Tranh thủ những khoảng thời gian chờ đợi đèn đỏ, người tài xế trạc độ tuổi 30 kể lại hành trình bốn năm lăn lộn với những công việc chân tay từ thợ xây đến xe ôm, giao hàng...
“Nhiều lúc tôi cũng muốn được đi học để kiếm một nghề ổn định hơn, nhưng... Khi nhận ra chỉ có kiến thức mới giúp mình thay đổi cuộc sống thì đã muộn. Mỗi ngày lao vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền, phần lớn thời gian di chuyển ngoài đường, giấc mơ được học xa quá rồi”, anh tâm sự.
Tâm tư của anh tài xế ắt không phải là cá biệt, hiếm hoi, mà còn có rất nhiều người lao động khác cũng đồng cảm với khát khao nâng cấp bản thân và nuối tiếc khả năng học tập. Và có hai bạn trẻ là những chuyên viên công nghệ đã lắng nghe và cùng trăn trở với họ...
Trainizi - ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo game hóa các bài đào tạo trên nền tảng điện thoại di động, giúp người lao động có thể nâng cao tri thức và năng lực chỉ trong vài phút thư thả trên đường mưu sinh - đã được Phan Nguyễn Nguyệt Trúc Đào (sinh năm 1991) và Nguyễn Đức Hiếu (sinh năm 1997) sáng tạo ra từ sự đồng cảm ấy.
Học mà chơi - Chơi mà học
Bài học thử với chủ đề “Tương tác với khán giả” được thiết kế với vài câu hỏi: Điều nào không phải là mẹo hay để thu hút khán giả? Bao nhiêu phần trăm người nghe ngủ quên khi nghe thuyết trình? Bao nhiêu người nhớ thông tin dễ hơn khi được trình bày bằng hình ảnh?
Điều gì quan trọng ở một diễn giả?... Kết luận của bài có lẽ cũng là mục tiêu của Trainizi: sự tương tác của khán giả tăng cường khả năng học tập, ghi nhớ, cải thiện động lực và tăng cường sự hài lòng.
Ứng dụng tương tác trực tiếp với người học, tính thời gian trả lời, đưa ra nhận xét động viên, chấm điểm...
Đây là lời giải cho bài toán tìm ra phương pháp đào tạo phù hợp nhất với nhóm lao động không bàn giấy như những shipper, phục vụ, công nhân nhà máy, thợ xây dựng, điều dưỡng... mà Trúc Đào và các cộng sự đã mất nhiều thời gian để tìm ra.
“Vì tính chất công việc, họ thường không đủ tâm trạng để học tập, tập huấn theo cách truyền thống như ngồi nghe giảng trong hội trường rồi kiểm tra cuối giờ”, Trúc Đào giải thích.
Trong khi đó, phương pháp tập huấn chủ yếu hiện nay vẫn là tập trung người lao động trong hội trường và giảng bài, kể cả ở những tập đoàn lớn, kể cả với các chuyên đề đặc thù ngành nghề như chăm sóc khách hàng, tuân thủ các quy định, an toàn khi lái xe, sử dụng các ứng dụng...
Đức Hiếu, người đồng sáng lập Trainizi, nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi muốn tạo cho người lao động sự thay đổi trong trải nghiệm học và tiếp cận với kiến thức. Nội dung đào tạo đã được các công ty lớn nghiên cứu nhiều và Trainizi biến chúng thành những hình thức tạo ra sự hứng thú hơn”.
Cùng với các kỹ sư công nghệ, họ sử dụng AI để chuyển thể từ video, văn bản, slide thành định dạng ngắn và sinh động theo xu hướng “game hóa”, sau đó kết hợp với các phương pháp và mô thức giáo dục như đảo ngược, chia nhỏ nội dung, phân loại mục tiêu học tập và nhận thức... để thúc đẩy sự hứng thú và động lực của người học.
Những video dài ba tiếng, những văn bản hàng trăm trang đã được chia nhỏ thành các video 20 giây, các câu hỏi trò chơi, slide 20 - 30 từ. Người dùng có cảm giác chơi một trò chơi và sẽ tiếp nhận được bài học một cách tự nhiên, nhẹ nhàng.
Hiếu kể thêm những tâm tư các bạn đã truyền vào ứng dụng: “Chúng tôi phải thiết kế nội dung bài học sao cho người dùng không bỏ dở giữa chừng. Câu hỏi không được quá khó hay quá dễ, các câu hỏi như: cái gì, làm thế nào, tại sao, xác định cái nào... cần phải được tính toán, sắp xếp xen kẽ xuyên suốt để học viên vui vẻ hoàn thành đến cuối bài”.
Hoạt động được hai năm, thống kê cho thấy 90% người dùng hoàn thành bài học trên tổng số 2.000 bài học đã được cập nhật. Thời gian đầu, ứng dụng được mở miễn phí cho cộng đồng và đã được hơn 120.000 người dùng.
Năm nay, Đào và Hiếu phát triển các gói đào tạo phối hợp với doanh nghiệp để tái đào tạo lực lượng lao động. Họ đã có nhiều khách hàng, với 60% doanh nghiệp trong nước và 40% quốc tế.
Kiến thức mang đến quyền lựa chọn
Mong mỏi của hai bạn trẻ thế hệ 9X về việc tái đào tạo cho những người “lao động không bàn giấy” lại xuất phát rất thật từ chính trải nghiệm bản thân.
Trong vai trò diễn giả tại Hội nghị thượng đỉnh công nghệ giáo dục châu Á ở Bali (Indonesia) vào đầu tháng 11-2023, Trúc Đào đã kể lại câu chuyện của mẹ mình, một điều dưỡng viên ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp: “Lúc tôi lên lớp 3, mẹ được bệnh viện cử lên Sài Gòn tu nghiệp, sau đó là một trong 20 người được chọn ra Hà Nội để đào tạo lên y sĩ.
Vậy nhưng vì gia đình, mẹ quyết định ở lại Đồng Tháp để chăm sóc cho tôi và em trai. Lựa chọn này đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của mẹ về sau”.
Ngày nghe mẹ kể về cơ hội được ra Hà Nội học, Trúc Đào 8 tuổi đã tự hào nói: “Mẹ cứ đi đi, tụi con tự lo được”. Ấy vậy mà, như nhiều người phụ nữ Việt Nam thời ấy, với đức tính hy sinh vì gia đình, bà đã chọn dừng lại vì hai con còn quá nhỏ.
“Sau này nhắc lại, tôi biết mẹ vẫn tiếc nuối nhiều lắm. Nhờ thâm niên, mẹ từng được phân công làm điều dưỡng trưởng trong vòng hai năm nhưng rồi cũng bị thay thế vì không có bằng cấp theo quy định.
Bây giờ, nhìn mẹ lớn tuổi, được điều chuyển sang làm hộ lý, gánh nhiều công việc vất vả không tên, tôi rất xót xa. Mẹ đã tự học rất nhiều, nhưng phương pháp học tập truyền thống không phù hợp để một điều dưỡng vừa chăm sóc bệnh nhân, vừa lo lắng cho gia đình có thể tiếp cận”, Đào kể mà mắt đỏ hoe.
Với Trainizi, Trúc Đào mong nỗ lực của mình sẽ thay cô nói câu “con yêu mẹ rất nhiều”.
Và cô kể tiếp chuyện của chính mình: năm thứ hai ở Trường đại học Ngoại thương, Đào được tham gia một chương trình đào tạo do Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Ấn Độ. Suốt tuần ngồi nghe giáo viên giảng bài bằng tiếng Anh, Đào bị “sốc” vì không thể nắm được kiến thức.
“Tôi là sinh viên duy nhất trong số các học viên, đều ở độ tuổi khoảng 40 và ở vị trí cấp trung tại các công ty, tập đoàn. Trải nghiệm không hiểu gì suốt cả tuần đào tạo khiến tôi hoài nghi về năng lực của mình”.
Trước ngày cuối cùng của khóa đào tạo, trăn trở cả đêm, cô gái 9X quyết định thiết kế lại nội dung của các buổi học theo dạng hình ảnh, tương tác. Chia sẻ với cả lớp vào hôm sau và Trúc Đào bất ngờ nhận về Giải thưởng dành cho giảng viên sáng tạo nhất do Ngân hàng Thế giới trao tặng.
Đức Hiếu tốt nghiệp chuyên Anh ở Trường Amsterdam (Hà Nội), sau đó theo học đại học và thạc sĩ lần lượt ở Phần Lan và Na Uy đều bằng học bổng toàn phần. Trở về từ Phần Lan, Hiếu phối hợp cùng Trúc Đào từ những ngày đầu tiên thành lập Trainizi.
Dẫu có hành trình học tập đúng chuẩn “con nhà người ta”, Hiếu vẫn tự nhận xét rằng mình đã trải nghiệm những trở ngại nhất định khi học và trưởng thành trong môi trường truyền thống, ít công nghệ giáo dục.
“Niềm yêu thích học tập đã mở ra cho tôi rất nhiều cánh cửa cơ hội và phát triển bản thân. Vì thế, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là làm ra một ứng dụng để mỗi ngày người dùng đều thích thú chủ động mở ra học, thoải mái và dễ chịu. Đó chính là bước đầu tiên để thúc đẩy họ khao khát học tập về lâu dài”, anh chia sẻ.
Trúc Đào thì nói thay lời của mẹ: “Khi một người có đủ năng lực làm việc và kiến thức, họ có quyền quyết định và lựa chọn công việc, môi trường phù hợp nhất với mình. Họ sẽ không sợ hãi trong một xã hội phát triển mỗi ngày như hiện nay”.
Bước ra thế giới - Hướng về Việt Nam
Tháng 9-2023, Trainizi giành giải quán quân tại sự kiện 2023 ASEAN - Korea AI Youth FESTA, được tổ chức bởi Cục Xúc tiến công nghiệp công nghệ thông tin quốc gia Hàn Quốc (NIPA), dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc.
Sau khi trở về từ Hội nghị thượng đỉnh công nghệ giáo dục châu Á năm 2023 diễn ra ở Bali (Indonesia) vào tháng 11, nhóm bạn trẻ tiếp tục mang dự án đến giới thiệu tại các chương trình ở Phần Lan vào tháng 12-2023, Ý và Hàn Quốc vào đầu năm 2024.
Họ cũng nhận được các thỏa thuận hợp tác triển khai đào tạo cho hệ sinh thái thành phố thông minh ở Phần Lan và y tế ở Úc. Tuy nhiên, “đích đến cuối cùng của Trainizi vẫn là muốn mang lại những giá trị cho chính lực lượng lao động rất lớn ở Việt Nam”, Trúc Đào và Đức Hiếu cùng khẳng định.
Bước đi mới
Cùng xuất phát là nhân viên tại một tiệm bánh mì, sau hai năm sử dụng ứng dụng Trainizi, hai bạn trẻ Đoàn Hồng Hạnh (sinh năm 2001) và Phạm Tuấn Anh Du (sinh năm 1993) đều đã có những bước đi mới: Hồng Hạnh tìm được công việc tại một công ty về truyền thông, còn Anh Du khởi nghiệp với thương hiệu bánh mì riêng.
“Các bài học thiết kế sinh động, theo dạng nội dung ngắn tạo được sự thích thú, đặc biệt phù hợp với các bạn trẻ quen lướt điện thoại, chơi game”, Hạnh nói.
“Nội dung đào tạo và tình huống thực tế được ứng dụng chuyển tải thành trò chơi như câu hỏi và trả lời theo dạng chọn đúng sai, chọn tình huống đúng nhất... giúp tôi củng cố kỹ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng một cách tự nhiên”, Du giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận