21/12/2017 13:53 GMT+7

Trầm cảm đáng sợ hơn ta có thể tưởng tượng

HÀ GIANG
HÀ GIANG

TTO - “Trầm cảm không phải bạn thấy buồn vì mọi thứ không theo ý mình, mà thấy buồn mặc cho mọi việc vẫn diễn biến tốt đẹp”.

Trầm cảm đáng sợ hơn ta có thể tưởng tượng - Ảnh 1.

Ngôi sao YouTube Stevie Ryan tự tử hôm 1-7 vì trầm cảm - Ảnh: Tạp chí XO

Đó là định nghĩa của tác giả Thomas F. Oltmanns trong cuốn Abnormal Psychology (tạm dịch: Tâm lý bất thường). 

Vài tháng trước, ngôi sao YouTube nổi tiếng Stevie Ryan đã tự tử tại nhà riêng bằng cách treo cổ ở tuổi 33. Stevie Ryan nổi tiếng nhờ loạt video đình đám năm 2006 có tên Little Coca. Cô đóng giả các siêu sao thế giới. Sau đó cô hoạt động nghệ thuật sôi nổi, trở thành cảm hứng cho nhiều ca sĩ, nhạc sĩ trẻ.

18-12 là ngày đau buồn của cộng đồng fan Kpop và làng giải trí châu Á, khi ca sĩ trẻ tuổi tài năng Kim Jong Hyun của nhóm nhạc SHINee tự kết liễu cuộc đời ở tuổi 27. Trong lá thư tuyệt mệnh để lại cho gia đình và bạn bè, anh thừa nhận mình mắc chứng trầm cảm.

Jonghyun (SHINee) để lại di thư, mong mọi người đừng trách móc

TTO - Công ty quản lý SM Entertainment sẽ sắp xếp một khu riêng ở nhà tang lễ để người hâm mộ đến viếng nam ca sĩ vào trưa ngày 19-12.

Kim Jong Hyun, Stevie Ryan hay rất nhiều cái tên khác như Choi Da Bin (diễn viên), Kiều Nhậm Lương (diễn viên), Chester Bennington (ca sĩ trong nhóm nhạc huyền thoại Linkin Park), Park Yong Ha (diễn viên kiêm ca sĩ) đều là những người trẻ thành công trong sự nghiệp, danh tiếng lừng lẫy, tiền bạc không lo nghĩ và có nhiều fan yêu thương vô điều kiện.

 Thế nhưng, khi đã có gần như tất cả trong tay, họ lại chọn cái kết tàn nhẫn.

Trầm cảm đáng sợ hơn ta có thể tưởng tượng - Ảnh 3.

Kim Jong Hyun ra đi ở tuổi 27, sau hơn 10 năm đứng trên đỉnh cao trong showbiz Hàn

Một đoạn trong bức thư tuyệt mệnh của Kim Jong Hyun (sinh năm 1990) viết:

“Tôi vụn vỡ từ bên trong. Cơn trầm cảm dần dần làm tôi mòn mỏi, cuối cùng cũng đã nuốt chửng tôi. Và tôi không thể đánh bại nó. Tôi căm ghét chính mình. Tôi túm lấy những ký ức rời rạc và kêu gào chúng nối lại, nhưng chẳng có hồi đáp. 

Nếu tôi không thể thở một cách bình thường, tốt nhất là nên ngừng hẳn. Tôi tự hỏi, ai có trách nhiệm với tôi. Chỉ tôi mà thôi. Tôi hoàn toàn có một mình. […] 

Đấu tranh với thế giới không phải là sở trường của tôi. Cuộc đời nổi tiếng không phải dành cho tôi”.

Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất, không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc, văn hóa hay nghề nghiệp. Mọi người đều có thể mắc căn bệnh này vào bất kể thời điểm nào trong đời. 

Người bị trầm cảm không chỉ chán chường hay buồn bã ít ngày, mà họ phải chịu đựng nỗi buồn, nỗi đau của mình trong suốt thời gian dài. Kể cả những người tưởng chừng đã có được thành tựu đáng nể trong cuộc sống vẫn có thể bị trầm cảm làm suy sụp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh trầm cảm cướp đi trung bình 850.000 mạng người mỗi năm. Đến năm 2020, trầm cảm sẽ là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu, với 121 triệu người mắc bệnh.

Nhưng chỉ khoảng 25% trong số đó được điều trị kịp thời và đúng phương pháp.

Điều đáng báo động là 48% những người trầm cảm có ý tưởng tự sát, và 24% những người toan tự sát được báo cáo là không nhận được sự hỗ trợ điều trị trước đó.

Cũng theo WHO, ước tính năm 2015, Việt Nam có khoảng 3,6 triệu người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số.

Tỉ lệ nữ giới mắc rối loạn trầm cảm thường dẫn đến tự tử cao hơn nam giới, nhưng tỉ lệ nam giới tự tử lại cao hơn gấp nhiều lần so với nữ giới. 

Trong số gần 6.000 người chết do tự tử ở Anh năm 2012, có 3/4 là nam giới, và ở Mỹ năm 2010 con số này là 79%.

Nam giới cũng ít có xu hướng tìm kiếm sự giúp đỡ hay thừa nhận bản thân đang có những triệu chứng trầm cảm, vì đa số họ đánh đồng hành động đó với sự yếu đuối.

Trầm cảm làm thay đổi nhận thức về cảm xúc, nhận thức, sinh lý cơ thể và hành vi. Người mắc chứng trầm cảm tự nhốt mình trong hàng loạt cảm xúc tiêu cực như chán nản, bi quan, không còn cảm thấy hứng thú, vui vẻ với những việc mình từng cho là thú vị.

Andrew Solomon, tác giả của cuốn Quái vật giữa ngày trưa, tả quá trình một nỗi buồn bình thường thành trầm cảm nặng của mình: “Tôi trở về khu rừng nơi tôi thường ra chơi lúc nhỏ với em mình. 

Ở đó có cây sồi đã đứng sừng sững giữa đất trời hàng trăm năm qua. Tôi và em trai thường hay quanh quẩn dưới bóng râm của nó. 

Vậy mà chỉ trong vòng 20 năm, một nhánh tầm gửi đã phát triển và gần như nhấn chìm cây sồi dưới những vòng dây tươi tốt và xum xuê. Những gì bạn có thể thấy bây giờ chỉ là vài nhánh sồi yếu ớt cố gắng bám trụ lại. 

Tôi thấy mình như cây sồi ấy. Bệnh trầm cảm đã bủa vây lấy tôi như nhánh tầm gửi chiếm đoạt thân cây sồi nọ. 

Nó đang hút dần sức sống bên trong và quấn quanh tâm trí tôi, trở nên xấu xí nhưng lại còn “sống” hơn cả bản thân tôi” (theo Abnormal Psychology của Thomas F. Oltmanns).

Nhiều người có thể vượt qua những cảm xúc này, và tự mình thoát khỏi trạng thái trầm cảm tạm thời, nhưng một số lại không thể.

Chàng ca sĩ trẻ Kim Jong Hyun đã chuẩn bị cho “chuyến đi” của mình từ rất lâu: hoàn thành những hoạt động cá nhân và của từng thành viên trong nhóm, đăng ký hiến nội tạng và để lại tài sản cho chị gái. Trong một phỏng vấn không lâu trước đó, khi được hỏi dự định trong tháng 12, anh đã trả lời: “Tôi sẽ nghỉ ngơi”.

Trầm cảm đáng sợ hơn ta có thể tưởng tượng - Ảnh 4.

Theo tên một video nổi tiếng có chủ đề tâm lý học, vế sau của "I have a black dog" (Tôi có con chó đen), chính là "His name was depression" (Tên nó là Trầm cảm). Ca sĩ Hàn Quốc Kim Jong Hyun đã xăm hình con chó này lên sườn trái

Khi sức chịu đựng không còn nữa, họ chỉ còn một lựa chọn là kết thúc nỗi đau đó bằng cách tiêu cực nhất.

Khi thế giới vận hành và thay đổi với tốc độ vũ bão, nhiều hệ lụy kéo theo cũng chính là lúc thế hệ trẻ gặp khó khăn nhất. 

Một số nghiên cứu quy mô lớn cho thấy tỉ lệ trầm cảm trên toàn thế giới đã tăng lên trong vài thập kỷ qua. 

Giới trẻ chịu ảnh hưởng trực tiếp, và là đối tượng có nguy cơ trầm cảm cao nhất.

Các nhà khoa học xã hội đưa ra nhiều lý do để giải thích tình trạng này, bao gồm thay đổi trong cấu trúc gia đình, quá trình đô thị hóa, và sự suy giảm tầm ảnh hưởng của văn hóa và tôn giáo. Nhưng vẫn chưa có một kết luận chính xác cho nguyên nhân của căn bệnh.

Các cuộc khảo sát chỉ ra rằng người ta thường xem trầm cảm như một dấu hiệu của tính tình nhu nhược, nhưng các nhà tâm thần học và tâm lý học lại xem nó là một căn bệnh thực sự.

Mức độ nặng nhẹ khi mắc bệnh trầm cảm có để chạm đến mức cực kỳ đau đớn, và quá sức chịu đựng.

Những triệu chứng thường gặp của trầm cảm có thể là tâm trạng buồn bã, lo lắng, cảm giác "trống rỗng" kéo dài; cảm giác tuyệt vọng, hoặc bi quan; dễ nổi nóng; cảm giác tội lỗi, vô dụng, hoặc bất lực; khó ngủ, tỉnh giấc sớm hoặc ngủ quá nhiều; khẩu vị hoặc cân nặng thay đổi; có suy nghĩ về cái chết hoặc việc tự sát, hoặc có ý định tự sát.

Mặc dù khoa học hiện đại đã có những phương pháp điều trị trầm cảm hiệu quả, nhiều trường hợp không được phát hiện hay chẩn đoán. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nhìn chung, ít nhất một nửa số bác sĩ không nhận ra bệnh nhân của họ bị trầm cảm.

Giới trẻ Hàn đối mặt với tỉ lệ tự tử cao nhất thế giới

TTO - Rất nhiều thanh thiếu niên tìm đến cái chết vì không vượt qua được áp lực học hành. Vinh quang của gia đình gắn chặt cùng thành tích trong trường đại học của con cái.

HÀ GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên