09/12/2022 13:48 GMT+7

Trăm thư viện sáng tạo cho học sinh vùng sâu

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Tháng 11-2022, dự án Thư viện Ước mơ đánh dấu cột mốc 100 thư viện sáng tạo trên khắp Việt Nam, đồng thời vừa được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2022.


Trăm thư viện sáng tạo cho học sinh vùng sâu - Ảnh 1.

Thư viện được nhóm triển khai tại Trường tiểu học Phước Ninh, Dương Minh Châu (Tây Ninh) - Ảnh: CTV

Bà Nguyễn Phi Vân - chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á - kể lại câu chuyện nguồn gốc của ý tưởng sáng lập dự án xây dựng những thư viện sáng tạo đến các trường học còn nhiều khó khăn ở Việt Nam.

Cho thư viện, "bảo hành" sách

* Hành trình 8 năm triển khai dự án Thư viện Ước mơ có gì đặc biệt, thưa bà?

- Trong một buổi tiếp xúc với thị trưởng Helsinki, tôi hỏi ông vì sao Phần Lan nhiều năm liền nằm trong tốp đầu danh sách các quốc gia sáng tạo? Thị trưởng trả lời rằng: "Bởi vì chúng tôi đã đầu tư vào giáo dục sáng tạo cho các em nhỏ cách đây 30 năm". Câu nói này như muốn "đâm" vào tim tôi.

Tôi nghĩ nếu muốn góp sức cho Việt Nam có những thế hệ sáng tạo thì cần bắt đầu bằng việc nuôi dưỡng những hạt giống sáng tạo cho các em lúc rất nhỏ. Trong giáo dục, môi trường cho sự sáng tạo không gì tốt hơn là thư viện. Chúng tôi bắt đầu thành lập một ban quản trị dự án, phần lớn là những doanh nhân có lòng với văn hóa đọc.

Chúng tôi xác định đây sẽ là thư viện sáng tạo. Chúng tôi sẽ lập một ban chuyên môn chuyên đọc và chọn sách, ưu tiên những quyển khơi gợi óc sáng tạo cho các em. Các quyển sách cũng sẽ cập nhật những xu hướng học tập, công nghệ mới. Mỗi thư viện sẽ có từ 1.000-1.500 đầu sách.

Ở những thư viện xuống cấp, chúng tôi có một phần kinh phí sửa chữa, sơn phết. Chúng tôi thêm vào những bộ bàn ghế tạo cảm hứng đọc sách hơn cho các em. Ở mỗi trường, chúng tôi tặng thêm một bộ máy tính.

* Đã có nhiều bên mang sách đến trường học nhưng không ít đơn vị chỉ tới cho sách rồi thôi. Khâu vận hành các thư viện đã được triển khai như thế nào?

- Đầu tiên, dự án sẽ liên kết với phòng giáo dục ở địa phương và cơ quan này sẽ đề nghị những trường mong muốn được hỗ trợ. Tiếp theo, dự án sẽ trực tiếp đến trường để xem xét, gặp gỡ các thầy cô, lãnh đạo trường để cảm nhận thực sự họ có quan tâm, có tâm huyết với hoạt động thư viện hay không.

Tặng thư viện thì dễ, để thư viện hoạt động tốt sau đó mới khó. Dự án sẽ ký với trường một thỏa thuận rằng thư viện sẽ vận hành liên tục trong vong 5 năm. Sau 6 tháng, chúng tôi thường có những đợt cập nhật sách mới, giống như "bảo hành".

Đội ngũ tình nguyện viên sẽ thường xuyên gọi điện thăm hỏi, thậm chí đến tận nơi để xem thư viện hoạt động ra sao. Nếu thư viện không mở cửa khi đến kiểm tra, chúng tôi hoàn toàn có thể lấy lại và tài trợ cho trường khác.

"Các em đã có sách đọc rồi"

Trăm thư viện sáng tạo cho học sinh vùng sâu - Ảnh 2.

Học sinh đọc sách của dự án Thư viện Ước mơ tại Trường tiểu học Thanh Bình A, Bù Đốp (Bình Phước) - Ảnh: CTV

* Bà nhận thấy có những thay đổi nào ở những ngôi trường mà dự án đi qua, đặc biệt về văn hóa đọc?

- Rất nhiều trường sau khi có thư viện đã mở những tiết đọc sách, tiết học trong thư viện. Ở nhiều trường, thầy cô vô cùng nhiệt huyết, triển khai những sự kiện hằng tuần, hằng tháng kích thích học sinh đọc sách, nào là kể chuyện sách, giới thiệu sách hay sáng tạo từ sách. Nhiều thầy cô còn tổ chức các chương trình cho học sinh xoay vòng mượn sách về nhà... 

Những thầy cô ở các trường khó khăn rất vui khi có được thư viện mới, sách mới. Như ở ngôi trường Trường tiểu học Kiên Thọ 1 (Thanh Hóa), hiệu trưởng, thủ thư đều rất tâm huyết với sách. Thầy cô cùng chúng tôi trang trí thư viện mới thật đẹp. Ngày khai trương thư viện, các cô đứng khóc hoài, nói với tôi rằng: "Các em có sách đọc rồi đó chị ơi!".

Cũng có những trường ở vùng núi miền Trung, hoàn toàn không có thư viện, có chăng chỉ là một tủ sách nhỏ ở phòng giáo viên. Rồi một ngày, ở những ngôi trường xa xôi, xuống cấp này, bỗng dưng có một thư viện rực sáng, đẹp mắt và đầy sách mới, hệt như một "thế giới thần tiên". 

Tôi nhớ hoài ánh mắt của các em đứng nép ngoài cửa nhìn vô, đến khi thư viện khai trương, chúng ùa vào ôm lấy sách, có đứa nằm bò ra ngay xuống sàn... 

Trong thời đại máy móc, giá trị của con người được thể hiện ở sự sáng tạo, ở tâm hồn và cảm xúc. Nếu không nuôi dưỡng từ nhỏ, những giá trị này chắc hẳn sẽ mất đi khi các em lớn lên. Một trong những nơi nuôi dưỡng chúng đến từ những "thế giới thần tiên" chúng ta đã nói".

Bà Nguyễn Phi Vân


Trăm thư viện sáng tạo cho học sinh vùng sâu - Ảnh 5.

Học sinh Trường tiểu học Trần Đại Nghĩa (Quảng Nam) đến đọc sách giờ ra chơi tại thư viện được dự án hỗ trợ - Ảnh: CTV

Dành phòng rộng nhất, đẹp nhất cho thư viện

Thầy Nguyễn Văn Phúc - hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Điện 1 (xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) - chia sẻ trong các phòng học tại trường, các thầy cô đã dành phòng lớn nhất, đẹp nhất để làm Thư viện Ước mơ.

Sách vở mới trong thư viện mở ra cho các em vùng sâu vốn còn gặp nhiều thiếu thốn này rất nhiều điều mới lạ. "Đọc sách cũng giúp năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh ở trường tốt hơn", thầy Phúc nói.

Trong khi đó, thầy Trần Phú Ninh - hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) - chia sẻ ngôi trường của ông nằm ở vùng miền núi khó khăn. Trước nay, dù các thầy cô rất quan tâm đến việc phát triển văn hóa đọc nhưng không đủ kinh phí triển khai.

Sau khi được dự án Thư viện Ước mơ hỗ trợ, thầy Ninh cho biết hiện thư viện đã có rất nhiều sách, đủ thể loại. Học sinh rất thích đến thư viện đọc nhờ thư viện có nhiều bàn ghế, sách mới, được bố trí đẹp mắt, khoa học…

Năm học mới 2022-2023: Đưa sách giáo khoa vào thư viện ra sao? Năm học mới 2022-2023: Đưa sách giáo khoa vào thư viện ra sao?

TTO - Hiện nhiều trường học, sở giáo dục và đào tạo đã có những cách khác nhau xây dựng tủ sách dùng chung cho học sinh. Sắp tới, ngân sách cũng có thể hỗ trợ cho việc này.


TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên