18/08/2020 11:21 GMT+7

Trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội dự kiến thu phí trở lại từ tháng 11-2020

ĐỨC PHÚ
ĐỨC PHÚ

TTO - Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về phương án giá dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn.

Trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội dự kiến thu phí trở lại từ tháng 11-2020 - Ảnh 1.

BOT xa lộ Hà Nội - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Trong tờ trình, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết sau khi rà soát các thủ tục, các đơn vị sở ngành TP đề xuất thời điểm bắt đầu thu phí dự kiến từ 0h ngày 1-11-2020.

Việc thu phí trở lại nhằm hoàn vốn cho dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) làm chủ đầu tư.

Về mức thu đề xuất, ôtô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn 30.000 đồng/lượt; ôtô 12 - 30 chỗ và xe tải 2 - 4 tấn 45.000 đồng/lượt; ôtô từ 31 chỗ trở lên, xe tải 4 - 10 tấn 60.000 đồng; xe tải 10 - 18 tấn, xe container loại 20 feet 120.000 đồng/lượt; xe tải trên 18 tấn, xe container loại 40 feet 170.000 đồng.

Xe mua vé tháng và quý được giảm 10% giá vé.

Mức giá nêu trên là giá tối đa để chủ đầu tư dự án thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Khung giá được tính toán cho giai đoạn 2020-2024, sau khi khảo sát lưu lượng xe qua trạm. Cứ 5 năm sẽ điều chỉnh giá một lần cho phù hợp, tổng thời gian thu phí dự án 17 năm 9 tháng.

Trạm BOT sẽ miễn, giảm cho 11 nhóm xe, gồm xe máy và các loại xe chuyên dùng như cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát...

Đồng thời, Sở Giao thông vận tải TP đề xuất giảm 100% cho xe buýt TP.HCM tuyến cố định chạy qua trạm; 50% cho ôtô dưới 12 chỗ không kinh doanh, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng (trước ngày trạm thu phí hoạt động) ở mặt tiền hai đường song hành xa lộ Hà Nội (quận 2, 9 và Thủ Đức).

Trước đó, sau cuộc họp về phương án thu phí hoàn vốn cho dự án tháng 7-2020, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan kết luận việc chậm triển khai công tác thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 sẽ tăng chi phí lãi vay phát sinh dự án, ảnh hưởng ngân sách TP.

Do đó, lãnh đạo UBND TP giao Sở Giao thông vận tải TP phối hợp Sở Tài chính và chủ đầu tư nghiên cứu, khảo sát thực tế về chính sách thu phí đối với các đối tượng, đặc biệt tại khu vực thu phí, vốn chủ sở hữu và vốn đầu tư dự án, phương án tổ chức thu phí tự động... Từ đó, đề xuất giá dịch vụ đường bộ theo đúng quy định pháp luật và phù hợp hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư; tham mưu UBDN TP.

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội được thu phí hoàn vốn cho 3 dự án kế tiếp. Dự án đầu tiên đã kết thúc từ năm 2013. Dự án thứ hai xây cầu Rạch Chiếc mới thu phí từ ngày 1-1-2014 đến 31-12-2017.

Riêng dự án thứ ba mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 dài 15,7km, 12 - 16 làn xe chưa thu phí hoàn vốn. Trong đó đoạn 1 từ cầu Sài Gòn đến nút giao Bình Thái (rộng 153m), đoạn 2 từ Bình Thái đến nút giao trạm 2 (rộng 113m) và đoạn 3 từ nút giao trạm 2 đến Tân Vạn (rộng 113m).

Năm 2009, dự án trên được UBND TP phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 2.516 tỉ đồng và điều chỉnh lại năm 2016, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 4.900 tỉ đồng.

Đến thời điểm này, toàn bộ dự án hoàn thành khoảng 76%. Trong đó đoạn trục chính dài 11,5km, từ cầu Sài Gòn đến cuối nút giao Đại học Quốc gia đã hoàn thành; đoạn còn lại chưa xong do vướng mặt bằng.

Thu phí ở trạm xa lộ Hà Nội (TP.HCM): CII khẳng định làm đúng pháp luật Thu phí ở trạm xa lộ Hà Nội (TP.HCM): CII khẳng định làm đúng pháp luật

TT - Hiện có nhiều ý kiến cho rằng trạm thu phí xa lộ Hà Nội thuộc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng TP.HCM (CII) thu phí trái với quy định của pháp luật.


ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên