Một trích đoạn trong vở cải lương Thầy Ba Đợi - Video: QUANG ĐỊNH
Thầy Ba Đợi có thể xem là vở diễn đầu tiên tập trung khoảng 60 nghệ sĩ của hai miền Nam Bắc.
Đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên, người khởi xướng thực hiện vở diễn, cho biết: "Việc thực hiện Thầy Ba Đợi không chỉ ôn lại quá trình hình thành của sân khấu cải lương mà còn góp phần khẳng định công trạng của nhạc sư Trần Quang Đại như sự tri ân một vị tiền bối đáng kính!".
Nghệ sĩ Quang Khải trong vai thầy Ba Đợi lúc còn trẻ - ẢNH: QUANG ĐỊNH
Vở cải lương Thầy Ba Đợi là câu chuyện về nhạc sư Nguyễn Quang Đại (1855 - không rõ năm mất).
Khi vua Hàm Nghi bị Pháp đày sang châu Phi, ông Đợi hưởng ứng chiếu Cần Vương vào Nam Kỳ chống Pháp, mang theo di sản quý báu là nhã nhạc cung đình Huế.
Trong quá trình lưu lạc, ông từng bước "dân dã hóa" âm nhạc cung đình Huế, kết hợp với dân ca Nam Bộ, vừa sáng tác vừa cải biên và hệ thống hóa để tạo thành âm nhạc tài tử được lưu giữ trong đời sống người dân Nam Bộ cho đến tận bây giờ.
Đông đảo khán giả đến xem vở Thầy Ba Đợi - ẢNH: QUANG ĐỊNH
"Có thể nói không có nhạc sư Nguyễn Quang Đại có thể đã không có sân khấu cải lương. Một người có công trạng như thế nhưng các thế hệ hậu sinh vẫn còn ít người biết về ông" - đạo diễn Triệu Trung Kiên nhấn mạnh và đó là lý do những người thực hiện đã chọn ông làm nhân vật trung tâm để tôn vinh trong hoạt động kỷ niệm một thế kỷ sân khấu cải lương ra đời.
Vở diễn mở đầu vào năm 1888 khi vua Hàm Nghi bị Pháp đày sang châu Phi.
Mang sứ mệnh của vua truyền phải giữ gìn nhã nhạc cung đình Huế, hồn cốt của dân tộc, nhạc sư Nguyễn Quang Đại bôn ba vào Nam.
Một đoạn trong vở Thầy Ba Đợi - Video: QUANG ĐỊNH
Trên đường bị bọn Pháp truy lùng ông vô tình được nàng Ái Hoa - ái nữ của tổng đốc Đại Phong - cứu giúp và đưa về dinh phủ ẩn náu.
Trong thời gian đó, Nguyễn Quang Đại đã kịp mở lớp dạy đàn để truyền bá âm nhạc dân tộc và tình yêu đã nảy sinh giữa chàng trai tài hoa và cô tiểu thư Ái Hoa xinh đẹp, nhân hậu.
Không bao lâu sau, tông tích Quang Đại bị bại lộ, vì bảo vệ người yêu, Ái Hoa đã hi sinh thân mình chấp nhận về làm vợ công tử Hiến ngạo mạn, ngông cuồng, để rồi phải gánh chịu đắng cay của cả một kiếp người.
Ông Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch nước - xem vở Thầy Ba Đợi - ẢNH: QUANG ĐỊNH
Quang Đại (lúc này là thầy Ba Đợi) lại tiếp tục những cuộc bôn ba xuôi về Cần Đước, Long An.
Ông vẫn miệt mài với công việc truyền bá âm nhạc dân tộc, từng bước "dân dã hóa" âm nhạc cung đình Huế, kết hợp với dân ca Nam Bộ, sáng tác, cải biên, hệ thống hóa để tạo thành âm nhạc tài tử cố gắng lưu giữ trong nhân dân.
Đây là một hành trình khổ nhọc mà ông phải bao bận lao đao, lận đận để giữ cho được di sản quý báu của dân tộc…
Vở cải lương Thầy Ba Đợi được soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương từ kịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.
Đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên - Lê Trung Thảo (chỉ đạo nghệ thuật: NSND Trần Ngọc Giàu).
Vở có sự tham gia của các nghệ sĩ Nhà hát cải lương Việt Nam như NSND Vương Hà, NSƯT Xuân Vinh, NSƯT Thu Trang, Quang Khải, Văn Đáng, Minh Hùng… và các nghệ sĩ phía Nam: NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hùng Minh, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Quế Trân, NSƯT Hồ Ngọc Trinh, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Quỳnh Hương, Huỳnh Tấn Phát, Nguyên Thành, Võ Minh Lâm, Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn KHởi, Thanh Toàn, Tô Tấn Loan, bé Kim Thư…
Vở sẽ còn diễn đêm 29-4 tại Long An và đêm 1-5 tại nhà hát Bến Thành.
Một số hình ảnh trong vở Thầy Ba Đợi trong đêm diễn - ẢNH: QUANG ĐỊNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận