
Khu chăn nuôi rộng hơn 50ha nhưng chủ yếu bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất đai - Ảnh: AN ANH
Trạm Nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi Ninh Thuận (gọi tắt là trạm nghiên cứu) của Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây, thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Đa phần đất bị bỏ hoang
Dự án được đầu tư hơn 22 tỉ đồng với nhiều kỳ vọng sẽ tuyển chọn và nhân giống đàn dê, cừu chất lượng cao cho Ninh Thuận, khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Thế nhưng hiện nay trạm chỉ nuôi cừu, không nuôi dê và hoạt động cầm chừng gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai ở huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận).
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, trạm nghiên cứu được giao hai khu đất để xây dựng khu chăn nuôi nhân giống dê, cừu và khu điều hành với tổng diện tích gần 73ha.
Hiện nay khu vực trạm chăn nuôi nhân giống ở xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) đã trở nên hoang tàn, từ cổng vào đến khu nhà bảo vệ rất nhếch nhác, cỏ dại mọc um tùm.

Vừa vào cổng là cảnh hoang phế, lác đác cừu chăn thả tự do - Ảnh: AN ANH
Vào sâu bên trong, chúng tôi gọi mãi mới có người ra tiếp chuyện. Người này tên Cảnh, đang phụ trách công tác thú y. Ngoài ra, trạm còn có hai người khác làm nhiệm vụ chăn cừu.
Theo anh Cảnh, hiện nay nhiều hạng mục của trạm nhân giống dê, cừu Ninh Thuận đang không hoạt động, chỉ có các kho dùng để chứa rơm. Ngoài ra, toàn trạm đang nuôi khoảng 550 con cừu, không có con dê nào.
Còn tại khu vực nhà điều hành nằm ngay mặt tiền quốc lộ 1 không khác gì một bãi đất hoang. Tấm bảng ghi tên đã bay màu, bong tróc rất nham nhở.
Bên trong khu vực có hai dãy nhà, các văn phòng làm việc đều cửa đóng then cài, không một bóng người dù đang giờ hành chính.

Khu nhà điều hành nằm ngay mặt tiền quốc lộ 1 không một bóng người, cỏ dại mọc um tùm - Ảnh: AN ANH
Trong vai người dân, chúng tôi liên hệ điện thoại với người tên Luyến để mua giống dê, cừu nhưng người này cho biết không có mặt ở Ninh Thuận, khu văn phòng hiện chỉ có một bảo vệ trông coi.
“Nhân viên chủ yếu ở khu vực chăn nuôi, khu hành chính chỉ có mình bác bảo vệ là nhân viên”, bà Luyến nói.
Kiến nghị thu hồi để giao đất cho dân sản xuất
Theo UBND huyện Thuận Bắc, trên cơ sở xem xét thực tế hoạt động của dự án nghiên cứu giống dê, cừu nói trên chỉ ở mức độ cầm chừng, chưa thực sự phát huy hiệu quả của dự án.
Hiện nay, số lượng dê, cừu đang nuôi tại trạm này chỉ khoảng 500 con, phần lớn diện tích đất đều bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên đất đai ở địa phương khó khăn như Thuận Bắc.

Đa phần cơ sở hạ tầng khu chăn nuôi đều đang bỏ trống - Ảnh: AN ANH
“Trạm nghiên cứu dê, cừu Ninh Thuận không liên hệ với UBND huyện Thuận Bắc để triển khai thực hiện cũng như không báo cáo tình hình chăn nuôi (quy mô, mục tiêu, cách thức sản xuất…). Hiện huyện chưa có báo cáo kết quả đánh giá hiệu quả của chương trình” - báo cáo của UBND huyện Thuận Bắc nêu rõ.
Ngoài ra, việc đất “dự án” bị bỏ hoang, trong khi người dân lại thiếu đất sản xuất làm phát sinh các trường hợp lấn chiếm đất đai. Thực tế đã có hai trường hợp người dân lấn chiếm đất, ảnh hưởng công tác quản lý đất đai tại địa phương.
Ông Nguyễn Châu Cảnh - trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thuận Bắc - cho biết thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, người dân có kiến nghị thu hồi một phần diện tích đất của trạm nhân giống dê, cừu Ninh Thuận để cấp cho người dân sản xuất nông nghiệp, tránh để lãng phí.
“Vấn đề này huyện cũng đã có ý kiến lên cấp trên để xem xét giải quyết”, ông Cảnh cho hay.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, ban đầu dự án trạm nghiên cứu nói trên được cấp hơn 70ha đất để thực hiện dự án.
Tuy nhiên, một phần diện tích dự án này sau đó được thu hồi để thi công cao tốc Bắc - Nam và hệ thống đường gom, hiện dự án còn hơn 50ha.
Ngoài ra dự án này còn gần 3ha ngay mặt tiền quốc lộ 1 để làm khu điều hành.
Trước đó, kết luận thanh tra của UBND tỉnh Ninh Thuận năm 2023 đã nêu rõ từ năm 2006 (từ khi xây dựng) đến năm 2017, trung tâm này không đóng góp hay hỗ trợ gì cho ngành nông nghiệp Ninh Thuận.
Từ 2018 - 2020, trung tâm bắt đầu có hỗ trợ giống và tập huấn cho một số cán bộ khuyến nông và nông dân trên địa bàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận