05/09/2016 12:52 GMT+7

Trần Anh Hùng: Vĩnh cửu là việc đàn ông, đàn bà yêu nhau...

HIỀN ĐỖ (thực hiện)
HIỀN ĐỖ (thực hiện)

TTO - "Sự vĩnh cửu ở đây, là việc đàn ông đàn bà gặp nhau, yêu nhau, va chạm, có những đứa con... Tôi thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh, tạo ra cảm xúc cho người xem. Khi chiếu ở Pháp, rất nhiều người xem và khóc..."

Cảnh trong phim Vĩnh cửu - Ảnh: ĐPCC

Về Việt Nam trong dịp ra mắt phim Vĩnh cửu (Eternité), đạo diễn Trần Anh Hùng cho biết bộ phim của mình làm theo ngôn ngữ điện ảnh hoàn toàn mới, vứt bỏ hết cốt truyện, tình tiết, cảnh, mâu thuẫn… để mở đường cho cảm xúc.

Trong cuộc trao đổi riêng với Tuổi Trẻ sáng 5-9 tại Hà Nội, đạo diễn Trần Anh Hùng tiết lộ lý do anh bắt tay viết kịch bản và thực hiện phim Vĩnh cửu là từ cuốn tiểu thuyết đặc biệt L’élegance des veuves (Nét duyên góa phụ) của nhà văn Alice Ferney.

"Tác phẩm với dung lượng nhỏ, trải dài hơn một thế kỷ, nhiều nhân vật, không có cốt truyện. Nhưng tiểu thuyết với những câu văn hay ấy gợi cho tôi một ngôn ngữ điện ảnh mới, khác hoàn toàn với những phim trước đây đã làm" - Trần Anh Hùng nói.

* Cụ thể, ngôn ngữ điện ảnh mới ấy được thể hiện ra sao trong phim Vĩnh cửu?

- Đạo diễn Trần Anh Hùng: Nó mới ngay cả trong sân điện ảnh quốc tế. Thông thường, các phim khác sẽ duy lý, kể một câu chuyện. Phim này vứt bỏ hết các cảnh, phớt qua những tình tiết, hội thoại, mâu thuẫn… Ngay cả tâm lý nhân vật tôi cũng bỏ đi. Tôi muốn Vĩnh cửu hoàn toàn là cảm xúc, để người xem cảm nhận, từ đó mở ra con đường mạnh mẽ cho chất thơ.

Tuy không có cốt truyện nhưng phim này hoàn toàn dễ hiểu. Cái khó cho người xem là liệu họ có đặt mình vào trạng thái nhạy cảm, tinh tế khi tiếp nhận phim hay không.

Đạo diễn Trần Anh Hùng tại Hà Nội sáng 5-9 - Ảnh: Hiền Đỗ

 

* Sự “vĩnh cửu” theo định nghĩa của Trần Anh Hùng là gì? Anh thể hiện nó như thế nào trong phim?

- Sự vĩnh cửu ở đây, là việc đàn ông đàn bà gặp nhau, yêu nhau, va chạm, có những đứa con. Rồi những đứa con lại sinh ra những đứa cháu. Tôi thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh, tạo ra cảm xúc cho người xem. Khi chiếu ở Pháp, rất nhiều người xem và khóc.

Một số người cho rằng đây là bộ phim về đức hi sinh, về thiên chức làm mẹ thiêng liêng. Người xem có thể suy luận như vậy. Nhưng nếu chỉ cảm nhận được những ý nghĩa ấy, thì người xem đã "bạo lực với nội tâm" của họ. Họ nên tiếp cận các phương diện triết học, xã hội học, chứ không nên tiếp cận nghệ thuật. Bởi nghệ thuật là một câu chuyện khác, nó là cảm xúc, sự nhạy cảm.

* Anh thực hiện bộ phim trong bao lâu? Thời gian đó có khó khăn áp lực với anh?

- Làm trong bao lâu thì không khó, bởi có thời gian viết kịch bản, chuẩn bị làm phim. Tuy nhiên, có yếu tố gây khó cho phim là thời gian quay chỉ trong tám tuần - một thời gian ngắn để làm phim điện ảnh.

Ban đầu, tôi muốn quay phim trong 14 tuần, nhưng không thực hiện được vì thiếu kinh phí. Tuy phải cắt bỏ kịch bản cho vừa vốn đầu tư, song tôi chỉ cắt với điều kiện nó không thay đổi cảm xúc của phim.

Ở phim này, thử thách với tôi là làm sao đưa lại cho người xem những cảm xúc mà tôi nhận được từ cuốn sách Nét duyên góa phụ. Tôi muốn mang lại cảm xúc của mình về cuốn sách, chứ không phải là những gì có trong sách.

Ngôi sao điện ảnh Pháp Mélanie Laurent trong phim Vĩnh cửu - Ảnh: ĐPCC

* Những bộ phim trước anh làm bằng ngôn ngữ Việt, rồi Anh và Nhật. Tới Vĩnh cửu, anh sử dụng tiếng Pháp - ngôn ngữ anh được đào tạo về điện ảnh. Điều đó có giúp bộ phim thực hiện dễ dàng hơn các phim trước?

- Đối với tôi thì không khác, không dễ hơn hay khó hơn, bởi các bộ phim đều dùng bằng ngôn ngữ điện ảnh. Còn trong phim nhân vật nói tiếng Pháp tiếng Nhật hay tiếng Việt không quan trọng.

Trong các phim tiếng Việt, tiếng Nhật hay tiếng Pháp của tôi, lời thoại khá dài, chứ không giống những câu người ta hay nói ngoài đời sống. Điều đó có thể khiến một số người xem chê trách, nhưng với tôi thì không sao. Tôi muốn tạo ra chất nhạc trong lời thoại, chứ ý nghĩa câu nói không còn quan trọng nữa.

Điện ảnh phải tạo ra chất ý vị cho điện ảnh. Nếu mình chỉ làm lại những thứ mình thấy ngoài đời thì nó không có gì hấp dẫn để xem cả.

Với phim Vĩnh cửu, có rất ít thoại. Câu thoại cũng dài, nói trong chất nhạc của lời nói, câu văn. Lúc làm phim, tôi có có nói với các diễn viên:

“Vì phim ít lời, nên mỗi lời trở nên rất quý. Các bạn không nên nói tự nhiên, mà phải ngậm trong miệng, cảm được vị của nó, rồi nói ra, để cho người xem thấy vị ngon của nó. Trong lúc các bạn nói, hãy để người xem thấy được ánh mắt của các bạn, cơ mặt của các bạn…”

* Anh làm một bộ phim cầu kỳ như vậy có làm khó các diễn viên của mình?

Vĩnh cửu có độ tinh tế lớn nên buộc phải cầu kỳ. Phim này không có cảnh cho diễn viên đóng, không có cảnh cãi nhau, yêu nhau... Nhưng khi họ đã gặp, trao đổi với tôi, đã thích kịch bản, thì đối với họ, họ cảm thấy thú vị để bước vào một dự án hoàn toàn chưa bao giờ làm, đứng vào thế chưa bao giờ gặp. Đó là một sự thú vị trong con đường nghệ thuật của họ.

Hai tuần trước khi quay, đoàn làm phim họp, tôi nói chưa biết làm phim này như nào, nhưng chắc chắn là sẽ làm một bộ phim có chất ý vị lớn. Tôi đảm bảo về sự ý vị. Dựa vào đó, mọi người bước vào công việc rất vui vẻ.

Một cảnh trích từ trailer phim Vĩnh cửu - Ảnh chụp màn hình.

 

* Các phim trước anh dùng rất nhiều âm nhạc. Âm nhạc có vai trò như nào với phim của anh, nó thể hiện ra sao trong Vĩnh cửu?

- Phim này tôi dùng nhạc nhiều nhất. Phim dài gần 110 phút, thì phần nhạc đã dài 80 phút. Tự tôi chọn nhạc cho phim. Hầu hết là những bài nhạc cổ điển rất quen thuộc, tôi đã nghe và yêu thích từ lâu. 

Thật khó để nói về vai trò của âm nhạc trong phim của tôi. Tôi phát hiện ra nhạc có khả năng kể chuyện. Khi nhạc xuất hiện, nó biến người xem thành nhà văn, họ sẽ kể lại câu chuyện cho họ. Tôi không dùng nhạc để làm nền, mà cho nhạc vào trao đổi với người xem.

Vĩnh cửu là phim điện ảnh mới nhất của Trần Anh Hùng ra mắt cuối tháng 8 tại Pháp. Phim có sự tham gia của ba minh tinh người Pháp Mélanie Laurent, Audrey Tautou và Bérénice Bejo.

Phim ra mắt tại Hà Nội chiều 5-9, cùng với bản tiếng Việt cuốn sách Nét duyên góa phụ (do Lê Ngọc Mai dịch). Trong buổi công chiếu, đạo diễn Trần Anh Hùng, giám đốc nghệ thuật Trần Nữ Yên Khê và nhà sản xuất phim Christophe Rossignon giao lưu cùng khán giả. Tại TP HCM, đạo diễn Trần Anh Hùng có buổi ký tặng sách vào ngày 7-9.

HIỀN ĐỖ (thực hiện)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên