Ông Trần Bạch Đằng (ảnh chụp tháng 7-2005) - Ảnh: Tự Trung |
Mới đó mà đã hơn 9 năm đồng chí Trần Bạch Đằng đi xa. Sinh thời khi đang giữ những chức vụ cao hay khi không giữ chức vụ, ông luôn là một người năng động, sôi nổi, đầy sáng tạo, đồng thời rất bình dị, cởi mở, chân thành.
Chẳng có phút giây hay cử chỉ nào của ông làm cho ta cảm thấy ngại ngần khi có dịp gần ông. Cùng với tấm gương sống và cống hiến hết mình, ông luôn được mọi người yêu quí.
Ông là Anh Tư Ánh, là đồng chí Trần Bạch Đằng, nhà thơ Hưởng Triều, nhà văn Nguyễn Hiểu Trường, nhà viết kịch Nguyễn Trương Thiên Lý, nhà nghiên cứu, phê bình Trần Quang - người xứng đáng được nhận những tình cảm yêu mến và kính trọng của tất cả chúng ta. Và bởi thế, tôi chắc rằng tại cuộc hội thảo này sẽ có nhiều bài viết hay, sâu sắc và xúc động về ông.
Thật khó kể hết, dù chỉ là làm phép tính cộng hoặc liệt kê những cống hiến ông đã đóng góp, những vùng đất ông đã đặt chân, những công trình, tác phẩm, bài viết ông đã công bố… Chỉ riêng việc tập hợp những bài báo của ông, đến nay cũng mới có được một cuốn sách “Đổi mới đi lên từ thực tế” với trên một trăm bài báo trong số hàng nghìn bài ông đã viết trong suốt 25 năm, từ 1975 đến năm 2000.
Đồng chí Trần Bạch Đằng chính thức được tổ chức giao nhiệm vụ làm báo, viết báo từ năm mới 17 tuổi. Năm 1946 ông đã được giao phụ trách tờ “Chống xâm lăng”; năm 1950 ông làm chủ biên báo “Nhân dân miền Nam” của Trung ương Cục. Và như ông kể lại, từ khi mới học lớp Nhất (năm 1938-1939) ông đã là người đề xướng và cùng các bạn ra được một tờ báo rất hấp dẫn.
Với tư cách là một nhà báo chân chính, một nhà báo cách mạng, tràn đầy tính chiến đấu, ông luôn cổ vũ nồng nhiệt cho cái mới, cái tiến bộ, cho sự nghiệp chính nghĩa, cao cả của Đảng, đất nước và nhân dân". |
Trích tham luận ông PHẠM QUANG NGHỊ - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội |
Và chỉ một lĩnh vực ấy thôi, lĩnh vực mà có lần ông nói với tôi đó là “nghề tay trái”, hoặc như trong hồi ký của mình, ông “chưa bao giờ tự coi mình là nhà báo chuyên nghiệp”. Với ông, nghề báo chỉ như là việc làm thêm, nhưng trong làng báo Việt Nam, mọi người luôn coi ông là một nhà báo lão thành, một cây bút chính luận hàng đầu của đất nước.
Đọc tiểu sử của ông cũng khó nhớ hết những công việc ông đã trải qua, những cống hiến ông đã từng đóng góp, cũng như khó nói hết tình cảm yêu mến, trân trọng, sự ghi nhận của những người đã có dịp gần gũi, hiểu được những gì ông đã làm, muốn làm vì dân, vì nước. Dù đôi lúc có người chưa thật hiểu hết về ông, một nhà lãnh đạo luôn có những trăn trở, nghĩ suy, những dự cảm, những khát khao đổi mới mang tính đột phá.
Những gì tôi biết, tôi cảm nhận được về ông từ khi còn ở căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, cũng như sau này về thành phố, ở Thủ đô, sinh hoạt cùng chi bộ với ông, đó là một người tận tâm với công việc, tận tình với anh em, đồng chí, hết sức, hết lòng vì sự nghiệp chung. Có những lúc được ngồi cùng ông nhâm nhi dăm ba ly rượu.
Dù nói chuyện cổ kim đông tây, trên trời dưới đất gì rồi ông cũng quay về với đề tài thế sự, chuyện của dân, của Đảng, của đất nước. Luôn được nghe những lời gan ruột của ông: Làm thế nào để đất nước tiếp tục đi nhanh hơn trên con đường đổi mới? Làm thế nào để Đảng giữ vững được vai trò lãnh đạo? Làm thế nào để cán bộ, đảng viên luôn gần dân, được dân tin dân mến như thuở còn chưa nắm chính quyền?...
Đó là những vấn đề, những công việc đeo bám ông suốt đêm ngày và đã được ông gieo trồng trong từng con chữ. Nhất là vào những thời điểm quan trọng của đất nước, những dịp Đại hội Đảng, ông đều có những bài viết, những đóng góp đầy trí tuệ, tâm huyết cho Đảng, cho đất nước.
Khi đương giữ những trọng trách trong Đảng, ông không ngại tới những nơi đầu sóng ngọn gió, đạn bom ác liệt. Ông rốt ráo lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, thua keo này bày keo khác… quyết làm cho bằng được, cho thành công, thắng lợi mới thôi.
Đến khi ông thôi giữ các chức vụ trong Đảng, với tài năng, nhiệt huyết luôn chứa đầy trong tim, với cái nghề mà ông coi là “tay trái” mọi người càng cảm nhận rõ hơn, mạnh mẽ, quyết liệt hơn sự có mặt của ông với tư cách là người trong cuộc.
Ông có một khả năng làm việc thật phi thường, một sức đọc, sức viết, sức nghĩ ít người sánh được. Ông không những viết khỏe, viết nhanh mà còn viết hay, hấp dẫn. Đọc các bài viết của ông chúng ta luôn thấy hiện lên những sự kiện, những vấn đề thời sự nổi bật đang được mọi người quan tâm; những gương người tốt, việc tốt có thật xung quanh ta, những Má Tư, Thím Út, Ông Năm… những tên người gắn liền với những hành động, những sự tích anh hùng mà ông đã trực tiếp nghe, trực tiếp gặp.
Ngòi bút của ông khi viết về họ cũng chính là lúc ông trải lòng mình với Đảng, với dân, với nước; là lúc ông ngợi ca những hành động, những tấm gương anh hùng, dũng cảm, góp tiếng nói cổ vũ, phê bình và nêu lên những kiến giải.
Cái tài của ông không chỉ ở sự nắm bắt, phân tích các sự kiện, các vấn đề mà còn ở văn phong, bút pháp, vừa ngắn gọn, sâu sắc lại vừa hấp dẫn và dễ hiểu, kể cả khi ông viết về những đề tài “hàn lâm”, “bác học” hay những vấn đề thời sự của cuộc sống đời thường.
Chẳng mấy ai có thể viết được những bài báo thật là đặc sắc, mang dấu ấn một thời hào hùng chống Mỹ “Ra khỏi ngõ gặp anh hùng” - ông viết từ tháng 1 năm 1966; hoặc có đủ dũng khí để viết những bài phê phán thói hư, tật xấu của một số cán bộ, đảng viên thoái hóa (trong bài: “Nỗi thèm khát cháy bỏng”, ông viết tháng 2/2007): “Chẳng rõ từ bao giờ nảy sinh cái tệ cán bộ lãnh đạo “xuống” dân và cán bộ cấp dưới “hai tay xoa tít, cái đít cong vòng”, một “ báo cáo anh”, hai “báo cáo anh”. Vua chúa bỗng nhảy xổ vào chúng ta - những người cộng sản, những người theo chủ nghĩa xã hội”.
Ông không ngại lên tiếng bênh vực, bảo vệ chân lý, lẽ phải; dám nói những lời phê bình mạnh mẽ vào thời điểm không mấy ai dám nói vì ngại đụng chạm, nhất là đụng chạm với những người lãnh đạo “có tật giật mình”.
Ngoài đức tính trung thực, khẳng khái ông là người luôn tin vào lẽ phải, vào chân lý, vào sự công bằng, sáng suốt của sự nhìn nhận, đánh giá của nhân dân. Hãy đọc bài “Nhân xem Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, bàn về sự “ám chỉ” và “nhân danh” ông viết tháng 6 năm 1980 mọi người đều hiểu ông muốn nói những gì trong đó.
Đồng chí Trần Bạch Đằng trước hết là nhà lãnh đạo tài năng và uy tín; đồng thời là nhà báo dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật với một tình cảm, một tấm lòng đầy trách nhiệm. Ông không ngần ngại nói rõ chính kiến của mình, dù biết sẽ đụng chạm. “Ấy chết, nói như thế là “đụng” rồi đấy”. Tất nhiên, ông nói: “Sáng tác văn học khi xây có chống, và hễ chống thì đụng.
Vấn đề là đụng ai… Tại sao lại không đụng”. Những hiện tượng tiêu cực mà đồng chí Trần Bạch Đằng đã từng chỉ trích, phê phán chính là “một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo các cấp, kể cả cấp cao” trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra và Đảng đang kêu gọi cần phải ra sức bài trừ.
Nếu ông còn sống, chắc rằng trong những ngày này, chúng ta đã được cầm trên tay những tờ báo với những tiêu đề in chữ lớn ký tên Trần Bạch Đằng; được đọc những bình luận vô cùng sắc sảo của ông về chuyện ô nhiễm môi trường, chuyện luân chuyển cán bộ có biểu hiện bất minh, tiêu cực một cách quá lộ liễu như báo chí những ngày qua đang nói tới.
Tôi muốn kể lại một kỷ niệm thật khó quên. Khi tôi được Trung ương chỉ định về làm Bí thư tỉnh Hà Nam cuối năm 1997 cũng là lúc ở một số địa phương đang rất nóng vì chuyện nhân dân khiếu kiện đông người. Gay gắt nhất là ở Thái Bình. Tại thời điểm đó tôi lại đồng ý cho Đài Truyền hình Việt Nam về tỉnh làm bộ phim “Chuyện làng Nhô”.
Sau khi phim làm xong, việc cho hay không cho chiếu bộ phim dài bốn tập “Chuyện làng Nhô” trên truyền hình Việt Nam trở thành vấn đề gây nhiều tranh luận. Tôi nghe được những lời nhắn nhủ phê bình, giữa lúc tình hình khiếu kiện của dân, nhất là ở Thái Bình đang phức tạp, khó khăn như vậy, sao tôi lại cho làm bộ phim này? Đến khi bộ phim chiếu đến tập thứ hai thì có nhiều ý kiến yêu cầu phải dừng lại.
Khi được hỏi ý kiến, tôi nói: “Nội dung bộ phim tuy gay cấn, phức tạp, nhưng cái kết của phim là tích cực. Bộ phim dám nói lên những vấn đề nhức nhối ở “Làng Nhô”, nhưng đồng thời cũng là sự cảnh báo cho nhiều địa phương khác. Do đó nên cho chiếu tiếp”. Cuối cùng thì bộ phim đã được chiếu đủ cả bốn tập.
Là người hàng ngày luôn quan tâm sát sao các vấn đề thời sự và báo chí, ông đã không quản ngại đường xa. Từ Thành phố Hồ Chí Minh ông quyết định có một chuyến đi tìm hiểu thực tế ở Hà Nam, đồng thời, ông cũng muốn tới thăm, động viên “chú em” đang phải vật lộn với biết bao khó khăn ở cơ sở. Tới Hà Nam, ông bày tỏ ý định được đến tận nơi xảy ra vụ việc.
Tôi đã trực tiếp đưa ông tới thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng để ông nghe những chuyện có thật ở “Làng Nhô”. Lúc này, sau cơn sóng gió, phong trào ở đây đã được gây dựng lại. Những cán bộ thoái hóa, biến chất đã được thay thế. Những phần tử gây rối, phá phách cũng đã được xử lý bằng pháp luật.
Dân chủ trong thôn xóm được phát huy. Và “Làng Nhô” - cái tên đọc chệch đi của thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa nay đã trở thành một thôn điển hình tiên tiến của một xã vững mạnh toàn diện, tiêu biểu của tỉnh Hà Nam.
Được tai nghe mắt thấy những câu chuyện có thật của “Làng Nhô” ông tỏ ra vô cùng phấn chấn. Ông liền bảo: “Tao phải viết một bài về cái làng Nhô này!”. Dĩ nhiên tôi còn vui hơn vì được ông chia sẻ, một sự chia sẻ hết sức quí báu và đúng lúc.
Ông lại là một nhà báo lớn, rất có uy tín. Nếu có được một bài báo ký tên Trần Bạch Đằng viết về những đổi thay tiến bộ của “làng Nhô” thì còn gì bằng. Song ngặt một nỗi, đúng lúc đó, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương lại yêu cầu các báo không được đăng về đề tài này nữa.
Trong bối cảnh ấy, với cương vị và trách nhiệm của mình, tôi đành phải can ngăn ông: “Anh Tư à, thôi anh đừng viết nữa, cấp trên đã có chỉ đạo vậy rồi mà anh vẫn viết bài đăng báo biết đâu nhiều người không hiểu lại nghĩ tôi mời anh về để viết bài bênh vực cho tôi, thêm phiền ra”. Nghe tôi nói vậy ông đành từ bỏ ý định viết bài về “ Làng Nhô” nhưng trong lòng vẫn đầy tiếc nuối.
Tôi nhớ bữa cơm trưa huyện Kim Bảng chiêu đãi ông hôm đó đã diễn ra như là một cuộc thảo luận rất sôi nổi. Các đồng chí lãnh đạo huyện Kim Bảng tỏ ra vô cùng phấn khởi vì được đón ông về thăm, được kể cho ông nghe những chuyện có thật đã từng xảy ra ở thôn Lạc Nhuế vốn còn căng thẳng, gay gắt hơn rất nhiều những gì trong phim đã mô tả.
Nhiều năm sau, tôi vẫn tiếc vì đã can ngăn ông, nếu không thì trong di sản các bài viết của ông sẽ có thêm một bài báo dám nhìn thẳng vào sự thật, mổ xẻ những tiêu cực, nhức nhối ở nông thôn. Sau này, trong cuốn “Trần Bạch Đằng - cuộc đời và ký ức”, ông đã chọn tấm ảnh tôi chụp cùng ông tại trụ sở Tỉnh ủy Hà Nam như để ghi lại một kỷ niệm quan trọng khó quên trong cuộc đời làm báo của ông.
Và kỷ niệm khác, khi là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin tôi được phân công vào Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2002). Mọi công việc chuẩn bị cho buổi lễ đều đã đâu vào đấy. Sáng sớm trước giờ khai mạc anh em chuyển cho tôi lá thư viết tay của ông.
Với mấy lời ngắn gọn. Đại để ông nói đã nhận được giấy mời, song hôm nay có việc bận nên ông không tới dự lễ trao tặng được. Ông cũng không nói ông bận việc gì hoặc vì lý do sức khỏe. Đọc mấy dòng thư, tôi rất băn khoăn và nghĩ ngợi. Sẽ là rất tiếc nếu hôm nay ông không tới. Bởi ông cũng là người nhận giải thưởng và là người anh lớn, là thủ trưởng của nhiều người tới nhận giải thưởng hôm nay.
Tôi liền gọi điện thoại hỏi thăm và nài nỉ ông: “Anh Tư ơi! Buổi lễ hôm nay vắng anh sao được. Dù bận gì anh cũng gắng đến dự cùng anh em. Trong số những người nhận giải thưởng hôm nay anh là người quan trọng và mọi người đều muốn anh có mặt”. Tôi đã cố gắng thuyết phục ông qua điện thoại và cuối cùng ông đã đồng ý tới dự.
Trong tâm trạng mừng vui, tôi hỏi lại ông một câu rất thật thà: “Anh Tư đã có xe đón chưa? Không thì anh em sẽ cho xe cơ quan tới đón”. Từ đầu dây bên kia ông cười khà khà: “Tao không đi là vì không muốn chứ đâu có thiếu xe đón”.
Thế rồi hôm đó ông đã tới, dù ông không thật hài lòng với việc Hội đồng xét thưởng Quốc gia đã trao cho ông giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật - giải thưởng mà nhiều người cho rằng chưa tương xứng với những gì ông đã đóng góp. Cho tới sau này, ông không hề khiếu nại hay đề nghị nâng cấp giải thưởng cho ông, cho dù việc đó với ông là hoàn toàn xứng đáng.
Đồng chí Trần Bạch Đằng, một con người dồi dào năng lực cống hiến, năng lực sáng tạo; vô cùng nhạy cảm trước cuộc sống, nhất là trước những cái mới, cuộc đời hoạt động của ông đã để lại những dấu ấn sâu đậm trên nhiều lĩnh vực, không chỉ là báo chí và văn học nghệ thuật.
Trên hết, ông là một người cộng sản đích thực đã hiến dâng tất cả sức lực, tài năng và trí tuệ cho sự nghiệp độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, trong đó báo chí chỉ là một trong những lĩnh vực, những hoạt động mà ông đã cống hiến thông qua ngòi bút thật sự là tài năng của ông. Và cũng vì thế, ông là người thật là hạnh phúc, xứng đáng được đón nhận những tình cảm, lòng biết ơn và quí trọng lớn lao của mọi người.
Với cuộc đời hoạt động cách mạng hơn 60 năm, vào sống ra chết, gian khổ ác liệt như vậy, đồng chí Trần Bạch Đằng yêu quý của chúng ta vẫn sống đến ngày hòa bình đã là một điều kỳ diệu. Với mỗi người có được một lần kỳ diệu đã vô cùng hạnh phúc.
Riêng đồng chí Trần Bạch Đằng còn có lần thứ hai. Đó là những công việc, những cống hiến lớn lao và quý báu sau khi ông đã thôi đảm nhiệm các chức vụ công tác lãnh đạo, nghĩa là, với nhiều người khác, đó là lúc nghỉ ngơi, nhưng ông vẫn tiếp tục làm được biết bao là công việc để đóng góp cho Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cho Đảng, đất nước và nhân dân ta nói chung.
Người xưa có nói: “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”. Một con người vừa có tài, vừa có tình, tầm cỡ như ông vốn dĩ xưa nay hiếm. Nếu vì điều đó mà đôi khi khiến ông phải “lụy”, thì mãi mãi vẫn còn đây những tấm lòng và tình cảm chan chứa của nhân dân và của biết bao người luôn dành cho ông sự yêu quí, nhớ ơn và trân trọng./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận