12/08/2020 11:01 GMT+7

Trạm thu phí ngay cửa ngõ Sài Gòn: Quá hạn dỡ bỏ 2 tuần vẫn trơ trơ

TRẦN VĂN TƯỜNG
TRẦN VĂN TƯỜNG

TTO - Trạm thu phí 'hết hạn sử dụng' nằm phơi mình dưới nắng mưa nhiều năm ở cửa ngõ nội thành TP.HCM trở thành mối nguy cho người, xe qua đây. Vì sao những trạm này chưa được tháo dỡ?

Trạm thu phí ngay cửa ngõ Sài Gòn: Quá hạn dỡ bỏ 2 tuần vẫn trơ trơ - Ảnh 1.

Trạm thu phí Bình Triệu phải tháo dỡ trước 31-7-2020 nhưng đến nay vẫn “yên vị” - Ảnh: VĂN BÌNH

Xe container đang chạy trên xa lộ Hà Nội (quận 9, TP.HCM), cửa thùng phía sau mở toang đã va mạnh làm cabin trạm thu phí văng ra nhiều mảnh rơi xuống mặt đường, rớt cả cửa thùng xe.

Hiểm họa hằng ngày

Rất may chiếc xe này không bị đảo hướng chạy qua làn bên cạnh và các phương tiện phía sau kịp dừng lại. Nhiều ý kiến lên án tài xế. Nhưng nhìn góc khác, tai nạn này có nguyên nhân từ việc trạm thu phí "hết hạn sử dụng" vẫn còn nằm trơ mình giữa đường.

Thường xuyên lưu thông qua khu vực này (hướng từ Q.9, Thủ Đức vào nội thành), không ít lần tôi phải thắng gấp vì xe phía trước đi chậm đột ngột khi tới trạm thu phí trên làn đường cho phép ôtô đi với vận tốc 80km/h. 

Tôi cũng nhiều lần chứng kiến nhiều vụ va quẹt, té ngã tại đây. Bạn tôi chạy xe máy trời tối không để ý đã va vào dải bêtông trạm thu phí bị chấn thương nặng ở vùng đầu, suýt mất mạng. Những ai lần đầu qua đây, lưu thông tốc độ nhanh lại càng khó chủ động xử lý tình huống khi điều khiển xe qua góc hẹp có bề rộng vừa đủ cho một chiếc ôtô.

Lượng xe từ cầu Sài Gòn về Suối Tiên, sau khi xuống dốc cầu Rạch Chiếc, lưu thông càng nhanh, dễ xung đột trực tiếp với dòng xe buộc phải chạy chậm tại trạm thu phí.

Trạm thu phí này đã ngưng hoạt động, bỏ hoang hơn 2 năm rưỡi qua. Ngoài vạch kẻ bằng sơn trắng dưới mặt đường thì không có biện pháp nào khác cảnh báo, an toàn cho người tham gia giao thông.

Nút thắt cổ chai nguy hiểm

Xa lộ Hà Nội có rất nhiều xe ôtô và xe container. Từ khi trạm thu phí ngưng hoạt động, không còn cảnh dừng xe mua vé, các phương tiện lưu thông qua lại rất nhanh. Trạm thu phí trở thành nút thắt cổ chai, chiếm dụng phần lớn mặt đường, cản trở giao thông.

Trạm thu phí này không tháo dỡ bởi được cho là chờ tận dụng thu phí hoàn vốn cho dự án mở rộng thêm xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 đoạn từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn. Trước đó, trạm thu phí này đã phục vụ hoàn vốn cho 2 dự án mở rộng nâng cấp xa lộ Hà Nội và xây mới cầu Rạch Chiếc, kết thúc từ cuối năm 2017.

Tương tự, trạm thu phí cho dự án sửa chữa nâng cấp cầu Bình Triệu cũ (Thủ Đức) đưa vào khai thác năm 2010, hoàn vốn kết thúc nhiều năm qua cũng chưa được tháo dỡ.

Thời gian qua xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông bởi vướng chướng ngại vật trên đường. Dư luận từng bức xúc trước cái chết tức tưởi của một thanh niên sau khi tông vào dải kết cấu bêtông đặt chưa hợp lý án ngữ giữa đường dẫn lên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Lưu thông trên đường, một sơ suất nhỏ hay gặp chướng ngại vật cũng có thể dẫn đến tai nạn. Cơ quan, đơn vị quản lý kịp phát hiện các bất ổn và xử lý có trách nhiệm sẽ giảm bớt bất an trên đường. Cần lường trước các rủi ro để cảnh báo, ngăn ngừa. Đừng chờ "mất bò mới lo làm chuồng", chỉ chấn chỉnh khi đã xảy ra tai họa thì mới vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Xa lộ Hà Nội và quốc lộ 13, vị trí đặt trạm thu phí bỏ hoang quá lâu nói trên là cửa ngõ giao thông quan trọng giữa TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và thường xuyên xảy ra ách tắc, kẹt xe nghiêm trọng ở khu vực trạm thu phí, nhất là trong những khung giờ cao điểm, dịp lễ, tết.

Về nguyên tắc, khi đã hoàn vốn hay dừng dự án buộc phải tháo dỡ trạm thu phí. Mỗi trạm thu phí chỉ phục vụ cho một dự án, người tham gia giao thông chỉ trả phí cho đoạn đường mình đi. Giải pháp thu phí theo quy định mới là áp dụng công nghệ tự động điện tử không dừng để minh bạch, tránh sự can thiệp từ nhân viên thu phí thủ công nên không cần làm trạm có quy mô quá lớn. 

Trạm thu phí bỏ hoang nhiều năm hẳn sẽ xuống cấp, hư hỏng các cấu kiện và thiết bị điện tử, chiếm dụng phần lớn diện tích mặt đường gây cản trở giao thông, bức xúc cho người đi đường. Trong khi đó, nhà đầu tư và cơ quan chức năng thiếu biện pháp hữu hiệu để đảm bảo an toàn.

Mong rằng cơ quan chức năng sớm có giải pháp phù hợp, nên chăng là tháo dỡ 2 trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội và quốc lộ 13. Dự án làm ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó, tránh gây bức xúc cho người dân. Luật PPP, trong đó có quy định đầu tư BOT không được làm dự án trên tuyến đường độc đạo.

Sẽ tháo dỡ trạm thu phí Bình Triệu

Hai trạm thu phí ở hai đầu cầu Bình Triệu 1 và 2 đã dừng thu phí từ năm 2017 đến nay gây cản trở giao thông ở khu vực này. Sở dĩ các trạm thu phí này chưa được tháo dỡ vì Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - CII (chủ đầu tư) dự định đầu tư dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn 2 để tiếp tục sử dụng các trạm thu phí trên thu phí trở lại.

Tháng 7-2020, UBND TP.HCM đã giao cho các sở ngành khẩn trương làm thủ tục chấm dứt hợp đồng BOT dự án trên bởi theo nghị quyết của Quốc hội, không thực hiện các dự án BOT trên các tuyến đường cũ. Đồng thời, UBND TP chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP.HCM giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ tổ chức tháo dỡ 2 trạm thu phí này trước ngày 31-7-2020. Nhưng đến nay trạm thu phí này vẫn chưa được tháo dỡ.

Trạm thu phí xa lộ Hà Nội (TP.HCM) sẽ được giữ lại. Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - chủ đầu tư dự án mở rộng xa lộ Hà Nội - đang chờ các cơ quan thẩm quyền xem xét để tổ chức thu phí trở lại trên xa lộ Hà Nội. Vì vậy, việc duy trì trạm thu phí sẽ tránh được lãng phí vài chục tỉ đồng so với việc đập bỏ rồi sau đó xây dựng lại trạm thu phí. (N.ẨN)

Cửa thùng xe container mở toang, Cửa thùng xe container mở toang, 'quét sụm' cabin trạm thu phí ở xa lộ Hà Nội

TTO - Xe container đang chạy trên xa lộ Hà Nội (quận 9, TP.HCM), bất ngờ cửa thùng container phía sau mở toang rồi va vào cabin trạm thu phí khiến cabin nát bét, cánh cửa bị rớt.

TRẦN VĂN TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên