Phóng to |
Một “cò” đang “nghiên cứu” biên bản và nhận tiền của người vi phạm để đóng phạt thay (ảnh chụp trước đội xử lý vi phạm Phòng CSGT Bình Phước) - Ảnh: H.K. |
Phóng to |
“Cò” Nguyệt đang “làm giá” với một tài xế để lo bao đậu học lại Luật giao thông (ảnh chụp ngày 6-6, trước đội xử lý vi phạm Phòng CSGT Bình Dương) - Ảnh: H.K. |
Theo quy định, những trường hợp bị tước giấy phép lái xe trên 30 ngày đều phải học lại Luật giao thông tại một trong ba địa điểm: nơi lập biên bản vi phạm, nơi có hộ khẩu thường trú và nơi làm việc (tạm trú).
Sau khóa học, học viên thi kiểm tra lý thuyết, nếu đạt mới được cấp giấy chứng nhận. Hết thời hạn tước bằng, nếu người vi phạm xuất trình được giấy chứng nhận học luật mới được trả lại bằng.
Tuy nhiên, tại một số đơn vị xử lý của cảnh sát giao thông (CSGT) đã xảy ra nạn chung chi để học thay, thi thay hoặc mua bán giấy chứng nhận học luật, tạo điều kiện cho người vi phạm lấy bằng ra một cách dễ dàng.
“Cò” hoạt động công khai
Chiều 1-6 tại 282 Nơ Trang Long (Bình Thạnh, TP.HCM) - địa điểm tổ chức học và cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm tra lại Luật giao thông đường bộ cho các trường hợp bị tước giấy phép lái xe - một nhóm “cò” ùa tới nhao nhao hỏi khi thấy chúng tôi: “Đi đăng ký xe hay học luật đại ca?”.
Thấy anh tài xế chìa tờ quyết định xử phạt, một “cò” la lớn: “Giam bằng 60 ngày. Bao học luật, không cần thi, chỉ cần có mặt ký tên, một tiếng sau có giấy”.
Nhân, một “cò” có “số má” ở đây, xề tới hớt tay trên: “Anh đưa quyết định phạt, biên lai đóng tiền, chứng minh nhân dân. Em tự mang hồ sơ lên 393 Trần Hưng Đạo (tổ xử lý của phòng CSGT) đăng ký. Đúng hẹn chỉ cần có mặt ký tên rồi nhận giấy chứng nhận. Giá 1,5 triệu đồng”.
Tài xế “trình bày hoàn cảnh” nhà xa, không có thời gian, Nhân nói: “Không có mặt thì giá khác”. Nói rồi Nhân đi vào trong “hỏi sếp cho chắc ăn”. Lát sau Nhân quay ra hét giá: “4 triệu, lo trọn gói, không cần có mặt, không xong trả lại tiền”. Tài xế năn nỉ bớt chút đỉnh, Nhân lắc đầu: “Vụ này em kiếm 500.000 đồng, còn 3,5 triệu đưa hết mấy ổng”.
Sáng 6-6, chúng tôi đến Phòng CSGT Công an Bình Dương (3 Yersin, Thủ Dầu Một). Một nhóm “cò” đội lốt xe ôm, bán thuốc... có mặt trước cổng đội xử lý vây đến chèo kéo, ra giá. Có máu mặt trong giới “cò” chạy biên bản ở đây là các “trùm” Nguyệt, Hải, Quang...
Dưới các “trùm cò” có một đội quân chuyên bắt mối, dẫn khách và chạy dịch vụ đóng phạt nhanh. “Cò” ở đây có thể “binh” được giấy chứng nhận học luật, “giải cứu” giấy phép lái xe hoặc phương tiện trước thời hạn, chuyển từ lỗi nặng sang lỗi nhẹ, hủy biên bản, đóng phạt thay...
Vừa bước qua cổng, chúng tôi gặp “cò” Quang đang làm giá với một tài xế bị tước bằng 60 ngày. Quang nói với mức phạt này phải học lại luật. Nếu lo thi đậu giá 1,5 triệu đồng, lấy bằng ra ngay giá 6 “chai” (6 triệu đồng). Tài xế than nhà xa, người khác học và thi hộ được không, Quang nói được và ra giá 2 triệu đồng.
Để củng cố lòng tin, Quang xòe một nắm tiền ra khoe: “Mới lấy được một bằng lái bị giam 30 ngày với giá 3,4 triệu đồng”. Khi chúng tôi hỏi vụ này bỏ túi bao nhiêu, Quang nhăn mặt: “Được có “hai xị” (200.000 đồng), còn lại cho các sếp”.
Tại khu vực nhận hồ sơ, “cò” Dũng đang “xử lý” một vụ vi phạm vượt quá tốc độ. Anh Nguyên (ngụ TP.HCM) cho biết ngày 13-4 Phòng CSGT Bình Dương ra quyết định xử phạt tài xế 1 triệu đồng, tước bằng 30 ngày.
Do tài xế bỏ việc, chủ xe đi vắng, anh Nguyên (người làm thuê) đi đóng phạt thay nhưng cán bộ không giải quyết (theo quy định người vi phạm hoặc chủ xe đi xử lý). Sau khi được “cò” Dũng “trợ giúp” với giá 5 “xị”, anh Nguyên được cho nộp phạt, nhận lại giấy tờ xe.
Chiều 6-6, tại quán cà phê đối diện đội xử lý vi phạm Phòng CSGT Bình Phước (Trần Hưng Đạo, thị xã Đồng Xoài), anh Hào (ngụ TP.HCM) cho biết xe anh vi phạm vượt quá tốc độ, bị giữ giấy đăng ký xe. Do tài xế bỏ trốn nên chủ xe ủy quyền cho anh đi đóng phạt.
Chầu chực hai giờ nhưng không được giải quyết, anh Hào đành nhờ “cò” Hải với giá 5 “xị”. Hải móc điện thoại gọi điện cho ai đó đọc tên tài xế rồi dặn anh Hào vào gặp cán bộ xử lý. Chừng 5 phút sau, anh Hào vào lấy quyết định đi đóng phạt và nhận lại giấy tờ. Nghe anh Hào nói “còn biên bản tước bằng 60 ngày”, Hải ra giá 2 “chai” bao học luật và có người làm bài sẵn, còn lấy bằng lái bị giam 60 ngày thì phải mất 5 “chai”.
Tại các điểm xử lý vi phạm của đội CSGT Hàng Xanh, Rạch Chiếc, Bến Thành, Bàn Cờ... (thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM) “cò” cũng hoạt động công khai. Tùy lỗi nặng hay nhẹ, chỉ cần lo đủ tiền là nguyện vọng của người vi phạm được đáp ứng ngay.
Một buổi đi thi
Ngày 25-4, đội CSGT Rạch Chiếc (TP.HCM) lập biên bản vi phạm tài xế P.T.T. (thường trú Bà Rịa - Vũng Tàu) điều khiển ôtô vi phạm lấn tuyến và đưa hối lộ 200.000 đồng. Sau đó Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM ra quyết định xử phạt tài xế này 3,7 triệu đồng, tịch thu 200.000 đồng đưa hối lộ và tước bằng lái 60 ngày (từ 25-4 đến 24-6).
Theo quy định, anh T. phải đăng ký học luật tại TP.HCM (nơi lập biên bản vi phạm) hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu (nơi thường trú). Do không có thời gian học luật, anh T. nhờ một người bạn lo giúp.
Chiều 6-6, anh Mạnh (bạn tài xế T.) đến đội xử lý vi phạm Phòng CSGT Bình Dương đăng ký học luật cho anh T. (đúng ra anh T. không được đăng ký học luật ở đây). “Cò” Nguyệt ra giá 1,5 triệu đồng gồm: bao đậu lý thuyết, có người làm bài sẵn, chỉ cần có mặt ký tên.
Anh Mạnh nói tài xế bận không thể có mặt, Nguyệt gọi điện “xin ý kiến sếp” rồi thông báo “người khác thi thế chắc giá 1,8 triệu”. Anh Mạnh đưa trước cho Nguyệt 1,5 triệu đồng. Nguyệt đếm tiền đút túi rồi dặn sáng 8-6 đưa người đến đăng ký học luật.
Đúng hẹn, anh Mạnh đưa một lơ xe tên Thịnh đi học luật thay tài xế T.. Thịnh nói viết chữ không rành, “cò” Nguyệt động viên: “Biết ký tên là được”. 8g, các học viên tập trung tại căn phòng ở lầu 1 đăng ký học luật. Thịnh trình chứng minh nhân dân mang tên P.T.T. cho một vị trung tá CSGT kiểm tra rồi ký tên.
Đăng ký xong, các học viên được phát mỗi người một cuốn luật để học tại chỗ (tán gẫu, nghe điện thoại là chính). 9g các thí sinh được nghỉ giải lao. Mạnh ai nấy đi uống cà phê, ăn sáng... 9g45, học viên quay lại phòng học.
Trung tá Lương Văn Thanh phổ biến ngắn gọn thể lệ thi. Tiếp đó trung tá Thanh yêu cầu học viên đánh dấu 100 câu lý thuyết rút gọn từ cuốn luật (405 câu) và dặn trưa về tranh thủ học. Trong 100 câu “tủ” này sẽ thi 20 câu, nếu làm đúng 16 câu là đạt. Thi xong 30 phút có giấy chứng nhận.
10g, học viên ra về. Thịnh nhăn nhó đòi bỏ ngang vì “đánh vần cả buổi thuộc hai câu”. Anh Mạnh chở Thịnh đến một quán nhậu trên đại lộ Bình Dương làm vài chai bia lấy tinh thần. 13g40 Thịnh là đà bước vào phòng thi. “Cò” Nguyệt đứng trước cửa quát: “Có say không đó?”, Thịnh nhe răng cười: “Còn biết ký tên mà”.
14g20, Thịnh cùng nhóm học viên bước ra phòng thi ngồi bên lề đường chờ lấy giấy chứng nhận. Hỏi đề thi khó không, Thịnh cười: “Trên đề thi có ai đó đánh dấu sẵn, em chỉ việc điền vào là xong”. Lân la dò hỏi, một tài xế cho biết nhờ “cò” lo bao đậu với giá 1 triệu đồng.
14g45, Thịnh và nhóm học viên vào lấy giấy chứng nhận “tốt nghiệp” do thượng tá Trần Minh Hữu ký (Thịnh đánh dấu đúng 18 câu).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận