25/07/2014 11:30 GMT+7

"Trận chiến ngày ấy không thể mờ"

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Biết tôi chuẩn bị lên Lạng Sơn, biên giới phía Bắc, trước chuyến đi đại tá Đỗ Phấn Đấu, chính ủy Đoàn kinh tế quốc phòng 337 (trước đây là sư đoàn 337), bảo: “Lên đó rồi thì cố lên đồi Pa Pách thắp hương cho anh em liệt sĩ 337. Nếu được thì đi tìm ngọn đồi mang tên Vi Văn Thắng nhé”.

EIsGLVtl.jpgPhóng to
Miếu thờ do người dân xã Hồng Phong dựng lên bên bãi đất nơi ngày xưa chôn cất tạm thời các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược - Ảnh: Ngọc Quang

Đồi Pa Pách là nơi diễn ra cuộc chiến khốc liệt. Nơi đó, những tên tuổi liệt sĩ còn khắc ghi trong lịch sử sư đoàn như trung đội trưởng Trần Minh Lệ của đại đội 9, tiểu đoàn 3, trung đoàn 4. Còn Vi Văn Thắng là liệt sĩ của trung đoàn bộ binh 197 thuộc sư đoàn 337, sau khi hi sinh tên anh được người dân đặt cho một ngọn đồi ở bản Cỏn Làng, xã Hồng Phong (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) - nơi anh ngã xuống.

Hai năm trước, dịp tháng 7-2012, khi sư đoàn 337 tổ chức khánh thành nhà bia chiến thắng của đơn vị trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, tưởng niệm các liệt sĩ sư đoàn hi sinh ở khu vực cầu Khánh Khê trên sông Kỳ Cùng, đại tá Đỗ Phấn Đấu đã đọc một bài văn tế. Trong bài văn tế ấy, tên tuổi những người lính sư đoàn 337 hi sinh đã vang lên oai linh giữa núi rừng biên ải:

“Máu xương các anh không hề uổng, bia ghi công đây sáng từng dòng.Trận chiến ngày ấy không thể mờ, chuyện năm xưa đã tạc vào sách sử.Tổ quốc vẫn khắc ghi:Trần Minh Lệ dũng lược ngoan cường, cùng trung đội đập tan 18 đợt tiến công của địch, giữ chốt mấy ngày đêm.Lịch sử mãi lưu truyền:Vi Văn Thắng táo bạo kiên gan, hết đạn vẫn giương lê tả xung hữu đột khiến quân thù khiếp sợ.Đất Hồng Phong đời đời ghi nhớ chiến công. Rừng Bình Trung mãi mãi tri ân liệt sĩ”.

TaXTP8DS.jpgPhóng to
“Tại mảnh đất này, cuối tháng 2 đầu tháng 3-1979, sư đoàn 337 cùng quân dân tỉnh Lạng Sơn đã chặn đứng và đánh bại quân xâm lược, lập chiến công vẻ vang trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới quốc gia”. (Lời ghi tại Nhà bia chiến thắng sư đoàn 337 trên đồi Pa Pách) - Ảnh: N.Quang

Thượng úy Nguyễn Đức Quý, trinh sát của Tỉnh đội Lạng Sơn, đưa chúng tôi ngược từ thành phố lên hướng Đồng Đăng, gần biên giới Việt - Trung rồi từ đó rẽ trái theo quốc lộ 1B vào huyện Văn Lãng. Đã 35 năm trôi qua kể từ tháng 2-1979, khi “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”. 35 năm, bao nhiêu vật đổi sao dời, sư đoàn 337 được mệnh danh là “Cánh cửa thép Lạng Sơn” những năm 1979-1980 khốc liệt ấy nay đã trở thành “Đoàn kinh tế quốc phòng 337” đứng chân tại miền tây Quảng Trị. Nhiều lần đi về với vùng đất miền tây quê nhà, tôi vẫn ghé vào doanh trại của đoàn, hay gặp những người lính của sư đoàn 337 năm nào đang tận tụy giúp người dân Vân Kiều, Pa Kô ở vùng cao Hướng Hóa thay đổi tập quán sản xuất. Cuộc sống thật bình yên khi những người lính sát cánh cùng người dân lo phát triển kinh tế, nhưng với những cựu chiến binh sư đoàn 337, những anh linh đồng đội nằm lại chốn biên cương phía Bắc luôn tha thiết giữa cõi lòng.

"Trần Minh Lệ đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng và anh dũng hi sinh. Đối phương tuy chiếm được cao điểm nhưng chúng phải trả một giá rất đắt. Tấm gương hi sinh anh dũng của Trần Minh Lệ là động lực cổ vũ, khích lệ to lớn với cán bộ chiến sĩ sư đoàn bám trụ chiến đấu tiêu diệt địch, bảo vệ chốt"

Giờ chúng tôi đang đứng trên đồi Pa Pách. Gió từ các lũng núi đá hun hút lồng lên buốt giá. Trên điểm cao này, tầm mắt bao quát cả một chặng quốc lộ 1B băng qua sông Kỳ Cùng bằng cây cầu Khánh Khê nổi tiếng. Cây cầu Khánh Khê mới giờ xây dịch lên so với cây cầu cũ chừng 300m, nhưng chỗ vị trí phía bắc cây cầu cũ vẫn còn dấu tích của một tấm bia kỷ niệm. Mấy năm trước, bức ảnh chụp tấm bia ximăng ở đầu cầu Khánh Khê này từng khiến dư luận xôn xao bởi dòng chữ khắc trên bia: “Nơi đây sư đoàn 337 đã đánh bại và chặn đứng quân Trung Quốc xâm lược” đã bị đục bỏ mất mấy chữ “quân Trung Quốc”.

Tháng 2-1979, khi tấn công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, ở địa bàn này quân Trung Quốc đã tìm mọi cách vượt qua cầu Khánh Khê, băng qua sông Kỳ Cùng để vu hồi về phía đèo Sài Hồ và Đồng Mỏ, từ đó bao vây thị xã Lạng Sơn. Cuộc chiến đấu chặn địch trên hướng này của sư đoàn 337 khó mà kể hết trong một bài báo nhỏ, chỉ biết rằng địch không thể xuyên thủng “cánh cửa thép” của sư đoàn 337 nhưng hàng trăm chiến sĩ đã ngã xuống khi bảo vệ phòng tuyến này. Những người lính đã tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc những năm tháng ấy khó có thể quên những trận đánh với chiến thuật “biển người” của quân Trung Quốc. Điểm cao 649 mà trung đội Trần Minh Lệ đóng chốt cũng vậy. Suốt cả ngày

28-2-1979, địch dùng hơn một tiểu đoàn tấn công nhằm chiếm cao điểm này nhưng đều bị đánh bật. 5g sáng hôm sau (1-3-1979), chỉ một trung đội chọi với một tiểu đoàn nhưng anh em chiến sĩ trung đội 1 đã ngoan cường đẩy lùi 18 đợt tấn công. Lệ vừa chỉ huy đưa anh em thương binh, liệt sĩ về tuyến sau vừa cùng anh em còn lại trong trung đội phản kích địch, giữ vững cao điểm đến chiều tối. Mặc dù chiếm được cao điểm 649 nhưng địch vẫn không chọc thủng được phòng tuyến sông Kỳ Cùng. Trước khi rút lui, để chặn sự truy kích của quân ta, địch đã đặt bộc phá giật sập cầu Khánh Khê.

Cuộc chiến ở Khánh Khê chỉ diễn ra chưa đầy ba tuần với sư đoàn 337 nhưng đã có hơn 650 cán bộ chiến sĩ hi sinh.

Nghĩa trang tạm của những người lính

Chúng tôi lên một ngọn đồi nằm cạnh Nhà máy ximăng Hồng Phong của xã Hồng Phong bên đường 1B. Theo con đường mòn ngoằn ngoèo lên một mái đồi, theo hướng tây bắc, đó là trận địa mà tiểu đội trưởng Vi Văn Thắng hi sinh. Ngọn đồi đó nay dân không còn ở, nhưng những người lính của trung đoàn 197 thuộc sư đoàn 337 đã tham chiến tại đây thì không thể quên câu chuyện về Vi Văn Thắng, người con dân tộc Tày quê ở Lộc Bình (Lạng Sơn).

Thật bất ngờ, khi tìm đường lên cao điểm Vi Văn Thắng hi sinh, chúng tôi đi ngang một bãi đất mọc đầy dứa dại và chi chít miệng hố. Vợ chồng anh Dương Công Đính, người Tày sống cạnh đó, bảo đây là “bãi ông Chinh”, “Chinh nào?” - chúng tôi hỏi lại. “Lê Đình Chinh ấy”. Hóa ra đây cũng là khu vực thuộc xã Hồng Phong, ngày 25-8-1978 Lê Đình Chinh bị quân Trung Quốc sát hại tại cửa khẩu Hữu Nghị. Anh là người chiến sĩ đầu tiên hi sinh trên mặt trận biên giới phía Bắc và được an táng tại bãi đất ở xã Hồng Phong này, mấy năm sau đồng đội mới đưa anh về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Cao Lộc (Lạng Sơn). Đến tháng 1-2012, hài cốt Lê Đình Chinh mới được đưa từ Cao Lộc về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, quê nhà Thanh Hóa.

Chị Đính kể cả bãi đất này vốn là nơi chôn cất các liệt sĩ tạm thời khi hi sinh, rồi sau đó các đơn vị, người nhà tìm lên đây cất bốc, quy tập. Cho dù những liệt sĩ đã được quy tập đi nơi khác thì dân nơi đây vẫn xây một miếu thờ nhỏ nấp dưới tán rừng thông, những ngày rằm, dịp tết... hương khói cho những người ngã xuống. Dù đã 35 năm rồi nhưng giữa lòng dân, chưa khi nào các anh bị lãng quên!

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên