Kỳ 1: Kỳ 2:
Phóng to |
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc (Ảnh tư liệu, trái) và Đại tá Robin Olds - Ảnh: nationalmuseum.af.mil |
Huyền thoại Nguyễn Văn Bảy A
Sau khi cất cánh, biên đội MiG-17 được dẫn bay hướng 360 độ, lên độ cao 3.500m, bay vào khu vực Nam Bình Gia - Bắc Sơn 15km rồi hướng về phía Bắc Kạn. Khi biên đội MiG-17 đang vòng về hướng 360 độ thì phát hiện mục tiêu phía trái, cự ly 5.000m.
Trận không chiến giữa MiG-17 và F-4C của không quân Mỹ diễn ra trong vòng 5 phút, các phi công Lưu Huy Chao và Nguyễn Văn Bảy A mỗi người bắn rơi một chiếc. Phi công Nguyễn Văn Bảy A bắn rơi chiếc F-4C do thiếu tá John Roberton điều khiển. Đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy A bắn rơi.
Đại tá, phi công Nguyễn Văn Bảy A sinh năm 1936 tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ông gia nhập quân đội năm 1954 khi mới 18 tuổi, tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneve năm 1954. Được chọn đi học lái máy bay MiG-17 tại Trường Không quân Trung Quốc, Nguyễn Văn Bảy A tốt nghiệp về nước năm 1964 và bắt đầu tham gia trực chiến từ ngày 14-5-1965. Trận xuất kích chiến đấu đầu tiên của Nguyễn Văn Bảy A là ngày 7-10-1965. Trong cuộc chiến với không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, phi công Nguyễn Văn Bảy A đã xuất kích 94 lần, 13 lần nổ súng và bắn rơi bảy máy bay Mỹ mà không bị bắn rơi một lần nào (tỉ số 7-0). Trong trận không chiến ngày 26-4-1966, Nguyễn Văn Bảy A đã bắn rơi chiếc F-4C của thiếu tá John Roberton, chỉ đúng một tuần sau khi trung úy Bảy A trẻ tuổi cưới vợ.
Nguyễn Văn Bảy A được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967. Sau chiến tranh, đại tá, phi công Nguyễn Văn Bảy A đã nghỉ hưu và sống tại huyện Lai Vung, Đồng Tháp. Với chòm râu bạc như một nông dân Nam bộ, hằng ngày chăm sóc ruộng vườn, không ai nghĩ rằng lão nông rất khiêm nhường này từng là phi công huyền thoại, một “ách” (ace - thuật ngữ chỉ những phi công ưu tú, bắn rơi nhiều máy bay đối phương) của không quân Việt Nam.
Trận đấu của ba “ách”: Ngân, Cốc và Robin Olds
Ngày 4-5-1967, Bộ Tư lệnh không quân nhận định nhiều khả năng không quân Mỹ sẽ đánh các mục tiêu quanh Hà Nội và các sân bay nên đã giao nhiệm vụ chiến đấu cho hai trung đoàn 921 và 923. Biên đội Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Văn Cốc cất cánh từ sân bay Nội Bài chặn đánh tốp F-105 và F-4 từ xa, ngoài vòng hỏa lực pháo và tên lửa trên bầu trời Nghĩa Lộ - Tam Đảo
Sau khi cất cánh, biên đội vòng trái đi hướng 350 độ. Khi biên đội đang bay trên độ cao 2.000m, ngang Tam Đảo, số 1 phát hiện tốp máy bay Mỹ bay vào bao gồm 12 chiếc F-105 và tám chiếc F-4 vừa bay hộ tống vừa làm nhiệm vụ tấn công. Chỉ huy là đại tá Robin Olds - một “ách” nổi tiếng của không quân Mỹ
Ba biên đội bốn chiếc F-105 bay theo đội hình bàn tay xòe ở cự ly 7km. Số 1 Phạm Thanh Ngân lệnh cho số 2 Nguyễn Văn Cốc tăng lực, lao vào công kích, riêng Ngân bám theo chiếc F-105 bay bên trái. Đến cự ly thích hợp, âm lượng đầu tên lửa nghe kêu tốt, Ngân ấn nút phóng một quả R-3S. Ngay khi đang thoát ly, Ngân nghe thấy số 2 Cốc hô: “Cơ động trái gấp”, Ngân lập tức cơ động vòng trái. Sau đó khi quay lại, Ngân phát hiện thêm ba chiếc máy bay đối phương, anh quyết định cắt bám theo ba chiếc này, đến cự ly 1.200-1.500m, Ngân đã phóng quả tên lửa thứ hai hạ một chiếc F-105.
Riêng phi công Nguyễn Văn Cốc, khi đang vòng trái bám theo yểm hộ số 1, phát hiện phía sau có bốn chiếc F-4 đang bám theo, anh nhắc số 1 cơ động trái gấp, đồng thời Cốc cũng ép cần lái vòng trái gấp để bám theo. Nhưng ngay lúc đó, Cốc nghe tiếng nổ lớn phía sau, đoán bị trúng tên lửa không đối không của F-4 phóng ra, anh quyết định về hạ cánh trực tiếp tại sân bay Nội Bài. Nhưng biết không thể hạ cánh trên đường cất cánh được, anh quyết định kéo máy bay lên trên 100m rồi nhảy dù an toàn xuống gần đài xa sân bay, máy bay rơi xuống cách đó 500m.
Các tình tiết của trận không chiến (thời gian, địa điểm góc tiếp cận...) cho thấy chiếc F-4C đã phóng tên lửa về phía chiếc MiG của Nguyễn Văn Cốc là do đại tá Robin Olds điều khiển. Robin Olds phóng hai quả tên lửa AIM-7 và hai quả AIM-9 về phía chiếc MiG của Cốc nhưng đều không trúng, đến quả AIM-9 tiếp theo thì nổ phía dưới đuôi đứng chiếc MiG chỉ khoảng vài mét.
Nhớ lại trận này, phi công Nguyễn Văn Cốc kể:
“Trận ngày 4-5-1967 tôi và anh Ngân cất cánh, vừa ra khỏi mây thì phát hiện tốp F-4, anh Ngân số 1 hô vứt thùng dầu phụ, vào công kích. Hôm đó trời nhiều mây, tôi giữ đội hình hơi xa, khi vừa ra khỏi mây, nghe tiếng nổ lớn phía sau tôi biết tên lửa của F-4 nổ rất gần. Tôi quyết định quay về sân bay hạ cánh, đến đài xa tốc độ chỉ còn 360km/giờ, độ cao giảm nhanh. Đến trước đài gần tôi quyết định kéo lên trên 100m để nhảy dù. Lúc đó, dù chỉ mở ra lắc qua lắc lại hai cái thì đã thấy ngồi xuống ruộng đỗ, máy bay rơi cạnh đài xa... Sau này tôi được biết là mình đã đụng độ với chính viên đại tá, phi công ba lần ace của không quân Mỹ, và chắc ông ta sẽ rất bất ngờ nếu biết rằng đó là trận đụng độ giữa ba phi công ace của Việt Nam và Hoa Kỳ!”.
Trận ngày 4-5-1967 chính là trận không chiến giữa các phi công ace của không quân Hoa Kỳ và không quân nhân dân Việt Nam (Nguyễn Văn Cốc và Phạm Thanh Ngân). Vào thời điểm đó, đại tá Robin Olds, người đã bắn rơi 12 máy bay Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai với hàng ngàn giờ bay, đã công bố bắn rơi ba chiếc MiG trong chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam. Còn thiếu úy, phi công Nguyễn Văn Cốc chưa đầy 25 tuổi, mới bay được trên 300 giờ và mới lập được một chiến công trong trận ngày 30-4-1967.
Trận này, Robin Olds bắn bị thương chiếc MiG của Nguyễn Văn Cốc. Nhưng viên đại tá Mỹ này không ngờ là người phi công VN trẻ tuổi ấy sau này đã trở thành người duy nhất trong lịch sử không chiến hiện đại dùng MiG-21 bắn rơi chín chiếc máy bay Mỹ, trở thành một trong những huyền thoại của không quân Việt Nam.
Các quốc gia khác nhau có nhiều chuẩn khác nhau để ghi nhận chiến công cho phi công ace, nhưng đa số cho rằng ít nhất phải bắn hạ năm máy bay đối phương thì người phi công mới được ghi nhận là ace. Phi công đầu tiên tham gia không chiến và sử dụng vũ khí lắp trên máy bay để bắn rơi đối phương là phi công người Pháp - Roland Garros (hiện nay được đặt tên cho giải tennis ở Pháp) Không quân Mỹ cơ bản chấp nhận cách tính của không quân Pháp. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, không quân Mỹ ghi nhận có hơn 700 phi công ace. Phi công ace duy nhất của không quân Mỹ tham chiến cả hai cuộc chiến tranh (Chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Việt Nam) là đại tá Robin Olds. Theo các tài liệu thống kê của hai phía, trong chiến tranh trên không ở Việt Nam, không quân Việt Nam có 16 phi công ưu tú (bắn rơi năm chiếc trở lên). |
Kỳ tới: Trận thua đau đớn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận