Người họ Nguyễn Hữu từ Thanh Hóa đến Huế dâng hương ở mộ ngài cao tổ họ Nguyễn tại làng Nguyệt Viên - Ảnh: THÁI LỘC
Nguyện ước cuối đời của tôi là lần tìm được gốc tổ ở Hải Dương để tiếp tục nối đời, bổ sung gia phả, phân định thế thứ rõ ràng trong họ tộc.
Cụ NGUYỄN VĂN PHÚ (nguyên trưởng họ Nguyễn Hữu ở làng Dương Nổ)
Một ngày cuối tháng 4-2018, chúng tôi cùng đại diện dòng ở làng Dương Nổ (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) tìm về đất tổ họ Nguyễn tại làng Nguyệt Viên (Hoằng Hóa, Thanh Hóa).
Trong 5 người của đoàn, có 3 người lần đầu về thăm quê tổ.
Về thăm quê tổ
Xe vừa dừng ngay đầu cầu Nguyệt Viên, những cái bắt tay, ôm chầm thắm thiết khi gặp ông Nguyễn Văn Cư, được họ Nguyễn làng Nguyệt Viên cắt cử đón đoàn. Bên mâm cơm gia đình và những chén rượu nồng, câu chuyện dòng họ được bàn luận sôi động.
Anh Nguyễn Hữu Hoàng, đời thứ 21 của dòng ở Huế, hàn huyên với anh Nguyễn Trường Xuân, đời thứ 16 của họ Nguyễn ở Thanh Hóa, về chuyện công việc, gia đình. Anh Hoàng hứa sẽ dẫn anh Xuân đi thăm làng Dương Nổ và các phái họ Nguyễn ở Huế.
"Đúng là máu mủ, dù có xa cách nhau ngàn dặm vẫn thấy lòng âm ấm, cứ như đã gặp nhau, thân thuộc từ lâu lắm rồi!" - anh Nguyễn Hữu Hoàng bày tỏ.
Từ sáng sớm, hàng trăm con cháu họ Nguyễn men theo bờ đê sông Mã tiến ra khu mộ của vị cao tổ nằm giữa một bãi đất bồi trù phú. Khu mộ rộng cả trăm mét vuông vừa được xây mới, có la thành, nhà bia, bình phong và ba nấm mộ lớn.
Người họ Nguyễn ở Nguyệt Viên và các huyện thị khác của tỉnh Thanh Hóa, đoàn họ Nguyễn ở Thừa Thiên - Huế, rồi Hưng Yên, Nghệ An và cả từ Cộng hòa Pháp về... lần lượt dâng hương lên mộ ngài cao tổ.
Câu chuyện và văn bản của họ Nguyễn làng Dương Nổ kể rằng dưới thời Trần (1226-1400), ngài tổ Nguyễn Quang Cao từ đất Nam Sách (Hải Dương) cùng con cháu vào mảnh đất ven bờ sông Mã nay là làng Nguyệt Viên, cắm đất lập nghiệp.
Trải qua nhiều đời, đến năm 1471, ngài Nguyễn Hữu Duế thuộc đời thứ 12 theo vua Lê Thánh Tôn chinh phạt phương Nam. Sau đó, ngài Duế được bổ làm quan tri huyện ở Phú Vang của Huế.
Tại đây, ngài nhắm đến mảnh đất đẹp ở hữu ngạn sông Hương, rồi về quê vời con cháu họ Nguyễn vào Nam mở đất lập làng.
Hai họ Nguyễn Hữu ở Thanh Hóa và Huế bàn bạc chuyện tìm hiểu để nối kết dòng họ với nhau - Ảnh: THÁI LỘC
Tại làng Nguyệt Viên, có lăng của ngài Nguyễn Hữu Vĩnh xây dựng khá quy mô.
Cả họ Nguyễn làng Dương Nổ lẫn họ Nguyễn làng Nguyệt Viên đều xem đây là ngài tổ. Thế nhưng chỉ có gia phả ở Dương Nổ ghi rõ ngài Vĩnh là đời tổ thứ 10, có con trai là ngài Nguyễn Hữu Duế vào Huế mở đất lập làng.
Trong khi họ Nguyễn ở Nguyệt Viên không hề ghi chép về ngài Vĩnh, không biết ngài nằm ở đâu trong gia phả dòng họ...
Tổ tiên Nguyễn Du quê gốc Hà Nội
Trong suốt mấy trăm năm, người họ Nguyễn của đại thi hào Nguyễn Du ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tìm cách kết nối với quê tổ tiên xưa ở làng Canh Hoạch, Thanh Oai, Hà Nội...
Tại khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du (xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hôm 19-9-2018, lễ tưởng niệm lần thứ 198 ngày mất của cụ Tố Như được tổ chức long trọng, rất đông người tham dự, gồm cả đoàn người đến từ làng Canh Hoạch (Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội).
Phát biểu trong buổi lễ hôm ấy, cụ Nguyễn Phúc Nhạ, trưởng ban sưu tầm tư liệu lịch sử làng Canh Hoạch, cho biết người dân làng mình tự hào lắm, bởi là nơi phát xuất dòng họ Nguyễn vốn rạng danh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.
Cùng với đôi câu đối được đặt làm để treo ở khu lưu niệm, một nhánh cây đại chiết từ nhà thờ tổ họ Nguyễn ở quê xưa cũng được đại diện làng Canh Hoạch tặng khu lưu niệm để vun trồng, chăm bón...
Ông Nguyễn Minh, cháu trực hệ đời thứ 6 của đại thi hào đang sống ở Nghi Xuân, cho biết văn bản họ tộc nguyên xưa có ghi ông tổ Nguyễn Doãn Địch, "nguyên quán ở Canh Hoạch, Thanh Oai, Sơn Nam" (tức Thanh Oai, Hà Nội ngày nay).
Suốt mấy trăm năm, các thế hệ dòng họ, trong đó có đại thi hào Nguyễn Du cũng tìm cách tìm về cội nguồn.
Ông kể: "Khi đương sống, cụ Nguyễn Du trong chuyến ra Bắc đã tìm về quê ngoại của mình ở tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt, cụ đã tìm về Canh Hoạch, Thanh Oai; con cháu sau này mới biết quê tổ ở Canh Hoạch".
Chúng tôi tìm về làng Canh Hoạch, quê tổ ghi trong gia phả họ Nguyễn ở Tiên Điền, các cụ đại diện chờ chúng tôi ngay tại đình làng.
Các cụ cho biết ngôi đình quy mô này là công trình nghĩa tình của một người họ Nguyễn của đại thi hào. Đó là bà chúa Thuận - Nguyễn Thị Ngọc Cẩn, vợ chúa Trịnh Kiểm.
Sau đó các cụ dẫn chúng tôi đến thăm và dâng hương lên bàn thờ trạng nguyên Nguyễn Thiến (tổ 9 đời họ Nguyễn ở Tiên Điền) và người con trai thường quốc công Nguyễn Quyện.
Câu chuyện gốc tích các đời tổ họ Nguyễn ở Tiên Điền được cụ Nguyễn Phúc Nhạ ở Canh Hoạch kể lại rành mạch.
Vào nửa cuối thế kỷ 15, cụ Nguyễn Doãn Địch đến Canh Hoạch học chữ sau đó đỗ thám hoa, làm đến thượng thư Bộ Lễ thời Lê. Người con trai thứ của ông là Nguyễn Doãn Toại ở lại Canh Hoạch có hậu duệ lần lượt là trạng nguyên Nguyễn Thiến và thường quốc công Nguyễn Quyện.
Cuối thế kỷ 16, người họ Nguyễn ở Canh Hoạch chịu họa tru di, con cháu tứ tán, một nhánh phiêu dạt vào đất Tiên Điền, Hà Tĩnh lập nghiệp đến sau này.
Bàn thờ tổ tiên họ Nguyễn của đại thi hào Nguyễn Du ở làng Canh Hoạch, Thanh Oai, Hà Nội - Ảnh: THÁI LỘC
Gốc họ Nguyễn Hữu ở Hải Dương?
Một điều mà nhiều người trong họ Nguyễn Hữu băn khoăn chính là bảng gia phả họ Nguyễn Hữu "gốc" ở nhà thờ họ làng Nguyệt Viên (Thanh Hóa) chỉ ghi chép đến đời thứ 15 và không ghi gốc tích trước khi họ Nguyễn Hữu đến đây.
Các cụ cho biết do chiến tranh, hầu hết văn bản, tài liệu ghi chép về dòng họ đã bị thất lạc, tiêu tán. Ngay cả một số lăng mộ cổ chỉ biết là của các ngài tổ, nhưng không biết đó là tổ thứ mấy.
Thậm chí ngày giỗ của vị cao tổ (tổ đầu tiên của dòng họ) và "sơ tổ" (vị tổ đời sau) cũng không được phân định chính xác.
Trong khi đó, gia phả họ Nguyễn "ngọn" ở làng Dương Nổ (Huế) đến nay đã ghi đến đời thứ 25. Thông tin "mới" về gốc tổ họ Nguyễn Hữu ở Nam Sách (Hải Dương) càng khiến nhiều người họ Nguyễn ở Huế và Thanh Hóa băn khoăn và mong muốn tìm hiểu để nối kết dòng họ.
Kỳ tới: Nối kết họ Trương
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận