Vào đầu năm nay, tổ chức chuyên thu thập dữ liệu và phân tích thị trường là J.D. Power công bố kết quả nghiên cứu cho thấy 21% người dùng xe điện không sạc được xe tại các trạm sạc ngoài trong năm 2022 tại Mỹ.
Tỉ lệ này tăng khá nhanh so với năm 2021 (15%). Tại một số khu vực hoặc với nhà cung cấp khác nhau, tỉ lệ này lên tới 39%.
Thông số trên cho thấy phần cứng các trạm sạc đang có dấu hiệu xuống cấp khá nhanh. Số lượng trạm sạc xe điện có thể càng ngày càng tăng. Nhưng điều đó chẳng có nghĩa lý gì khi những trạm sạc cũ chỉ có vài cổng còn hoạt động được sau một thời gian.
Xây dựng một mạng lưới sạc xe điện hoàn chỉnh là vấn đề không hề dễ dàng. Công đoạn này chắc chắn không thể được thực hiện với một bên duy nhất. Thay vào đó, rất nhiều công ty hay tổ chức khác nhau phải cùng tham gia.
Lấy ví dụ, có bên cung cấp điện, bên lắp đặt, các hãng xe cung cấp phần mềm và thậm chí là cả các mạng lưới thanh toán. Hiện tượng "nghẽn cổ chai" có thể tới bất kỳ lúc nào nếu một trong các yếu tố phía trên gặp sự cố.
Nếu phải kể tên mạng lưới sạc công cộng hoàn chỉnh nhất, phải kể đến Tesla Supercharger.
Nay đã bước sang thập kỷ thứ 2 có mặt trên thị trường (ít nhất là tại Mỹ), Supercharger luôn là điểm đến đáng tin cậy cho người dùng Tesla.
Việc hãng xe Mỹ này vừa là bên sản xuất xe, vừa kiêm luôn mảng xây dựng, thiết kế cũng như lắp đặt trạm sạc giúp mối liên kết giữa xe và trạm cực kỳ vững chắc.
Phần mềm xe, phần mềm sạc và ứng dụng thanh toán cũng do hãng làm nốt càng khiến mọi thứ được đồng bộ hóa tốt hơn.
Vậy phần còn lại của thị trường thì sao? Mỗi hệ thống sạc công cộng được một công ty riêng lẻ xây dựng (hoặc thuê nhiều bên thực hiện) và quản lý.
Quan trọng hơn, hệ thống sạc này phải phục vụ tốt xe điện tới từ nhiều hãng (dù có chung giao thức cổng sạc). Đây không phải vấn đề dễ giải quyết.
Liên kết giữa người dùng và hệ thống trạm sạc coi như không có. Họ phải tự mày mò từ đầu từ mọi công đoạn.
Liên kết giữa bên cung cấp dịch vụ sạc và các hãng xe cũng khá mờ nhạt, dẫn tới việc khi hãng cập nhật phần mềm xe liên kết này có thể bị phá vỡ.
Kết quả là người dùng không sạc được, đặc biệt là với công nghệ sạc nhanh. Thời gian khắc phục những sự cố như vậy cũng không phải là ngắn.
Sự khác biệt giữa bên cung ứng cũng dẫn tới sự khác biệt về phương thức thanh toán. Nếu đi hành trình dài dễ gặp cảnh mỗi trạm sạc từ một bên cung cấp khác nhau và có cổng thanh toán khác nhau.
Việc phải tải nhiều ứng dụng khác nhau (mà đôi khi người dùng chỉ dùng một lần) để thanh toán, liên kết tài khoản của mình với từng ứng dụng và đôi khi còn gặp lỗi thanh toán là một bất tiện không nhỏ. Một số mạng lưới còn yêu cầu người dùng phải đăng ký thành viên.
Việc trả tiền mà không thông qua ứng dụng smartphone cũng là cực kỳ khó khăn. Tại Mỹ mới có một số trạm sạc tích hợp cả máy đọc thẻ tín dụng. Nhưng đây cũng không phải phương thức đáng tin cậy nhất khi vẫn có thể gặp sai sót.
Thứ mà thị trường và người dùng cần là một sự đồng bộ hóa theo chuẩn toàn cầu giống những gì Tesla đạt được. Mạng lưới sạc, xe (được định dạng qua số VIN) và hãng xe cần một giao thức chung.
Plug And Charge - một giao thức đang được các hãng xe như Audi, Ford, Mercedes-Benz và Porsche hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ sạc công cộng lớn nhất nước Mỹ là Electrify America sử dụng - là một ví dụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận