Trạm vũ trụ quốc tế ISS - Ảnh: NASA
Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) di chuyển trong không gian theo quỹ đạo cách mặt đất khoảng 319,6 km - 346,9 km, được cơ quan vũ trụ của Mỹ, Nga, Nhật Bản, châu Âu và Canada đồng điều hành.
Nhưng tại sao Trạm vũ trụ quốc tế ISS sẽ là nơi an toàn nhất cho thành viên phi hành đoàn khỏi các mầm bệnh nguy hiểm tiềm tàng, ví dụ như COVID-19?
Trước hết, đó là nhờ những quy định hết sức nghiêm ngặt khi đưa các phi hành gia lên ISS.
Thế giới có rất nhiều nhà khoa học nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện trở thành một phi hành gia để bay vào vũ trụ. Ngoài các điều kiện về kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống thì một phi hành gia còn phải đảm bảo có sức khỏe tốt.
Trước mỗi lần phóng tàu lên trạm vũ trụ, các phi hành gia được cách ly trong nhiều tuần liền để theo dõi sức khỏe và phát hiện mọi triệu chứng nhiễm bệnh nguy hiểm.
"Điều này giống như một sự sàng lọc tốt nhất những cá nhân khỏe mạnh, đủ tố chất để lên trạm vũ trụ", Luis Zea, nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu BioServe Space Technologies (Colorado, Mỹ) cho biết.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) luôn áp dụng các biện pháp kiểm dịch này cho tất cả các phi hành gia của mình trước khi gửi họ đến trạm vũ trụ quốc tế ISS. Ngay cả khi một người xuất hiện những chứng bệnh cảm mạo thông thường như cảm lạnh, dị ứng hay cúm cũng sẽ bị loại, không được phép lên tàu.
Courtney Beasley - phát ngôn viên của NASA, chia sẻ trên Newsweek rằng tất cả phi hành đoàn phải cách ly trong hai tuần trước khi lên tàu. Công tác này nhằm để ngăn thành viên phi hành đoàn mang virus và mầm bệnh nguy hiểm tiềm tàng lên trạm vũ trụ. Đồng nghĩa với việc ngay cả khi COVID-19 đang khuấy đảo toàn thế giới thì trên trạm vũ trụ vẫn hết sức an toàn.
Các biện pháp bảo vệ phi hành gia không dừng lại ở việc theo dõi sức khỏe người. Theo Courtney Beasley, bất cứ kiện hàng hóa nào gửi lên ISS cũng phải trải qua các quy trình kiểm tra đặc biệt để ngăn chặn mầm bệnh. Tàu thăm dò cũng được khử trùng đặc biệt.
Một lý do nữa là COVID-19 chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn trên bề mặt kim loại, gỗ, nhựa… Trong khi đó các phi hành gia đã qua thời gian cách ly dài ngày trước khi bay vào không gian.
Tất cả các phi hành gia cũng đều trải qua khóa đào tạo khẩn cấp y tế và duy trì liên lạc thường xuyên với một nhóm bác sĩ dưới mặt đất, những người theo dõi chặt chẽ sức khỏe của họ. Khi trường hợp y tế khẩn cấp xảy ra, phi hành đoàn cũng có đủ khả năng để xử lý tình huống tại chỗ.
Trường hợp nghiêm trọng thì ngay lập tức các phi hành gia nhiễm bệnh sẽ được sơ tán lên tàu vũ trụ Soyuz của Nga để rời trạm, trở về Trái đất để xử lý y tế kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận