Phóng to |
Cơ sở mái ấm Hướng Dương của thầy Đặng Ngọc Duy tại 79 Tiểu La, Tam Kỳ - Ảnh: L.B.T. |
Lúc đầu bạn bè đến thăm viếng và an ủi, nhưng rồi cũng thưa dần. Chỉ còn Duy ngồi lại. Với bóng tối. Với những lo toan bế tắc. Sau này anh nhớ lại: “Tôi rơi vào u uất, tuyệt vọng. Nỗi khát khao được đi học cứ canh cánh. Và không thôi bao hồi ức về những ngày thả diều với bạn bên sông Trường Giang, những trò chơi đánh trận giả, những buổi đá banh... Cho đến bây giờ, trái banh tuổi thơ bằng nhựa còn lăn trong đầu tôi”...
Năm 14 tuổi Duy vượt qua nỗi sợ, thực hiện chuyến phiêu lưu đầu tiên trong đời. Anh vào Sài Gòn để tìm hiểu cuộc sống của những người có hoàn cảnh như mình. Chuyến đi thất bại vì bị kẻ xấu lừa, bị trường “mù” từ chối. Nhưng cái được của lần đi xa này là bài học về tình người: những người đồng cảnh ngộ đã quyên tiền giúp kẻ đang bơ vơ giữa Sài Gòn về lại quê nhà.
Sau năm năm học lại tiểu học, Duy đi học đàn và... làm thơ. Lúc đầu, người thầy dạy đàn đã từ chối nhận một học sinh mất nửa bàn tay và đôi mắt nhưng sự kiên trì và niềm đam mê của Duy đã khiến ông cảm động. Rồi Duy được vào học Trường mù Nguyễn Đình Chiểu và Trường THPT Trần Phú ở Đà Nẵng.
Sau ba lần thi vào đại học thất bại, đến năm thứ tư anh nộp đơn thi trong sự hoài nghi và ái ngại của bạn bè. Nhưng rồi sự kiên nhẫn đã được đền bù, anh thi đỗ trong sự vui mừng khôn xiết của người thân. Tốt nghiệp đại học năm 33 tuổi, nhiều người đã cho rằng Duy “điên” khi từ chối lời mời dạy học của một trường trung học.
Dự án đầy “ảo tưởng” của Duy bắt đầu từ một mơ mộng cũng không kém điên rồ: in tập thơ Sắc màu thời gian của chính mình để... gây vốn ban đầu, rồi mày mò lập dự án xây dựng một mái ấm cho người khuyết tật, điều mà anh ôm ấp từ những ngày tuyệt vọng trong bóng tối khi mới bị tai nạn. Nhiều người thương tình mua giúp. Anh gom được 30 triệu đồng.
Thầy Đặng Ngọc Duy thuê nhà, mua bàn ghế, chuẩn bị khai giảng năm học đầu tiên của mái ấm Hướng Dương tại 21 Trần Dư, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Thầy Duy đã lặn lội đến các huyện miền núi tuyển sinh. Lớp học đầu tiên với 17 học sinh ra đời. Nhưng chỉ sau một niên khóa, nhà bị thu hồi, thầy trò phải dắt díu nhau về trú ngụ ở số 79 Tiểu La. Năm học này, mái ấm Hướng Dương có 21 em, 21 phận đời tàn tật câm điếc, thiểu năng trí tuệ, khiếm thị...
Thầy Duy vừa là người quản lý, là hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, người tư vấn và cũng là người tạp vụ. Hôm nào không phải “đi xin” để nuôi 27 người (21 học sinh và sáu người phụ tá), thầy Duy lại ôm đàn lên lớp. Giờ học luôn bắt đầu bằng một bài hát, sau đó mới đến kiến thức, kỹ năng để học sinh khuyết tật của thầy “tự thắp lửa cho mình, hoàn thiện bản lĩnh và khả năng để hội nhập cuộc sống” vốn muôn màu và đầy khắc nghiệt.
Ở mái ấm Hướng Dương đã bắt đầu có tiếng cười. Tiếng cười của nước mắt...
Tôi gặp Đặng Ngọc Duy vào năm học 1999-2000 khi em vào học lớp “hòa nhập” ở Trường THPT Trần Phú. Từ đó, ba học sinh khiếm thị trở thành “con ruột” của tổ địa lý trong đại gia đình Trường Trần Phú. Hơn mười năm nay, chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc. Ngày 20-11 chúng tôi chúc mừng nhau. Khi mái ấm gặp khó khăn, Duy í ới “thầy ơi, mái ấm hết gạo rồi”. Những khi chùng lòng vì cuộc sống, tôi lại tìm đến mái ấm hay gọi cho Duy để tìm một chút niềm tin, một chút bình yên cho tâm hồn mình...
Mặc dù hơn Duy 25 tuổi, được đào tạo bài bản ở trường sư phạm và đã có gần 40 năm đứng trên bục giảng; mặc dù đã có một thời gian trực tiếp dạy Duy, nhưng trong sâu thẳm lòng mình, tôi luôn coi Duy là người đồng nghiệp quý mến. Và cao hơn, là người “thầy” đáng kính. “Thầy” Đặng Ngọc Duy đã dạy tôi những bài học quan trọng về tinh thần lạc quan, về nghị lực vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống. Cũng chính Đặng Ngọc Duy đã dạy tôi những bài học sâu sắc về lòng nhân ái. Chỉ có tình người bao la mới mang lại cho chúng ta sự bình an trước những đảo điên của cuộc sống...
Tôi nhớ định nghĩa mới nhất của vật lý học hiện đại về yếu tố cấu tạo nên thế giới: ánh sáng. Tôi lại nhớ lời thầy Đặng Ngọc Duy về một ánh sáng khác, đích thực: “Con người ai sinh ra cũng có một trái tim. Hãy biết khơi dậy và nuôi dưỡng một lẽ sống đẹp, để trái tim không bị tật nguyền, tự nhiên sẽ tỏa ra ánh sáng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận