Văn kiện của dòng họ Hồ Đắc
"Chúng tôi cảm động và vui mừng lắm khi con cháu dòng họ Hồ Đắc ly tán mấy trăm năm nay đã hợp phả. Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm để củng cố thêm bằng chứng chắc chắn cho công việc nối kết này!
Ông Hồ Đắc Thuận
Cây có cội, nước có nguồn
Từ TP.HCM, tôi nghe một người trong họ Hồ Đắc nói: "Về xã Long Trung hỏi ngôi nhà thờ họ Hồ Đắc thì ai cũng biết cả!".
Quả không sai, ngay từ trung tâm xã một em học sinh cho tôi biết: "Chú cứ theo con đường ven kênh này là gặp, cả vùng này chỉ có mỗi cái nhà thờ họ ấy thôi!".
Ngôi nhà thờ họ Hồ Đắc nằm giữa vùng sông nước mượt xanh cây trái. Nghe tiếng chó sủa, một người phụ nữ sống cạnh bên bước ra mở cổng mời tôi vào.
Đó là bà Hồ Thị Son, người thủ từ hơn 20 năm nay. So với các ngôi từ đường ở miền Trung, quy mô kiến trúc ở đây khá nhỏ, đơn sơ, rộng chừng 50m2.
Ngay giữa từ đường là bức hoành bốn chữ Hán sơn son thếp vàng "Mộc bản thủy nguyên" (cây có cội nước có nguồn).
Phía dưới là bảng gia phả thể hiện bốn đời đầu. Trong đó vị thủy tổ là "ông Chòi, bà Chòi", đời thứ hai là Hồ Đắc Tây, đời thứ ba Hồ Đắc Học và đời thứ tư là chín người con, năm nam, bốn nữ...
Thắp nén nhang lên bàn thờ tổ, bà Son giới thiệu về ngôi từ đường được con cháu nội ngoại đóng góp xây dựng từ năm 2001.
Bà Son tự hào cho biết dòng họ Hồ Đắc có ba khu cổ mộ xưa bậc nhất cả vùng đất Long Trung của các ngài tổ.
Theo lời chỉ, tôi tìm đến ngay, đó là ba khu lăng cổ khá quy mô được xây bằng đá ong, mỗi khu rộng chừng 50m2, phía trước là nhà bia có mái che.
Riêng khu lăng của "ngài tổ khai canh", tấm bia lập đầu năm 2012 ghi rõ "nguyên quán ở Truồi, tỉnh Thừa Thiên" vào khai hoang lập ấp thời chúa Nguyễn cuối thế kỷ 18.
Ông Hồ Đắc Dũng, đời thứ 11 của dòng họ đang sinh sống ở TP Mỹ Tho, Tiền Giang, cho biết họ Hồ Đắc của ông trong quá trình lập nghiệp có nhiều người thành đạt, giàu có, góp phần xây dựng rất nhiều công trình giúp dân trong vùng.
Đó là cây cầu Ông Bầu, chợ Ba Dừa và đặc biệt là đình Long Trung, công trình quy mô lớn và quy cách xây dựng rất đặc biệt nằm ở trung tâm xã, vừa được công nhận di tích cấp quốc gia...
Trước đó, cuối thập niên 1990, ông Hồ Đắc Hồng, gốc An Truyền sống ở TP.HCM, mang thuốc heboga (trị bệnh heo, bò, gà) đi bán trên khắp hang cùng ngõ hẻm của miền Tây.
Đi ngang ấp 6 của Long Trung đúng vào dịp họ Hồ Đắc ở đây tế tổ xôm tụ, ông vô cùng ngạc nhiên vì thấy đây là ngôi nhà thờ họ "gần như chưa thấy nơi đâu ở miền Tây", lại vừa mang họ Hồ Đắc như của ông.
Đem câu chuyện về bàn, những người trong họ Hồ Đắc ở TP.HCM đã về Long Trung xin tiếp cận với văn bản, gia phả và bước đầu nhận ra hai bên có cùng gốc tổ.
Bà con cùng họ từ nhiều nơi tập trung ở nhà thờ họ Hồ Đắc làng An Truyền, Huế trong ngày hợp phả 22-4-2015 - Ảnh: PHAN THÀNH chụp lại
Hợp phả
Ở Thừa Thiên - Huế, những làng có cộng đồng họ Hồ Đắc lớn như An Truyền, Phú Môn, Nam Phổ Hạ... văn bản các họ đều ghi chép là con cháu của ngài Hồ Quản Lãnh, tức Hồ Hồng, xuất xứ từ Quỳnh Lưu, Nghệ An dẫn con cháu vào châu Ô, Rí lập ấp khoảng cuối thế kỷ 14.
Theo ông Hồ Đắc Thuận - trưởng họ ở An Truyền, kết quả nghiên cứu văn bản phả tộc cho thấy sau sự kiện ngài tổ Quản Lãnh bị "thất sủng", con cháu của ngài chạy dạt về phía nam và lập ấp quanh xứ Truồi (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế).
Đến đời ngài tổ Hồ Đắc Vinh thì sinh hạ ba con trai là Đắc Khương, Đắc Lại và Đắc Năng. Người con cả Đắc Khương là thủy tổ dòng họ ở làng Nam Phổ Hạ (xứ Truồi).
Người con thứ thì đi theo phong trào Nam tiến của chúa Nguyễn, mất liên lạc.
Còn người con út Đắc Năng trong một lần chăn trâu ở một vũng bùn của cánh đồng Nam Phổ Hạ đã trúng được hầm tiền. Trở nên giàu có, ngài Năng "trở về lại An Truyền để lo việc thờ tự".
Kết quả nghiên cứu của ông Hồ Đắc Dũng, một nhà khảo cứu lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng đang sinh sống ở Củ Chi (TP.HCM), cũng cho rằng: họ Hồ Đắc ở Long Trung (Cai Lậy, Tiền Giang) có tổ là ngài Hồ Đắc Lại, anh em ruột với ngài Hồ Đắc Khương (vị tổ họ Hồ Đắc ở Nam Phổ Hạ) và ngài Hồ Đắc Năng (cụ tổ họ Hồ Đắc ở An Truyền, Thừa Thiên - Huế).
Ông Dũng cũng xác định việc rời xứ Truồi vào Long Trung của ông Hồ Đắc Lại trong khoảng 1725 - 1750.
Việc gọi tên vị tổ "ông Chòi, bà Chòi" được giải thích do giai đoạn đầu đến khai hoang, cụ ông, cụ bà phải cất chòi cao để tránh thú dữ và trở thành tên gọi của người trong vùng.
Dựa vào sự phát hiện và những dữ liệu mới, con cháu họ Hồ Đắc ở cả ba nơi đều thống nhất bước đầu là người cùng một ngài tổ.
Ngày 22-4-2015, tại nhà thờ họ Hồ Đắc của làng An Truyền (Thừa Thiên - Huế), các vị đại diện họ Hồ Đắc ở An Truyền, ở Nam Phổ Hạ và Long Trung đã cùng thống nhất ký kết "văn kiện về việc hợp nhất gia phả họ Hồ Đắc".
Nội dung chính của văn bản ghi rõ: "Phái Hồ Đắc ở Nam Phổ Hạ, phái Hồ Đắc ở Long Trung và phái Hồ Đắc ở An Truyền cùng chung huyết thống của ngài Hồ Đắc Mười và xa hơn nữa là con cháu của ngài Hồ Quản Lãnh.
Tạm thời gắn kết ngài Hồ Đắc Lại chính là ngài Hồ Đắc Chòi để hợp nhất gia phả...
Nếu sau này con cháu tìm ra các chứng cứ xác thực khác, các thành viên của hội đồng gia tộc sẽ xem xét để bổ sung hoặc sửa đổi".
Cùng một tổ tông
Bản ký kết hợp phả họ Hồ Đắc được ký bởi họ Hồ Đắc ở ba vùng miền khác nhau - Ảnh: PHAN THÀNH
Sự kiện hợp nhất gia phả giữa ba nơi, cho dù chứng cứ chưa quá chắc chắn song lại nằm trong sự vui mừng, thỏa được nguyện vọng của đa số con cháu dòng họ.
Những người (có thể) cùng huyết thống ấy dù ở cách xa đã thường xuyên qua lại thăm viếng nhau như những người thân.
Trong các dịp giỗ họ ở An Truyền (13-7 âm lịch), ở Nam Phổ Hạ (28-8 âm lịch) và ở Long Trung (25, 26-10 âm lịch) đều có đại diện dòng họ của hai nơi kia về dâng lễ với tư cách người cùng một tổ tông.
Kỳ tới: Kinh nghiệm kiếm tìm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận