Và bộ phim của anh hình như cũng giống như một nồi pot-au-feu: nguyên liệu thì rất giản đơn, nhưng lại cần rất nhiều thời gian để ninh nhừ những nguyên liệu ấy dưới ngọn lửa liu riu bất tận của tình yêu, để chắt thành hương vị.
Trần Anh Hùng, từ mùi đến vị
Hẳn bạn vẫn nhớ, nhân vật chính trong phim dài đầu tay của Trần Anh Hùng, Mùi đu đủ xanh, là Mùi.
Nhưng có lẽ đó không chỉ là một cái tên, đó còn là đại diện cho thứ điện ảnh cảm giác của anh, là sự gói gọn niềm đam mê mà Trần Anh Hùng không giấu giếm trong những thước phim của mình: những món ăn.
Từ cảnh Mùi xới tô cơm trắng nõn vào chiếc tô sứ hoa lam và bày biện các món ăn bưng lên cho Khuyến, đến cảnh Như Quỳnh, Lê Khanh và Trần Nữ Yên Khê vừa cười nói vừa ngồi nhặt rau, lột da những chiếc chân gà dưới nắng trong Mùa hè chiều thẳng đứng.
Hay cảnh Toru ngon lành dùng bữa cơm do Midori nấu nơi căn bếp của cô bạn trong Rừng Nauy. Những món ăn trong phim Trần Anh Hùng lúc nào cũng tỏa ra ánh sáng ấm áp và trìu mến của tính nữ.
Nhưng vài cảnh đơn lẻ hình như vẫn là chưa đủ với anh Hùng, và anh cần cả một bộ phim mà gần như từ đầu chí cuối, khán giả không chỉ xem phim mà còn "taste" (nếm) phim như The Taste of Things để bày tỏ niềm yêu của mình.
Muôn vị nhân gian (tên phim khi ra rạp Việt) là câu chuyện tình không thể dịu dàng hơn giữa Dodin - một đầu bếp lừng danh - tài tử Benoît Magimel thủ vai, cùng Eugénie - người đầu bếp của riêng ông - minh tinh Juliette Binoche, cũng là vợ cũ của Magimel, đóng.
Họ sống trong một điền trang thôn quê nước Pháp thế kỷ 19, cùng vài cô bé con học việc.
Trailer phim Muôn vị nhân gian của Trần Anh Hùng
30 phút đầu phim tựa như một điệu múa, một bài thơ trong căn bếp, nơi Eugénie tự tay chuẩn bị một bàn tiệc thịnh soạn để tiếp đón những người bạn của Dodin đến chơi nhà.
Người xem như bị cuốn vào vũ điệu trong đó Eugénie luộc một cây bắp cải, nấu một nồi sườn, thịt xông khói, ớt chuông cùng muôn loài rau củ, quấy một khay xốt bechamel, phết kem lên bánh, âm thanh xèo xèo của bếp núc lẫn với tiếng chim ca ngoài cửa, còn nắng xuyên vào phòng hòa cùng khói bay nghi ngút.
Xem Muôn vị nhân gian là một chứng nghiệm cho lời nhà văn Raymond Carver từng viết, rằng ta cứ phải ăn và sống tiếp, rằng "ăn là một điều nhỏ bé, tốt đẹp" trong đời này. Ăn là yêu.
Eugénie và Dodin yêu nhau, chưa là vợ chồng nhưng còn thân ái hơn cả vợ chồng, và vì chưa là vợ chồng nên ở bên nhau mấy chục năm nhưng vẫn tương kính như tân.
Để nói về mối tình của họ thì có lẽ chỉ cần dùng đúng cảnh phim vu vơ khi hai người rảo bước trên cánh đồng mùa thu.
Eugénie đi trước và Dodin theo sau, không quá xa cũng chẳng quá gần, từ góc máy quay, hai người thường bị ngăn cách bởi những nhành cây lòa xòa hay những thân cây đen tuyền, nhưng bước chân của họ thì đồng điệu.
Đang là mùa thu, ánh sáng chói chang, nhưng họ tản bộ dưới bóng cây râm mát: tình yêu của họ không cháy bỏng hay thiêu đốt mà mát lành và miên trường như một tán lá xanh.
Những cảnh phim của Muôn vị nhân gian như một triển lãm thời kỳ Ấn tượng của những danh họa Pháp cuối thế kỷ 19, với những cảnh điền viên nhàn du, những bữa tiệc sân vườn được nắng tưới giòn tan.
Rồi có khi một chuyển đoạn từ hình ảnh một trái lê mọng nước đặt trên bàn dần mờ đi và cơ thể bán khỏa thân đang nằm nghiêng của Eugénie hiện ra từ phía sau, gợi nhớ đến bức ảnh nổi tiếng Cây violin của Ingres của nhiếp ảnh gia Man Ray.
"Em là vợ anh hay đầu bếp của anh?"
Eugénie hỏi Dodin như vậy. Dodin chọn vế thứ hai. Được Trần Anh Hùng đề tặng cho bạn đời Yên Khê, Muôn vị nhân gian khám phá một mối quan hệ mà một người theo quan điểm chính trị "cấp tiến" có thể coi là sự thi vị hóa lòng tận hiến của phụ nữ.
Nhìn xem, Eugénie đẹp nhất là trong những cảnh mái tóc bà xổ tung, tay bà liên tục rót sữa vào nồi, nấu ăn phục vụ những người đàn ông đang cụng ly và bàn chuyện thiên hạ. Bà từ chối ngồi chung mâm.
Ngược lại, Dodin chỉ nấu ăn cho Eugénie khi bà không thể vào bếp và khi cầu hôn bà. Ông ngỏ ý nấu cho bà thường xuyên hơn, bà lại từ chối: "Anh có những thứ hay ho hơn để làm".
Nhưng hạnh phúc viên mãn không cần là một hạnh phúc phải đạo. Dodin và Eugénie trong phim có thể khiến ta liên tưởng đến Vũ Bằng và người vợ trong tác phẩm yêu thích của đạo diễn Trần Anh Hùng, Thương nhớ mười hai, cuốn sách cũng được nhà văn đề tặng "người bạn chiếu chăn" của mình.
Hình ảnh Eugénie tất tả trong căn bếp cũng cùng một tông với hình ảnh của người vợ trong hồi ức của Vũ Bằng, khi người chồng nhâm nhi rượu sen Tây Hồ thì người vợ quạt chả cá.
Khi người chồng ra ngoài vui chơi thì người vợ đang trông nồi bánh chưng hay quấy nồi chè đậu.
Trong cả hai tác phẩm, người phụ nữ không chút gì oan ức trong tình yêu có phần bất đối xứng ấy.
Và trong cả hai tác phẩm, những món ăn được tác giả chọn làm nghịch đề của sự mất mát.
Ăn tức là yêu, ăn tức là nhớ và hương vị là bầu đựng giữ cho ký ức mãi không tiêu tán. Con người có thể vắng mặt nhưng vị của hoài cảm vẫn còn đó.
Trong Muôn vị nhân gian, Trần Anh Hùng có một sắp đặt tuyệt đẹp khi nối liền cảnh phim nhiều dự cảm buồn nhất với một cảnh dùng bữa như mọi ngày.
Những bữa ăn không thay đổi được sự chia ly tất yếu của mọi mối quan hệ trên đời, nhưng chí ít, khi sống ta đã có những bữa ăn cùng nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận