Phóng to |
Anh Nguyễn Duy Út ngồi bên khu vườn trước đây trồng chuối và dừa, nay bị lấp đầy bùn đỏ - Ảnh: Nguyễn Nam |
Trong khi đó, Sở Tài nguyên - môi trường Bình Thuận có báo cáo đến UBND tỉnh rằng phía Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận (nơi để xảy ra vụ tràn bùn thải titan) đã đền bù, thỏa thuận xong đối với hộ dân có xe máy bị bùn cuốn trôi (sửa lại xe máy và hỗ trợ 8 triệu đồng), hộ có đất trồng chuối và dừa (anh Nguyễn Duy Út) bị nước pha bùn đỏ tràn vào (bồi thường 15 triệu đồng). Đồng thời Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận đã gặp chủ đầu tư dự án du lịch Tiến Phú để thỏa thuận xử lý ảnh hưởng từ lớp bùn đỏ.
Đối với hai hộ dân còn lại, công ty đã gặp để thỏa thuận nhưng chưa thống nhất được giá đền bù gồm: hộ có vườn điều là ông Võ Tấn Minh yêu cầu hỗ trợ 300 triệu đồng, hộ có ao cá là ông Nguyễn Lập Chi yêu cầu hỗ trợ 63 triệu đồng và nạo vét lại ao.
Chiều 20-12, trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh báo cáo Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận đã đền bù, thỏa thuận xong cho các nạn nhân bị thiệt hại do sự cố tràn bùn thải titan nhưng nạn nhân lại bảo chưa được bồi thường, đại diện Sở Tài nguyên - môi trường Bình Thuận cho biết phần đất của ông Võ Tấn Minh trước đây đã được UBND TP Phan Thiết thu hồi giao cho một dự án khác. Chính quyền địa phương đang xác minh nguồn gốc chủ quyền của phần đất trên để tiến hành đền bù. Riêng trường hợp của anh Nguyễn Duy Út, ban đầu phía công ty và anh Út thỏa thuận đền bù 15 triệu đồng, nhưng sau đó anh Út yêu cầu bồi thường 200 triệu đồng nên đến nay việc đền bù vẫn chưa xong... “Về việc xử lý lượng bùn đỏ còn tồn đọng, chúng tôi đã yêu cầu công ty đem máy bơm ra hút cho sạch, nhưng do chưa đền bù xong nên người dân bắt để nguyên hiện trạng” - vị này cho biết.
Còn ông Tô Tài Tích, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận, cho rằng đất của ông Võ Tấn Minh đã bị thu hồi nên không bồi thường cho ông Minh mà cho chủ dự án.
Tuy nhiên, ông Võ Tấn Minh cho rằng mặc dù đất của ông đã bị thu hồi nhưng chủ dự án chưa triển khai làm dự án nên ông vẫn canh tác trên đất này. Vì vậy theo ông Minh, số cây cối và ao của ông bị tràn bùn đỏ thì phía công ty phải bồi thường thỏa đáng cho ông.
Còn anh Nguyễn Duy Út, người bị bùn đỏ tràn vào vườn trồng chuối, dừa (1-2 năm tuổi), cho rằng khu vườn của anh hiện chỉ còn vài cây chuối, dừa ngoi lên giữa bãi đầm lầy đỏ quạch đang mỗi ngày một cứng lại. Số diện tích cây trồng của anh Út bị thiệt hại là 2,5 sào và anh yêu cầu bồi thường 200 triệu đồng. Vì sao trước đây anh thỏa thuận với công ty là bồi thường 15 triệu đồng mà nay đòi bồi thường 200 triệu đồng? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, anh Nguyễn Duy Út cho biết sau khi anh thỏa thuận với công ty xong, về nhà vợ anh không đồng ý mức hỗ trợ này và cả hai vợ chồng thống nhất yêu cầu công ty bồi thường 200 triệu đồng.
Theo ghi nhận của chúng tôi trong ngày 19-12, việc khắc phục hậu quả phía công ty chỉ mới cho đổ đất lên lượng bùn đỏ tồn đọng ở khu vực ven đường nhựa, sau đó trồng cây dương lên cho “đẹp phía bên ngoài”. Còn lượng bùn đỏ trong các vườn nhà dân, nằm sâu ở bên trong khu vực sát với các mỏ khai thác titan vẫn còn để nguyên, đọng thành những bãi đầm lầy.
Từ báo cáo của Sở Tài nguyên - môi trường nói trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo cho Chính phủ về việc bồi thường, khắc phục vụ tràn bùn thải titan như nói trên. Từ báo cáo này của tỉnh Bình Thuận, ngày 17-12 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục chỉ đạo, giám sát để Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận sớm hoàn thành việc khắc phục, đền bù thiệt hại cho người dân. Đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương, không để xảy ra trường hợp tương tự.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận