16/04/2006 21:23 GMT+7

Trăm năm đời người chưa hết cô đơn

Theo Văn Nghệ Trẻ
Theo Văn Nghệ Trẻ

Khắp văn đàn thế giới, hàng tháng trời nay người ta chỉ nói về cuốn tiểu thuyết Hồi ức về những cô gái điếm u sầu của tôi (Memory of my melancholy whores) của Gabriel Garcia Marquez, nhà văn từng đoạt giải Nobel.

fzrkUFE0.jpgPhóng to
Gabriel Garcia Marquez

Marquez tâm sự: “Leo lên được đến đỉnh cao rồi , tôi quay đầu nhìn lại rồi khiếp sợ: quanh mình chẳng có ai. Hầu như 24/24 giờ là tâm điểm chú ý của công chúng nhưng tôi vẫn thấy bị cô lập. Cảm giác cô đơn thực sự đã đeo đuổi tôi suốt cuộc đời viết văn. Quyền lực của sự cô đơn và sự cô đơn của quyền lực là những chủ đề chính trong các cuốn tiểu thuyết, những truyện dài và truyện ngắn của tôi. Số phận đã đùa dai với tôi khi đến tận cuối đời, tôi vẫn bị cảm giác cô đơn bủa vây”.

Người ta không tiếc lời ca ngợi ông bằng đủ mọi mỹ từ. Nào là bậc thầy vĩ đại, đại giáo chủ văn học, huyền thoại sống, nhà kinh điển đương thời của văn học hiện đại… Vào thập kỷ cuối của thế kỷ 20, niềm vinh quang đó càng được nhân lên gấp bội dù ngay cả những độc giả trung thành nhất cũng đánh giá trái ngược nhau về những tác phẩm của ông trong giai đoạn này.

Năm 1992, tập Mười hai chuyện của ông bị nhiều người coi là tẻ nhạt và thô thiển. Bốn năm sau ông viết Thông tin về vụ bắt cóc kể về vụ trùm ma tuý Escobar bắt cóc những nhà báo nổi tiếng Colombia, một tác phẩm tẻ nhạt khiến nhiều người nghi ngờ nó… không phải là của Gabriel. Sau đó là quảng thời gian 6 năm ông gác bút. Dư luận cho rằng sự sa sút bút lực của ông là do căn bệnh hiểm nghèo dẫn đến khủng hoảng tinh thần.

Năm 1989, ông bị chẩn đoán ghê sợ: ung thư phổi (một phần do thói quen hút thuốc kinh hoàng của Marquez. Khi làm việc, ông hút trung bình 3 bao mỗi ngày). Như một sự trớ trêu của số phận, ông biết tin mình bị bạo bệnh đúng vào ngày cầm trên tay cuốn tiểu thuyết Tướng quân trong mê hồn trận, một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong cuộc đời sáng tác của ông.

Ông được phẫu thuật năm 1992, nhưng bệnh vẫn tiến triển. Mùa xuân năm đó, kết quả khám bệnh thêm tồi tệ với một tử thần mới: ung thư máu! Ông phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật phức tạp nhất và các kỳ chữa bệnh ở Los Angeles và Mêhicô. Và từ đó, mọi thông tin về sức khoẻ Marquez luôn gây tranh cãi về độ chính xác .

Bản thân nhà văn này cũng phát chán với những câu chuyện dựng lên đó. Ông kể: “Nhiều lần tôi mở radio hay TV, tôi đều nghe thấy phát thanh viên cất giọng buồn bã: Hôm nay Gabriel Garcia Marquez đã qua đời”. Có thời kỳ tôi phát điên lên nhưng rồi cũng quen dần với cái chết của mình, thường được thông báo trung bình hai tháng một lần. Năm 2002, có lần trong một tiệm ăn ở Mêhicô, một nhà báo tiến lại gần tôi và nói: Hôm nay, tôi nghe đài thấy ông đã chết”.

Những câu chuyện ly kỳ về đại văn hào này không chỉ có vậy. Trên báo chí thường xuất hiện những tin bài kể rằng ông đã và đang tham gia vào những hoạt động này nọ mà bản thân Marquez không hề hay biết, hay những bài phỏng vấn mà ông không hề trả lời.

Qua báo chí, ông mới biết được rằng mình đang giảng bài ở khắp mọi nơi trên thế giới, dự các hội nghị, phát biểu ở những buổi giới thiệu những tác phẩm mới và nâng cốc ở không ít buổi tiệc tùng. Nhiều lần, ông nhìn thấy chữ ký “của mình” trên những cuốn sách ông chưa bao giờ cầm. Những tình huống “dở khóc dở cười” đó đã được Marquez mô tả trong bài báo: “Có một tôi thứ hai”.

Báo chí với Marquez chẳng khác gì liều thuốc chữa bệnh quan trọng khi chính báo chí đưa ông đến với văn nghiệp. Vào những năm của thập niên 50, chàng trai trẻ Marquez đã cộng tác với nhiều báo và tạp chí Colombia cũng như làm phóng viên cho tờ El Espectator ở Tây Âu. Ông được coi là nhà báo giỏi nhất Colombia. Khi đã nổi danh trên văn đàn, ông vẫn tiếp tục viết báo. Suốt đời ông mơ có tờ tạp chí riêng và năm 1999, giấc mơ đó đã thành sự thật.

Marquez mua tờ Cambio, xuất bản tại Colombia và Mêhicô. Ông và các đồng nghiệp đã viết những bài phóng sự đầy tính chiến đấu về những biến cố cách mạng ở Colombia, về hội nghị của các thủ lĩnh Cuba, Colombia và Venexuêla, về chuyến đi lịch sử của Giáo hoàng John Paul II tới Cuba. Đó là phóng sự mà Marquez luôn nhắc lại đầy tự hào. Ngay từ nhỏ ông đã quan tâm nghiên cứu Vatican, hơn nữa ông lại có tình bạn thân thiết với chủ tịch Cuba Fidel Castro. Năm 1960, ông từng làm việc cho hãng thông tấn Cuba Prensa Latina và trên hòn đảo tự do này, ông có một ngôi nhà do chính Fidel tặng.

Cuối năm 2002, Marquez lại làm xôn xao văn đàn khi tung ra tập đầu của cuốn hồi ký 3 tập Sống để kể (Vivir para contarla) với tất cả 579 trang về cuộc đời thực của ông, một tác phẩm giống tiểu thuyết tự thuật hơn là hồi ký như ông nhận xét: “Cuộc sống không chỉ là những gì con người trải qua mà cả những gì con người nhớ và kể lại”.

Và càng về sau, Marquez càng nổi tiếng hơn. Tháng 10-2004, cuốn Hồi ức về những cô gái điếm u sầu của tôi chính thức ra đời nhưng một tháng trước đó, bọn in lậu đã tung nó ra thị trường. Marquez đáp trả bằng cách… thay đổi kết thúc và một triệu bản bán hết veo trong thời gian kỷ lục. Số phận những cuốn sách giả cũng rất ly kỳ và đang được giới sưu tập lẫn… cảnh sát săn lùng.

Những năm gần đây, Marquez sống khá vội vã. Ông như muốn tận dụng nốt những ngày tháng cuối đời để viết tiếp hồi ký Gặp nhau vào tháng Tám theo kế hoạch. Nhưng đùng một cái, đầu năm 2006, Marquez thú nhận suốt năm 2005 không hề viết được một dòng nào. Theo ông, cảm giác lẻ loi đã cướp đi mọi đam mê, sự tập trung của ông. Đã sắp hết “trăm năm” đời người. Marquez vẫn chưa hết “cô đơn”.

Theo Văn Nghệ Trẻ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên