hiểu biết về mảng mình quan tâm. Thời sự nóng trên mạng xã hội thì tôi chỉ tham gia vấn đề nào có tính chất xây dựng, bàn luận. Còn câu chuyện đưa lên nhằm hạ bệ, chửi mắng hoặc chụp mũ nhau thì nên lướt qua, vì nếu quan tâm cũng chẳng được lợi gì hay đi đến đâu.
Bạn có đặt ra nguyên tắc nào cho bản thân khi sử dụng mạng xã hội? Mời bạn chia sẻ bí quyết, câu chuyện của mình hoặc người thân quen để lan tỏa lối sống tích cực, trở thành người dùng khôn ngoan trên môi trường Internet. Email xin gửi về [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận