Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 15% người cao tuổi có rối loạn tâm thần. Các rối loạn tâm thần ở người cao tuổi thường gặp là trầm cảm, mất trí, lạm dụng rượu...
Đặc biệt, trầm cảm và lạm dụng rượu làm tăng nguy cơ tự tử ở người cao tuổi, chiếm 25% tất cả các trường hợp tự tử trên toàn thế giới. Theo thống kê của Mỹ, trầm cảm là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người cao tuổi.
Tại Việt Nam, thống kê từ Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, khoảng 10% người cao tuổi có các triệu chứng trầm cảm. Trầm cảm ở người cao tuổi là căn bệnh cần được sự hỗ trợ từ phía gia đình, người thân và cộng đồng.
Trầm cảm ở người cao tuổi có thể xuất phát từ những sự kiện làm đảo lộn cuộc sống như về hưu, thay đổi chỗ ở, mất mát tài sản, con cái hư hỏng, gia đình ly tán, mất người thân, cô đơn, xung đột nặng nề trong gia đình không giải quyết được, sự không hòa hợp giữa các thế hệ chung sống dưới một mái nhà, nhà ở chật chội, vật chất quá khó khăn…
Trầm cảm có thể xảy ra ở những người cao tuổi được chẩn đoán hoặc đang mắc các bệnh thực thể như đái tháo đường, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, xương khớp... Theo các chuyên gia ước tính, những người cao tuổi có các bệnh lý thực thể như trên, tỷ lệ bị trầm cảm có thể từ 20 - 35%. Trầm cảm làm cho các bệnh thực thể nặng thêm và ngược lại.
Trầm cảm ở người cao tuổi còn có thể xảy ra do lạm dụng bia rượu; do tác dụng phụ của các thuốc điều trị các bệnh nội khoa khác, thuốc điều trị bệnh tim mạch, tăng huyết áp…
Các triệu chứng trầm cảm ở người cao tuổi khác với trầm cảm ở lứa tuổi sớm hơn. Họ có nhiều biểu hiện thực thể hơn. Điều này đi kèm với tỷ lệ cao của các bệnh kết hợp, có thể gây khó khăn trong chẩn đoán. Triệu chứng trầm cảm phổ biến ở người cao tuổi là chán nản hoặc dễ cáu, cảm thấy bản thân sống không có ý nghĩa, không tham gia hoặc không mặn mà với những hoạt động hàng ngày, dễ tức giận, dễ bị kích động. Bệnh nhân thay đổi khẩu vị, thường ăn không ngon miệng, trọng lượng cơ thể thay đổi (sút hoặc tăng cân), khó ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, tỉnh giấc sớm, thèm ngủ ngày, mệt mỏi, mất tập trung, giảm trí nhớ, tư duy khác thường, có ý nghĩ phạm lỗi và ý định tự tử, thậm chí có kế hoạch hoặc đã thử tự tử.
Điều trị trầm cảm cho người cao tuổi thường gặp nhiều khó khăn. Khi bắt đầu điều trị, bác sĩ sẽ quy định các phương pháp và các loại thuốc chống trầm cảm, kèm theo đó là các liệu pháp trị liệu tâm lý. Điều quan trọng chính là sự quan tâm, hỗ trợ từ phía gia đình, bạn bè và những người xung quanh. Hãy ở bên họ và đừng bao giờ để họ một mình hay có cảm giác bị bỏ rơi. Hãy yêu thương và chăm sóc họ, chia sẻ và giúp họ gỡ bỏ những khúc mắc tâm lý.
Các bác sĩ khuyên rằng, hãy để cho những người lớn tuổi tham gia càng nhiều càng tốt những hoạt động của xã hội. Hoà mình vào các hoạt động công ích sẽ giúp họ cảm thấy mình có ích hơn với gia đình và những người khác, khi đó tự nhiên chứng trầm cảm cũng dần dần biến mất. Có chế độ ăn uống hợp lý, ngon miệng, dễ tiêu, đủ chất, không cần kiêng khem quá mức, đặc biệt tạo tâm lý thoải mái trong bữa ăn. Đặc biệt, bản thân người cao tuổi phải quý trọng mình, luôn có tinh thần lạc quan, tăng cường các hoạt động nhẹ nhàng, tránh thụ động ngồi không, biết tìm niềm vui trong các chuyện đơn giản…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận