“Trạm thu giá BOT Cai Lậy” bố trí phòng làm việc cho phóng viên khi xảy ra vụ tài xế phản ứng việc đặt trạm thu phí không đúng chỗ - Ảnh: Mậu Trường
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu các ý kiến dưới đây:
* Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM):
Ban hành quy định giá dịch vụ là không phù hợp
Theo giải thích của Bộ GTVT, việc đổi tên của trạm thu phí sang trạm thu giá là căn cứ theo quy định tại thông tư 35 năm 2016 của Bộ GTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do bộ này quản lý.
Thông tư 35 lấy Luật giá 2012 và Luật giao thông đường bộ 2008 làm căn cứ ban hành. Tuy nhiên, Luật giá và Luật giao thông đường bộ không có bất cứ quy định nào điều chỉnh về vấn đề giá dịch vụ sử dụng đường bộ trong lĩnh vực giao thông.
Căn cứ vào luật không có nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh của thông tư là trái với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về phí "sử dụng đường bộ" vốn đã, đang tồn tại và được quy định tại phụ lục số 1 - Luật phí và lệ phí năm 2015. Và theo luật này, phí sử dụng đường bộ là một loại thu của dịch vụ công. Và tất nhiên, phí thu tại các trạm BOT không thuộc loại phí này.
Luật phí và lệ phí, tại phụ lục 2 đã quy định thêm một loạt các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ "phí" sang "giá dịch vụ" do Nhà nước định giá. Trong đó, có phí "sử dụng đường bộ" sang một tên gọi khác là "Dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh".
Có nghĩa, ngoài phí "sử dụng đường bộ" thu thường niên đang tồn tại thì còn có một loại phí thu tại trạm BOT được chuyển sang tên gọi khác. Điều đó có nghĩa rằng tình trạng "phí chồng phí" mà dư luận đặt ra đã xảy ra từ trước cho đến khi có Luật phí và lệ phí là có cơ sở.
Để tránh tình trạng này, Bộ GTVT đã nghĩ ra một tên gọi khác cho một khoản phí, và cho mình quyền định giá, bằng thông tư 35 nói trên. Để có cơ sở ban hành thông tư 35, Bộ GTVT căn cứ vào Luật giá, nhưng theo Luật giá thì phí "sử dụng đường bộ" không thuộc danh mục dịch vụ do Nhà nước định giá.
Tuy nhiên, nghị định 149/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật giá bổ sung căn cứ cho phép bộ trưởng Bộ GTVT quy định mức giá sử dụng đường bộ. Nhưng đây là nghị định hướng dẫn Luật giá, mà Luật giá không có quy định về loại "giá" này thì căn cứ ban hành về cơ bản là sai.
Vì vậy, Bộ GTVT căn cứ Luật giá, nghị định 149/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật giá để ban hành quy định "giá dịch vụ" tại các trạm BOT là không phù hợp pháp luật.
Nói tóm lại, khoản thu gọi là "thu giá" là thu cho đơn vị ngoài nhà nước. Luật hóa khoản thu này là để Nhà nước định giá khoản thu của tư nhân. Khoản "thu giá" về bản chất là để hoàn vốn cho chủ đầu tư, nên gọi nó là phí đã không chuẩn, nay gọi là "thu giá" lại càng không chuẩn. Theo tôi, cần trả về đúng bản chất và tên gọi của nó, theo nguyên tắc có sự tham gia của người dân và không áp đặt giá.
* Ông Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao):
"Trạm thu giá" - tên gọi vừa hài hước vừa ấu trĩ!
Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề với nhau, đối tượng thu ở đây là gì? Thuật ngữ đơn giản và hiểu đơn giản đó là nhà đầu tư làm đường dự án BOT, xe muốn đi vào đường đó để hưởng đường tốt thì phải trả tiền, nói chính xác là thu phí sử dụng đường BOT.
Như vậy là phí mới là đối tượng chứ giá không phải là đối tượng thu. Phí là chỉ vào đồng tiền, còn giá không chỉ vào đồng tiền.
Bộ GTVT căn cứ vào nghị định 49 hướng dẫn điều 24 của Luật phí, lệ phí, trong đó quy định về kê khai giá, niêm yết giá, kiểm soát hình thành giá... và không có chữ nào quy định về thu giá. Nghị định này cũng không giải thích một chữ nào về trạm thu giá cả.
Bộ GTVT đưa ra một thuật ngữ mà tôi thấy vừa tiếu lâm vừa non nớt cả về ngôn ngữ và pháp lý. Cần phải bỏ trạm thu giá và khẳng định lại đây là trạm thu phí.
Vì sao trạm thu phí bỗng biến thành trạm thu giá sau một đêm? Cụm từ 'trạm thu giá' có bóp méo tiếng Việt? Mời bạn trả lời câu hỏi này và bày tỏ quan điểm sau phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận