01/08/2019 08:00 GMT+7

Trái xoài bạc triệu và con đường nâng cao giá trị cho nông sản Việt

BÌNH MINH
BÌNH MINH

Đầu tháng 4 vừa qua, một cặp xoài cao cấp của tỉnh Miyazaki (Tây Nam, Nhật Bản) đã được mua với mức giá kỷ lục 500.000 Yen (khoảng 4.488 USD) trong phiên đấu giá tổ chức tại một chợ bán sỉ ở địa phương.

Trái xoài bạc triệu và con đường nâng cao giá trị cho nông sản Việt - Ảnh 1.

Xoài cát và na được định giá mỗi loại 100 triệu đồng để đóng góp cho hoạt động từ thiện

Thông tin này nhận được sự thu hút rất lớn của người tiêu dùng không chỉ ở Nhật Bản mà còn nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhưng nhiều người chưa biết, tại Việt Nam cũng có một phiên đấu giá 6 trái xoài với giá 100 triệu đồng do Saigon Co.op tổ chức.

Dù đây là một phiên đấu giá với mục đích làm từ thiện nhưng cũng là một ý tưởng hay cho việc nâng cao hình ảnh và giá trị cho các loại nông đặc sản của Việt Nam trong thời gian tới.

Trái cây giá trăm triệu đồng

Tại một sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển, nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam - Saigon Co.op đã thiết lập một kỷ lục mới về giá cho 6 loại nông sản khi 2 quả bưởi da xanh được hàng trăm khách tranh nhau mua với giá 120 triệu đồng; 6 quả na (mãng cầu) Chi Lăng đã được khách mua với giá 100 triệu đồng; 6 quả xoài cát giá 100 triệu đồng; một bó nhãn lồng cổ Hưng Yên giá 100 triệu đồng; 6 quả thanh long giá 100 triệu đồng và một chùm 8 quả bưởi đường lá cam cũng được khách chi 130 triệu đồng để mua. Tổng cộng, nhà bán lẻ này đã thu về 650 triệu đồng từ hoạt động đấu giá số nông sản trên.

Trái xoài bạc triệu và con đường nâng cao giá trị cho nông sản Việt - Ảnh 2.

Hai quả bưởi da xanh được định giá 120 triệu đồng đã góp phần tạo nên một kỷ lục mới cho giá trị nông sản Việt Nam

Những vị khách trả giá cao nhất để sở hữu các nông sản này cho biết, việc quyết tâm trả giá thật cao các sản vật mang 2 ý nghĩa lớn. Thứ nhất là số tiền này sẽ được sử dụng vào mục đích từ thiện hướng đến cộng đồng, thứ hai là có thể góp phần tôn vinh những sản vật Việt Nam do người nông dân đổ mồ hôi công sức vun trồng mà có.

Theo Saigon Co.op, việc chuẩn bị các loại vật phẩm như sim điện thoại, đồ cổ, sản phẩm dát vàng... bán với hình thức đấu giá để làm từ thiện thì trước giờ khá phổ biến và không còn xa lạ. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên các loại trái cây quen thuộc như nhãn, thanh long, bưởi, xoài tham gia "đấu giá" và được định giá trăm triệu đã khơi gợi một hướng mới cho việc nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Đến cách tiếp thị mới cho nông sản Việt

Theo các chuyên gia nông nghiệp, Việt Nam có nhiều loại nông sản đặc sản ở các vùng địa hình và khí hậu khác nhau. Đó không chỉ là những nguồn gene quý hiếm cho đa dạng sinh học mà còn là tiềm năng để xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, phát triển kinh tế cộng đồng. Tuy nhiên, do thiếu những chiến lược bài bản, nên đặc sản địa phương vẫn chỉ phát triển ở quy mô nhỏ chứ chưa có thương hiệu và sản phẩm đạt chuẩn phân phối rộng rãi trên thị trường. Do đó, việc sử dụng kênh đấu giá để thu hút sự chú ý của cộng đồng vào các loại đặc sản vùng miền là một hướng đi hứa hẹn đem lại hiệu quả.

Một trong những quốc gia rất thành công trong việc sử dụng đấu giá để nâng cao mức độ nhận biết cũng như giá trị của nông sản là Nhật Bản. Ngoài loại xoài bán 4.500 USD/cặp nói trên thì hồi đầu tháng 7 vừa qua, tại phiên đấu giá đầu mùa nho, một chùm nho đỏ loại quý hiếm đã được bán với giá 1,2 triệu Yen (11.000 USD). Vào năm ngoái, một cặp dưa lưới tại Yubari được đấu giá thành công ở mức 29.300 USD. Đó là những "siêu phẩm" của nông nghiệp Nhật Bản có giá hạn chế với những quy trình chăm sóc, kỹ thuật và yêu cầu rất khắt khe.

Trái xoài bạc triệu và con đường nâng cao giá trị cho nông sản Việt - Ảnh 3.

Chùm bưởi đường lá cam được định giá 130 triệu đồng tại sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển của Saigon Co.op

Không chỉ có những sản phẩm được coi là đặc biệt, việc đấu giá sác sản phẩm nông sản trong tiêu thụ hàng ngày tại Nhật cũng được tiến hành rất thường xuyên như một kênh quảng bá về quy trình cũng như chất lượng của các nhà cung cấp.

Tại Nhật Bản, các sản phẩm nông sản đều chủ yếu giao dịch thông qua các chợ đấu giá. Mạng lưới 130 chợ đấu giá phân bố rộng khắp 37 tỉnh, thành phố. Để được tham gia vào các phiên chợ đấu giá, các công ty phải đăng ký mã số cá nhân và đóng một khoản tiền đặt cọc nhất định. Nông dân Nhật chỉ cần tập hợp lại thành từng nhóm hay HTX để chung nhau một mã số. Thông qua HTX, nông dân được phổ biến về tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường để tránh tình trạng đua trồng, đua chặt, được mùa mất giá...

Theo ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, ở phương diện là một nhà bán lẻ hoạt động theo mô hình hợp tác xã, Saigon Co.op luôn trăn trở vấn đề đầu ra của các sản phẩm Việt, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh việc nỗ lực liên kết bao tiêu đầu ra và đi đầu trong việc giải cứu nông sản khi "được mùa, mất giá và được giá, mất mùa", Saigon Co.op cũng kiên trì bằng nhiều cách đi đầu trong việc nâng cao giá trị nông sản.

Rõ ràng, nông sản tuy là sản phẩm chủ lực của Việt Nam chúng ta nhưng lại phân tán nhỏ lẻ, thiếu những nơi tập trung để có thể đấu giá nâng cao giá trị nông sản trước khi phân phối đi các nơi, trong đó có bao gồm xuất khẩu. Đây sẽ là giải pháp hữu hiệu để nâng cao hình ảnh và giá trị của các sản phẩm nông sản Việt Nam như các nước tiến bộ đã thực hiện thành công trong thời gian qua.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Saigon Co.op Xoài bưởi