Các phòng bệnh ở dãy phòng M3 kín người, nhiều người bệnh phải nằm trên giường xếp, điều chúng tôi không hề thấy và cũng khó tưởng tượng trước đây.
TS Dương Minh Tâm, trưởng phòng M3, Viện Sức khỏe tâm thần, chia sẻ khi anh mới vào nghề (hơn 20 năm trước), mỗi ngày các anh chỉ khám vài ca bệnh, còn hiện mỗi ngày viện khám 400-500 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân trầm cảm, lo âu, nhiều stress.
Những người đang nằm viện đều là trường hợp nặng, nhiều người từng toan tự tử...
Ai cũng có nguy cơ
Chị T.H.H. 46 tuổi, đang làm việc ở một cơ quan trong nội thành, ăn mặc đẹp, nhiều túi hiệu, hằng ngày lái ô tô đi làm. Chị vốn là con nhà khá giả, khi lấy chồng thì chồng cũng khá giả. Điều nhiều phụ nữ có thể "hơi lo" là con cái thì chị có con trai đã lớn và đã học xong đại học. Nếu nói về những yếu tố nguy cơ gây buồn chán thì chị thuộc nhóm ít nguy cơ.
Thế nhưng gần đây chị lại có những biểu hiện của chứng trầm cảm: mất ngủ kéo dài, hay mệt mỏi, mất hứng thú với mọi việc kể cả việc bình thường chị rất thích là mua sắm. Về tính cách, chị bắt đầu nói chuyện một mình, hay khóc một mình không có lý do.
Chị H. rất lo lắng về tình trạng của mình, sau khi đọc rất nhiều sách liên quan, chị tự đánh giá mình có những biểu hiện trầm cảm và đã đến khám tại phòng khám chuyên khoa, được chỉ định điều trị. Sau hai tháng dùng thuốc, chị kể đã bắt đầu ngủ được, tinh thần phấn chấn hơn, bác sĩ cũng đánh giá chị có tiến triển.
Nhưng những người hiểu tình trạng của mình, có người lắng nghe và sẵn sàng hợp tác với bác sĩ như chị H. thực tế lại không nhiều. TS Tâm cho biết mới tuần trước anh tiếp nhận một học sinh lớp 12, khi khảo sát theo bảng hỏi và các biểu hiện, cháu có đầy đủ yếu tố đánh giá là đang trầm cảm, nhưng mẹ cháu lại không chấp nhận chuyện đó, nói "cháu rất khôn, trầm cảm ở đâu ra, về đi ôn thi đi".
"Kết quả là gia đình không hợp tác, chúng tôi cũng chỉ khuyên chứ không thể ép. Hai năm trước cũng có một trường hợp tương tự, mẹ cháu cũng nói cháu "khôn, đếm tiền không sai", nhưng hai tuần sau mẹ cháu đến khóc nói chuyện đau lòng là cháu đã tự tử. Quan trọng với căn bệnh này là phải có người hiểu và lắng nghe" - bác sĩ Tâm nói.
Theo bác sĩ Tâm, dấu hiệu của trầm cảm như tảng băng trôi, phần nổi (bản thân người bệnh và người ngoài nhận thấy) rất ít, các biểu hiện dễ nhầm với một số tình trạng ngày thường có thể gặp, do đó chính bản thân người bệnh và người xung quanh cũng nghĩ đó chỉ là do yếu, mệt, buồn chán bình thường... Từ đó cơ hội được thăm khám, chữa trị đã giảm đi và nhiều trường hợp đã xảy ra hậu quả xấu.
Cần người lắng nghe và đồng hành
Theo bác sĩ Tâm, 10 biểu hiện của trầm cảm bao gồm:
* Khí - sắc giảm, cụ thể là giảm sự hăng hái, ý chí, sắc thái không được tươi nhuận. Đây cũng là yếu tố dễ gây nhầm lẫn bởi có người chỉ nghĩ đó là do buồn.
* Giảm ham muốn và các sở thích so với trước đây, ví dụ như trước đây thích shopping, cà phê với bạn nhưng nay cũng chán nản, không thích.
* Mệt mỏi, như người mất năng lượng, nghĩ đã thấy mệt.
Và các yếu tố khác là hậu quả của ba biểu hiện kể trên, như giảm tập trung, giảm trí nhớ, giảm tự trọng tự tin, khó ra quyết định, bi quan chán nản, nhìn tương lai ảm đạm, ý tưởng tiêu cực, chán sống, đau cơ bắp, căng thẳng, hiệu quả công việc giảm sút, mâu thuẫn với đồng nghiệp, giảm nhu cầu ăn uống, tình dục...
Về nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, bác sĩ Tâm cho biết có 5 nguyên nhân quan trọng:
* Trầm cảm nội sinh liên quan đến gene và có yếu tố gia đình, dạng này không nhiều.
* Trầm cảm liên quan đến thai sản, sinh đẻ, dạng này gia tăng nhanh và hiện rất nhiều nhưng may mắn là chữa trị dễ dàng, vì thế gia đình cần đồng hành với các thai phụ, sản phụ, phát hiện yếu tố nguy cơ.
* Trầm cảm liên quan đến rượu bia và chất kích thích, dạng này hiện cũng gia tăng.
* Trầm cảm liên quan đến bệnh mạn tính, ung thư, tiểu đường... đây là nhóm càng ngày càng nhiều.
* Trầm cảm lứa tuổi thanh thiếu niên, thường được gọi là rối loạn cảm xúc hành vi, thường xảy ra nhiều hơn ở nhóm thanh thiếu niên ngoan, học giỏi so với nhóm trẻ khác.
"Người trầm cảm có vấn đề là họ luôn cố gắng thích nghi, càng cố thì càng chán nản, có khi người nhà, bạn bè không hiểu nên họ bị cô đơn, đến mức họ không thấy con đường thoát và họ tự tử. Gần đây có nhiều người tự tử, hoặc phụ nữ trầm cảm sau sinh đã giết con rồi tự tử mà căn nguyên liên quan đến trầm cảm" - bác sĩ Tâm chia sẻ.
Theo bác sĩ Tâm, từ những căn nguyên trên để thấy nhóm bệnh nhân nào đang gia tăng và cần can thiệp. Trước đây trầm cảm và nhiều chứng bệnh liên quan sức khỏe tâm thần khác bị kỳ thị, ít người chịu đến bệnh viện hay gặp bác sĩ chuyên khoa vì sợ "mang tiếng", nhưng hiện nay thì nhiều người đã chấp nhận và hợp tác với bệnh viện nhằm được điều trị sớm hơn.
"Quan trọng là có người chia sẻ và đồng hành khi người thân có những dấu hiệu như trên, để làm sao người bệnh được điều trị, tránh được những thời khắc và tình huống, quyết định đau lòng" - bác sĩ Tâm nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận